Giai điệu của những đôi bàn tay

.

Lớp học có một nửa người nghe bình thường và nửa còn lại là người điếc nhưng rất hiếm khi sử dụng giọng nói, thông điệp giữa người dạy và người học chủ yếu là cử chỉ của đôi bàn tay, thi thoảng kèm theo khẩu hình miệng để minh họa một từ ngữ nào đó khó diễn đạt.

Đó là dự án mang tính nhân văn nhằm tạo môi trường gắn kết giữa người nghe và người điếc của nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.

Một buổi giao lưu do Silence’s Melody Class tổ chức. Ảnh: T.L
Một buổi giao lưu do Silence’s Melody Class tổ chức. Ảnh: T.L

Nhóm sinh viên trên gồm Huỳnh Thị Thiên Ngà, Võ Bích Trâm, Lê Văn Phát, Đoàn Ngọc Huyền, Đoàn Công Dũng và Dương Thị Bích Hằng, đều là SV năm nhất, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Một điều đặc biệt nữa là các bạn từng học cùng khóa ở Trường THPT Hòa Vang.

Trưởng nhóm Huỳnh Thị Thiên Ngà cho biết, ý tưởng dự án Silence’s Melody Class - Giai điệu của sự thinh lặng được nhóm thống nhất lựa chọn để phát triển sau khi trải qua nhiều bàn bạc, từ phương án xây dựng dự án hỗ trợ người điếc ban đầu cho đến việc thông qua nhiều lần tiếp xúc, sinh hoạt cùng CLB Người điếc Đà Nẵng và đã nhận được nhiều sự chia sẻ về mong muốn của họ.

Theo Ngà, dự án là nơi gắn kết giữa người nghe và người điếc. Ở đó, hạn chế tối đa việc sử dụng âm thanh. Cả người điếc và người nghe bình thường giao tiếp bằng ký hiệu, cử chỉ của đôi tay. Người bình thường khi tham gia lớp học sẽ dần quen với ngôn ngữ cử chỉ này, những người điếc sẽ dạy họ điều đó.

Bù lại, người bình thường sẽ là người hỗ trợ những người điếc học được các bài học về kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như bài học về sơ cấp cứu, tạo ra được môi trường hòa nhập giữa người nghe và người điếc, làm cầu nối giúp người điếc cảm nhận được sự tôn trọng, sự bình đẳng và được vui chơi cùng mọi người.

Như vậy, người bình thường nhận được không chỉ là sự trải nghiệm mà là tình cảm - sự yêu thương giữa con người với con người, nhất là những người không may bị điếc.

“Kế hoạch nhìn qua rất đơn giản nhưng khi bắt tay thực hiện chúng em gặp khá nhiều khó khăn. Cả nhóm đều là SV năm nhất, kinh nghiệm chưa có nên để thực hiện xâu chuỗi tất cả các khâu từ chuẩn bị hội thảo cho đến sự liên hệ giữa bài giảng và người phiên dịch, chuẩn bị giáo trình… nhóm đều phải tranh thủ thời gian ngoài giờ lên giảng đường, họp bàn, thống nhất kế hoạch cụ thể”, Bích Trâm - thành viên của nhóm cho biết.

Đặc biệt, để tìm được nguồn tài trợ hoạt động dự án, nhóm phải đưa ra kế hoạch chi tiết thuyết phục để được chương trình UFSHIP tài trợ.

Sau hơn 5 tháng chạy dự án thực tế, nhóm đã tổ chức được 3 buổi hội thảo, thu hút khoảng 100 lượt người tham gia. “Hội thảo ban đầu được nhóm tổ chức ở những địa điểm người điếc thường hay sinh hoạt như Trung tâm hỗ trợ Người điếc miền Trung, Trung tâm bảo trợ xã hội, sau đó mở rộng ra không gian quán cà-phê để giúp họ có điều kiện gặp gỡ nhiều người, cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng về ngôn ngữ ký hiệu.

Mục tiêu của dự án là hướng đến mối liên kết giữa người điếc và người nghe được. Vì vậy, hội thảo luôn có một nửa số người tham gia là người điếc và nửa còn lại là những người nghe được quan tâm đến ngôn ngữ ký hiệu tay và cộng đồng người điếc”, Thiên Ngà nói.

Tại mỗi buổi hội thảo, phần ngôn ngữ ký hiệu của lớp học được chị Trương Thị Ngân (Chủ nhiệm CLB Người điếc Đà Nẵng) đảm nhiệm có kèm theo người phiên dịch để người nghe được dễ hiểu, nắm bắt bài và có thể trao đổi với người điếc thông qua ngôn ngữ cử chỉ.

Mỗi bài dạy, những người bình thường thống nhất phương án sử dụng nhiều ngôn ngữ cử chỉ để tìm được tiếng nói chung với người điếc một cách nhanh nhất, cũng như dễ dàng trao đổi thông tin, nắm bắt tâm tư của nhau nhiều hơn.

Còn phần giáo án dạy sơ cấp cứu, kỹ năng thoát nạn được các tình nguyện viên có chuyên môn y tế đứng lớp.

“Nhóm xây dựng giáo án dựa trên nhu cầu của các bạn điếc. Chủ đề được linh động theo nhu cầu mà các bạn điếc cần để trang bị cho cuộc sống thường nhật”, Bích Trâm cho biết thêm.

Cùng với đó, để ngày càng có nhiều người quan tâm, chia sẻ với cộng đồng người điếc giúp họ hòa nhập tốt, các hoạt động hội thảo cũng thường xuyên được nhóm đăng tải trên fanpage. Ngọc Huyền bộc bạch, những thành công bước đầu là động lực để nhóm hướng đến những chương trình dài hơi. 

“Ban đầu khi tiếp xúc các bạn điếc, nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Mọi giao tiếp gần như thông qua chữ viết trên giấy. Sau đó mỗi thành viên đều nỗ lực học hỏi, từ ký hiệu ngắn đến dài để trao đổi với các bạn điếc. Mỗi khi thành viên nhóm giao tiếp điều gì đó bằng ký hiệu tay, các bạn điếc rất vui. Từ đó nhóm cũng vui lây và cố gắng nhiều hơn, thấy việc làm của mình có ích”.

Chia sẻ về dự định, Thiên Ngà cho biết: “Sắp tới, nhóm sẽ tổ chức những buổi giao lưu nhỏ mang tên “Những bàn tay biết hát” để tạo sân chơi nhiều hơn giữa các bạn điếc và người bình thường nghe được.

Trong tương lai, nhóm mong muốn thông qua phương tiện mạng xã hội cũng như các hội thảo, sẽ có ngày càng nhiều hơn các bạn không may bị điếc và cộng đồng quan tâm đến người điếc cũng như ngôn ngữ ký hiệu cùng tham gia để giúp người điếc hòa nhập, có nhiều kỹ năng sinh hoạt cũng như hiểu hơn về họ.

Dự án của nhóm là một trong 5 dự án được chương trình UPSHIFT do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF và Mạng lưới Khởi nghiệp trẻ Việt Nam VYE tài trợ phát triển. Hiện các bạn đang tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để dự án phát triển lâu dài.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.
.