Ghi danh điểm đến hàng đầu

.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist - Chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng, khi Đà Nẵng tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, phục vụ hơn 10.000 quan khách, trong đó có lãnh đạo của 21 nền kinh tế, thì không còn lo bất cứ nguồn khách nào mà không phục vụ được.

Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà giúp du khách có nhiều lựa chọn chỗ nghỉ khi đến du lịch tại thành phố biển Đà Nẵng.Ảnh: H.N
Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà giúp du khách có nhiều lựa chọn chỗ nghỉ khi đến du lịch tại thành phố biển Đà Nẵng.Ảnh: H.N

Dù chưa có những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất nhưng Đà Nẵng được xem là một điểm đến an toàn, hấp dẫn, có khả năng đáp ứng được nhu cầu, các thành phần khách nội địa cũng như nước ngoài.

Cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ tạo thành điểm sáng của du lịch Đà Nẵng. Chỉ tính lượng khách du lịch đường hàng không, năm 2017, Đà Nẵng ước đón  hơn 1,58 triệu lượt người, tăng hơn 74% so với năm 2016; với 27 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 13 đường bay trực tiếp thuê chuyến, với tần suất 233 chuyến/tuần.

Ở đường biển, năm 2017 đã có 78 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa với 120.000 lượt khách, tăng 46% so với năm 2016, với sự hiện diện đều đặn hằng tuần của tàu biển Genting Dream, có sức chứa lên tới hơn 3.400 khách.

Năm 2015, Đà Nẵng được tạp chí Smart Travel Asia bình chọn “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”.

Hàng loạt  khu nghỉ mát ven biển tuyệt đẹp đạt tiêu chuẩn 5 sao, đẳng cấp ngang tầm thế giới, cùng với những bãi biển đẹp ven Mỹ Khê, Non Nước, hay khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort 4 lần liên tiếp đoạt giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”.

Trước đó, từ khoảng năm 2008, các thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao bắt đầu có mặt ở Đà Nẵng để xây dựng hàng loạt khu nghỉ mát cao cấp ven biển. Tính đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng có 20 khách sạn 5 sao và tương đương với tổng 5.466 phòng.

Với 712 cơ sở lưu trú, cung cấp ra thị trường 29.735 phòng ở đạt tiêu chuẩn từ nhà nghỉ du lịch đến khách sạn đẳng cấp, Đà Nẵng không thiếu phòng nghỉ cho du khách và có thể đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng của khách từ giá rẻ cho đến hạng sang.

Khu vực quanh các con đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Hà Bổng, Hồ Nghinh… có khoảng trên 50 khách sạn, với nhiều mức giá khác nhau cho khách lựa chọn, lại nằm ở địa thế đẹp, gần biển, gần trung tâm thành phố nên được du khách lựa chọn nhiều.

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Sơn Trà có trên 170 khách sạn với trên 6.400 phòng và 93 nhà nghỉ, trong đó phần lớn là khách sạn 3 sao và 3 sao trở xuống.

Đại diện Sở Du lịch cho rằng, sự phát triển không ngừng của cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất đã đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Năm 2018, ngành du lịch thành phố hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn, phấn đấu ngày càng phát triển, chuyên nghiệp, thể hiện vai trò đầu tàu của Đà Nẵng ở khu vực miền Trung, khẳng định vị trí của thành phố Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, đón tiếp du khách.

Theo thông tin từ Sở Công thương thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 199 nhà hàng và 4.228 cơ sở ăn uống đăng ký kinh doanh. Ông Trần Văn Thống, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đầu bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng cho hay, tính đến cuối năm 2017, CLB có 350 thành viên, là đầu bếp chuyên nghiệp ở các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng.

Và toàn thành phố có khoảng 700 đầu bếp được đào tạo bài bản, phục vụ các món ăn truyền thống của địa phương, của Việt Nam cũng như giỏi chế biến các món ăn từ Á sang Âu, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách.

Đây là đội ngũ nhân lực góp phần đưa ẩm thực trở thành kênh quảng bá hấp dẫn, chuyên nghiệp cho ngành du lịch, bên cạnh những sản phẩm đặc trưng khác.

Thời gian tới, Đà Nẵng cũng tính đến việc phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực ban đêm để phục vụ cho đa dạng khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Đà Nẵng cũng đang thiếu các chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng, đặc sắc tổ chức định kỳ để phục vụ du khách.

Hy vọng bên cạnh những mặt đã đạt được về cơ sở hạ tầng, thì nhân lực du lịch, các dịch vụ đi kèm sẽ được phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng về lượng khách và doanh thu hằng năm.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 712 cơ sở với 29.735 phòng, trong đó có 20 khách sạn (KS) 5 sao và tương đương với 5.466 phòng; 44 KS 4 sao và tương đương với 6.549 phòng; 92 KS 3 sao và tương đương với 6.081 phòng; 504 KS từ 1 đến 2 sao và tương đương với 10.847 phòng; 52 biệt thự, nhà nghỉ du lịch, homestay với 792 phòng.

Thành phố có tổng số 3.633 hướng dẫn viên (HDV) du lịch, trong đó có 2.410 HDV quốc tế, 1.223 HDV nội địa, đáp ứng đầy đủ các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.
.