Báu vật Sơn Trà

Niềm cảm hứng từ voọc

.

Không biết từ bao giờ, voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà đã trở thành mẫu ảnh được các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên săn lùng mỗi ngày. Đó không hẳn là đam mê, sở thích mà còn là cách các nhiếp ảnh gia thể hiện sự trân trọng, yêu mến vẻ đẹp cùng thói quen sống giàu tình cảm, có trách nhiệm của “nữ hoàng linh trưởng”.

Ngày nào cũng vậy, rất nhiều nhiếp ảnh gia cả chuyên và không chuyên lên Sơn Trà, chụp voọc.  Ảnh: Mai Hiền
Ngày nào cũng vậy, rất nhiều nhiếp ảnh gia cả chuyên và không chuyên lên Sơn Trà, chụp voọc. Ảnh: Mai Hiền

Chiều nào cũng vậy, tầm 15 giờ, anh Hoàng Chí Dũng (sinh năm 1961, ngụ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) lại vác máy ảnh lên Sơn Trà săn ảnh voọc. Ngoài máy ảnh, cũng như mọi người, hành trang của anh còn có thêm vài chai nước suối và chiếc mũ tai bèo trông khá bụi.

Cứ hễ lên Sơn Trà là mọi người lại bỏ mũ bảo hiểm rồi lấy chiếc mũ tai bèo ra dùng để thuận tiện thả bộ tìm từng góc chụp.

Anh Dũng nói: “Bỏ mũ bảo hiểm ra thì mới dễ dàng nghe được âm thanh di chuyển của voọc; từ đó, xác định được vị trí chính xác của chúng”. Chạy xe thật chậm, quan sát kỹ cây cối ven đường, lắng nghe tiếng kêu, tiếng di chuyển của voọc, rồi dừng chân tại những điểm voọc hay xuất hiện… đó là cách mỗi tay máy hằng ngày trải nghiệm ở Sơn Trà.

Chỉ mới hơn một năm lên Sơn Trà chụp voọc, không phải lúc nào anh Dũng cũng may mắn gặp được mẫu ảnh đặc biệt này. Có khi vài ngày không gặp được voọc cũng là chuyện rất đỗi bình thường. Những tay máy chụp voọc vẫn hay nói rằng, chụp được voọc ấy là cái duyên.

Rất nhiều người khi nói về niềm đam mê săn ảnh voọc đều nói rằng: không ai trông thấy voọc mà không đem lòng yêu thích. Ánh mắt cứ dõi nhìn mãi không muốn dừng, cho đến khi voọc mất hút dưới thung sâu. Chưa kể, như anh Dũng nói: “Đi rồi quan sát, thấy lối sinh hoạt bầy đàn dễ thương, có trách nhiệm của chúng, mình sẽ yêu thôi”.

Cũng bị cuốn hút bởi nếp sống của voọc, anh Nguyễn Bá Thức (sinh năm 1968, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) đã săn ảnh voọc được 3 năm nay. Trong cảm nhận của anh, thì bộ lông của voọc rất đẹp, như khoác lên mình bộ trang phục đầy màu sắc.

Gương mặt của chúng trông khá ngây thơ và đáng yêu. Chúng sống theo gia đình. Con đầu đàn lúc nào cũng giữ vai trò bảo vệ cả nhà, con mẹ thì luôn theo sát đứa con nhỏ nhất. Con lớn lên một chút cũng chỉ được chơi gần mẹ, không cho đi xa. Voọc đa thê, nhưng chúng sống chan hòa, yêu thương lẫn nhau.

Có rất nhiều người chọn buổi sáng để lên săn ảnh voọc vào để cùng tận hưởng một Sơn Trà mát mẻ, sảng khoái. Cũng có nhiều người chọn buổi chiều, hay cả sáng lẫn chiều. Họ đi tầm 4 giờ đến 9 giờ sáng, chiều thì tầm 15 giờ đến 18 giờ.

Với kinh nghiệm 3 năm chụp voọc, theo anh Thức, chụp voọc khó nhất là ở thiết bị và phải đoán được động tác tiếp đó của nó là gì. Vì voọc thường ở trên cao, ở xa, rất hiếm khi ở cự ly gần nên những nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường phải đầu tư máy móc mới có thể săn được những tấm ảnh đẹp. Hiện anh đang dùng máy Nikon với ống kính có khẩu độ 150-600mm.

Không chỉ những tay máy có tuổi mới mê đắm chụp voọc, mà những tay máy trẻ cũng bị “nữ hoàng linh trưởng” cuốn hút. Chị Tr. (sinh năm 1988, ngụ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là một trong số đó. Chị Tr. mới chụp voọc từ 6 tháng trước.

Trong tuần phải đi làm nên chị  thường đi chụp voọc vào buổi sáng, buổi chiều thì đi vào hai ngày cuối tuần. Đam mê chụp ảnh voọc ở chị Tr. xuất phát từ việc chị thích quan sát đời sống, cách sinh hoạt của voọc. Với chị Tr, chụp voọc khó nhất ở chỗ làm sao để lột tả được tính cách của từng con voọc. “Voọc cũng như con người, mỗi con có đặc điểm và tính cách khác nhau nên cái khó là phải làm quen và nắm bắt được”, chị Tr. chia sẻ.

Trong số những tay máy săn ảnh voọc có cả tay máy là người nước ngoài. Ông Tetsuo Kogai đến từ Nhật Bản, nhân dịp đến Đà Nẵng trong kỳ nghỉ 10 ngày cũng đã vác máy lên Sơn Trà chụp voọc. Cứ rảnh là ông lại đi chụp, có hôm đi cả buổi sáng và buổi chiều.

Ông Tetsuo Kogai diễn tả ngắn gọn: “Tôi thích chụp voọc vì tôi thấy chúng rất đẹp”. Cứ mỗi du khách nước ngoài chụp được voọc, khi về nước lại truyền nhau cho bạn bè. Nên thật dễ dàng, khi du khách nước ngoài có mặt trong đội quân chụp voọc ngày mỗi nhiều.

Giờ, mỗi lần lên Sơn Trà, chủ yếu là vào buổi chiều và hai ngày cuối tuần, thật dễ dàng để bắt gặp những tay máy đi săn ảnh voọc. Đam mê chụp voọc mang họ đến gần nhau hơn. Họ chia sẻ với nhau về kinh nghiệm chụp voọc, khoe nhau những tấm ảnh đẹp vừa săn được.

Nhiều người ngạc nhiên rằng tại sao cũng chỉ những con voọc mà các nhiếp ảnh gia chụp mãi không chán? Thật ra, ngoài vẻ đẹp khá sặc sỡ với 5 màu lông trên cơ thể, lúc bắt sáng ánh lên những màu lung linh rất đẹp, voọc còn thu hút các tay máy ở những nét biểu cảm, hành vi, sinh hoạt vô cùng giống người, và điều đó mới thực sự cuốn hút các tay máy từ khắp nơi tìm đến Sơn Trà, nơi voọc đã khá thân thiện với con người.

Là một dáng ngồi giống hệt người nông dân ngồi co chân bên thềm nhà, tay gác lên đầu gối sau một buổi cày mệt. Là một nét môi, một ánh mắt, một nếp nhăn trên trán như đầy ưu tư. Là một sự chăm sóc, âu yếm của vợ chồng, mẹ con đầy những yêu thương, nựng nịu. Là một gia đình quây quần như đang chuyện trò gì đó vào cuối ngày. Voọc cũng thích ngắm hoàng hôn và hoa lá… Tất cả tạo nên những bức ảnh rất sinh động và giàu cảm xúc.

KHÁNH QUYÊN

;
.
.
.
.
.
.