Tiếp tục đi tìm Củ mài Việt An

.

Mới đây Báo Thanh Niên có loạt bài và video clip điều tra đã bóc trần một quy trình hãi hùng “biến” khoai mì thành vị thuốc “hoài sơn” và đưa vào tiêu thụ trên thị trường đông dược khiến dư luận hết sức bức xúc.

Củ mài trồng trong bao tiện lợi, dễ thu hoạch và năng suất cao. Ảnh: P.C.T
Củ mài trồng trong bao tiện lợi, dễ thu hoạch và năng suất cao. Ảnh: P.C.T

Thật ra đây không phải là vấn đề mới, nhiều năm qua các cơ quan truyền thông, các nhà quản lý và những người làm nghề dược chân chính đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về vấn nạn này.

Hoài sơn còn gọi Thự dự, là vị thuốc bổ thường được chế biến từ Củ mài - Dioscorea persimilis ở nước ta hay Sơn dược - Dioscorea opposita  ở Trung Quốc, có tác dụng ích khí, dưỡng âm; thường dùng trong các bài thuốc bổ thận (Lục vị địa hoàng hoàn, Bát vị thận khí hoàn…), kiện tỳ (Sâm linh bạch truật tán, Cốm bổ tỳ,…), chữa viêm phế quản mạn tính (Hòa phế ẩm, Nhất vị thự dự ẩm,…), chữa bệnh đái tháo đường (Sơn dược tiêu khát ẩm, Ngọc dịch thang,…).

Các thập niên trước đây do cung không đủ cầu, nên nhiều nơi cả ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn chế biến Hoài sơn từ Củ cọc (Khoai mỡ) - Dioscorea alata, là loài cùng chi, cùng họ Củ nâu – Dioscoreaceae nên có ít nhiều tác dụng tương tự, tuy không bằng Hoài sơn chính hiệu.

Tuy nhiên, việc sử dụng Củ mì, còn gọi Khoai mì hay Sắn - Manihot esculenta Crantz, thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae để xông ủ lưu huỳnh chế biến thành “Hoài sơn” không chỉ là hành vi gian lận thương mại, làm hàng giả mà còn là tội lỗi độc ác làm tổn hại sức khỏe nhân dân, cần lên án và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Không yên tâm trước tình trạng chất lượng vị thuốc Hoài sơn trên thị trường, cách đây 7 năm tôi có tìm đến vùng núi Việt An, nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam để tìm mua loại củ mài mọc hoang vốn là một sản vật nổi tiếng trong nguồn dược liệu Quảng Nam - Đà Nẵng, được các thầy thuốc đông y tín nhiệm dùng thay thế vị Hoài sơn bắc cho hiệu quả không hề thua kém. Nhưng cây thuốc bản địa quý giá này lúc bấy giờ gần như... tuyệt chủng.

Giải thích về sự khan hiếm đó, một người dân địa phương cho biết, một phần vì diện tích đất rừng vùng này đã bị nhấn chìm dưới lòng hồ thủy lợi Việt An rộng khoảng 180ha, một phần rừng núi còn lại bị chặt phá trồng cây công nghiệp như cao su nên giống củ mài bây giờ họa hoằn lắm đi rừng mới gặp một bụi có thể đào lấy vài ký về để dành nấu chè ăn không đủ, lấy đâu ra nhiều mà bán làm dược liệu.

Giả dụ có còn nhiều, nhưng do củ mài thường ăn sâu có khi cả thước tây vào lòng đất, thì để đào bới để lấy được một củ mất cả buổi công mà giá trị thu được không bao nhiêu, nên phần lớn thanh niên trong làng đi đào đãi vàng kiếm tiến chứ không ai hơi sức đâu đào bới củ mài.

Trong bài “Đi tìm củ mài Việt An” viết trên báo Tuổi Trẻ sau chuyến đi đó, tôi có đề xuất nên tổ chức trồng củ mài, và để có thể khôi phục thương hiệu Hoài sơn Việt An trở thành một thế mạnh kinh tế, cần có sự phối hợp đồng bộ không chỉ của UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Hiệp Đức và các cấp ngành y tế, nông - lâm nghiệp, hội đông y, hội nông dân mà cả ngành du lịch nữa, bởi vì hiện nay hồ Việt An đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch khá hấp dẫn. Về du ngoạn vùng hồ Việt An mà chưa được thưởng thức một chén chè củ mài, cũng như đến Hội An mà chưa ăn chè bắp vậy.

Tuần vừa rồi, nghe lương y Diệp Chí Hùng, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hiệp Đức cho biết đã có một hội viên ở Việt An đã bước đầu trồng thành công củ mài núi tại vườn nhà, tôi cùng lương y Huỳnh Sự (Bệnh viện YHCT Đà Nẵng) và dược sĩ Đặng Ngọc Phái (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), đã tìm đến nhà  thầy thuốc trẻ Đào Bội Thiên và tận mục sở thị một số bao trồng củ mài (kiểu mô hình trồng gừng trong bao) để quanh vườn nhà được thu hoạch năng suất cao 3-4 kg/ bao và đặc biệt việc dỡ bao lấy củ khá tiện lợi, không mất công đào như khi trồng dưới đất. 

Thiết nghĩ đây là một mô hình hay, nên nghiên cứu và nhân rộng để chủ động trồng củ mài, bào chế vị thuốc Hoài sơn đảm bảo chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhà.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.