Nguồn nhân lực: Thách thức của ngành du lịch Đà Nẵng

.

Du lịch Đà Nẵng đang phát triển hết sức nhanh chóng, nhu cầu nguồn nhân lực vì thế càng cấp bách. Xã hội cần phải xây dựng một hình ảnh đúng về nghề du lịch. Cần có những chương trình truyền thông để thanh niên không quá mơ mộng về nghề và phụ huynh không quá khắt khe khi con cái chọn nghề du lịch. Đó là một nghề vất vả nhưng đáng tự hào.

Việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề rất cần thiết để phát triển ngành du lịch. Trong ảnh: Các đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn 4-5 sao trên địa bàn thành phố trong một buổi tập huấn nghề bếp. Ảnh: THU HÀ
Việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề rất cần thiết để phát triển ngành du lịch. Trong ảnh: Các đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn 4-5 sao trên địa bàn thành phố trong một buổi tập huấn nghề bếp. Ảnh: THU HÀ

Hạn chế  về quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo

Trong thời gian qua, du lịch Đà Nẵng phát triển hết sức nhanh chóng cả trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống lẫn vận chuyển và vui chơi giải trí. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, hiện thành phố có khoảng 689 cơ sở lưu trú với 28.821 phòng, tăng 114 cơ sở lưu trú với 7.497 phòng so với năm 2016.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nguồn khách và phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch tạo nhu cầu rất lớn trên thị trường lao động du lịch. Ước tính đến hết tháng 6-2017 ở Đà Nẵng có 30.322 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, tăng 12,2% (tương ứng với 3.292 người) so với năm 2016. 

Nhu cầu lao động du lịch to lớn đang đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng thường xuyên gặp phải những khó khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực, không chỉ với các doanh nghiệp mới thành lập mà cả các doanh nghiệp đang hoạt động bởi tỷ lệ bỏ việc cao của lao động trong ngành.

Theo mục tiêu quy hoạch, năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 6 triệu lượt khách nội địa, nhu cầu lao động du lịch trực tiếp sẽ là 35.289. Trong đó, ngành lưu trú năm 2020 tăng lên 26.000 phòng, dự báo năm 2030 sẽ là 62.000 phòng và lúc đó đòi hỏi phải có 65.000 - 70.000 lao động khách sạn đã qua đào tạo.

Để cung ứng nguồn lao động này, hiện nay ở Đà Nẵng có hàng chục cơ sở tham gia đào tạo nghề trong du lịch, trong đó bậc đại học có 3 trường: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đông Á.

Các cơ sở này hằng năm cung ứng khoảng 2.000 lao động ở các ngành lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn. Xét đơn thuần về mặt lượng, chúng ta thấy trước sự căng thẳng về cung ứng nguồn nhân lực du lịch có tay nghề trong thời gian đến.

Không chỉ vấn đề về quy mô, cơ cấu đào tạo cũng là bất cập lớn. Trong khi nhu cầu lao động chủ yếu ở cấp nhân viên tác nghiệp thì cơ cấu ngành đào tạo ở các trường đại học và cao đẳng lại là đào tạo các chuyên ngành quản trị kinh doanh. Trong khi đó, trong kinh doanh du lịch, nguyên tắc thăng tiến là “from bottom”, phổ biến, các cấp quản trị đều phải bắt đầu từ cấp nhân viên.

Về chất lượng đào tạo, hạn chế lớn nhất là các chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo, nhất là đào tạo ở bậc đại học, nặng về kiến thức, thậm chí nặng về kiến thức cơ bản, chưa chú trọng đến kỹ năng và thái độ.

Trong khi đó, kinh doanh du lịch đòi hỏi người lao động không những phải có kiến thức mà cả kỹ năng, thái độ tốt trong giao tiếp phục vụ khách và điều này chỉ có thể có được qua rèn luyện tại thực tế phục vụ khách.

Bất kỳ ai trong doanh nghiệp du lịch, kể cả nhà quản trị doanh nghiệp, không thể không kinh qua những hoạt động tác nghiệp phục vụ khách. Các bất cập nêu trên giải thích thực tế là các doanh nghiệp du lịch phải đào tạo lại sau tuyển dụng.

Một hạn chế nữa của nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng đang khiến các doanh nghiệp trăn trở là tỷ lệ bỏ việc cao của người lao động du lịch Đà Nẵng. Đó có thể là do họ chưa thật sự yêu nghề và/hoặc chưa toàn tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Ở đây cũng cần lưu ý, tỷ lệ bỏ việc cao của lao động du lịch Đà Nẵng không chỉ do sự cạnh tranh thu hút của các doanh nghiệp mới thành lập mà đây cũng là một đặc thù chung của ngành. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ (Woods et al., 1998), cho thấy, trong ngành khách sạn, ở bộ phận nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tỷ lệ thay đổi nhân viên (số nhân viên mới/tổng số nhân viên) hằng năm lên đến mức 51,7%.

Các hạn chế nêu trên của nguồn nhân lực du lịch đang là thách thức to lớn của phát triển du lịch Đà Nẵng và nếu không khắc phục, nó sẽ là hạn chế chính trong thu hút đầu tư du lịch của Đà Nẵng.

Với nhiều đường bay thẳng trực tiếp và thuê chuyến, những năm gần đây, lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không ngày một tăng cao.  Ảnh: THU HÀ
Với nhiều đường bay thẳng trực tiếp và thuê chuyến, những năm gần đây, lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không ngày một tăng cao. Ảnh: THU HÀ

Vai trò chính đặt lên vai các cơ sở đào tạo du lịch

Để khắc phục những hạn chế trên, trước hết, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch Đà Nẵng phải có những thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, thay đổi trước hết hiện nay là khẩn trương xây dựng lại chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao tính thực hành cho sinh viên du lịch.

Việc này đang được thúc đẩy bằng cú hích khá quyết liệt bởi ý kiến chỉ đạo từ Thông báo kết luận số 469/TB-VPCP ngày 6-10-2017 của Văn phòng Chính phủ và được cụ thể bởi Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH ngày 20-10-2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch”.

Thực hiện cơ chế này, cơ sở đào tạo du lịch phải liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong đào tạo và khuyến khích các chuyên gia trong doanh nghiệp này tham gia đào tạo, phải bảo đảm “Thời gian đào tạo tại các doanh nghiệp ít nhất bằng tổng thời gian thực hành, thực tập của chương trình đào tạo và không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo”.

Bên cạnh việc nâng cao tính thực hành của sinh viên, cùng với đa dạng hóa loại hình đào tạo, cơ chế phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp du lịch và chuyên gia trong doanh nghiệp du lịch cho phép các cơ sở đào tạo du lịch Đà Nẵng có điều kiện mở rộng quy mô đào tạo theo yêu cầu cấp bách của phát triển du lịch.

Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là khoa đầu tiên triển khai hoạt động đào tạo nguồn lao động quản lý du lịch trình độ đại học tại miền Trung. Thấy được nhu cầu thực tế của thị trường lao động du lịch cũng như nhận thức trách nhiệm xã hội của mình, trong thời gian qua, khoa Du lịch đã có những thay đổi trong việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn trong đào tạo sinh viên.

Hiện khoa đã hoàn thành việc xây dựng lại chương trình đào tạo với nhiều thay đổi hết sức cơ bản. Trong phương pháp giảng dạy, khoa tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch vào quá trình đào tạo, nâng quan hệ với doanh nghiệp từ hợp tác lên liên kết.

Đến nay, khoa đã lựa chọn, đàm phán và ký kết thỏa thuận liên kết đào tạo với hơn 20 khách sạn, khu nghỉ mát, công ty du lịch trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, đã lựa chọn và đang tiến hành thương thảo mời giảng với trên 25 chuyên gia từ các doanh nghiệp du lịch.

Mục tiêu của sự chuyển biến này là bảo đảm sinh viên khi tốt nghiệp vừa có kỹ năng để tham gia ngay vào hoạt động phục vụ khách ở cấp nhân viên, vừa có đủ năng lực để phát triển lên các cấp quản trị cao sau này.

Hơn bất cứ ngành nào, trong du lịch, lòng yêu nghề là yếu tố quyết định trong chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, nhà trường - bên cạnh cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng, cần có trọng tâm xây dựng thái độ nghề nghiệp đúng đắn cho sinh viên. Ngay từ khi sinh viên bước vào chương trình đào tạo, cần quán triệt để sinh viên thấy rằng trong du lịch, mọi nhà quản trị đều phải kinh qua các bậc từ bậc thấp nhất trong doanh nghiệp và có thể từ những chức danh nhân viên khác nhau.

Doanh nghiệp du lịch phải thấy rằng thành công của doanh nghiệp là từ sự hài lòng của khách hàng mà trong du lịch, sự hài lòng của khách hàng chỉ có thể có được khi nhân viên hài lòng với công việc của mình tại doanh nghiệp.

Bảo đảm nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, tốt về chất lượng là một vấn đề vô cùng khó khăn nhưng đây lại là điều không thể không giải quyết bởi nó là yếu tố hàng đầu để bảo đảm cho du lịch phát triển bền vững.

Du lịch Đà Nẵng đang phát triển hết sức nhanh chóng, nhu cầu nguồn nhân lực vì thế càng cấp bách. Hơn ai hết, các cơ sở đào tạo du lịch phải nhận thức hết sức sâu sắc về yêu cầu này và phải thấy rằng dù đây là kết quả của sự phối hợp nỗ lực nhiều bên nhưng rõ ràng vai trò chính đang đặt lên vai các cơ sở đào tạo du lịch.

T.S Trương Sĩ Quý

Trưởng khoa Du lịch – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng


Tài liệu tham khảo: Kết quả nghiên cứu của dự án “Xác định những đóng góp của du lịch trong GRDP thành phố Đà Nẵng” – 2017 (Đánh giá tác động kinh tế của du lịch Đà Nẵng) và số liệu từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng.

;
.
.
.
.
.
.