Hướng tới đô thị nông nghiệp bền vững

.

Phát huy truyền thống cách mạng trong những năm kháng chiến, sau 43 năm giải phóng, huyện Hòa Vang chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ địa phương hướng đến mục tiêu trở thành đô thị nông nghiệp phát triển bền vững về phía tây thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (trái) kiểm tra thực tế các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu. 		Ảnh: Q. KHẢI
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (trái) kiểm tra thực tế các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu. Ảnh: Q. KHẢI

Vượt lên gian khó

Sau chiến tranh, Hòa Vang là vùng đất khó khăn nhất của thành phố. Nhưng bằng ý chí nỗ lực, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã phát huy nội lực cùng với sự giúp sức của toàn thành phố đã đạt những thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư theo hướng đồng bộ, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhiều năm đạt mức tăng tưởng bình quân 10%/năm.

Nông nghiệp từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ “tự túc, tự cấp” thì nay chuyển sang sản xuất vùng chuyên canh, quy mô lớn theo hướng công nghiệp, được quy hoạch, tính toán và đầu tư lớn. Trên địa bàn huyện hiện nay có hàng chục mô hình kinh tế mới ra đời từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ phát triển, nhiều dự án, khu du lịch quy mô lớn được triển khai trên địa bàn như: Khu du lịch Bà Nà Hills, nước khoáng nóng Phước Nhơn, Ngầm Đôi, Suối Hoa, Núi Thần Tài… “Các dự án này không chỉ góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh Hòa Vang mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với thành phố Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng”, ông Trần Văn Trường nói. 

Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Hòa Vang xuất phát từ sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện và sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy.

Từ năm 2011 đến 2016, huyện Hòa Vang huy động từ nhiều nguồn lực hơn 2.400 tỷ đồng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, hàng ngàn hộ dân tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất làm đường, mở rộng trường học…

Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo huyện Hòa Vang đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, có 11/11 xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Hòa Vang cũng đã triển khai nhân rộng trên 50 mô hình sản xuất có hiệu quả, thông qua phát triển sản xuất đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của người dân Hòa Vang chỉ khoảng 15 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2015, đạt 27,7 triệu đồng/người/năm. Huyện phấn đấu đến năm 2020, mỗi người dân Hòa Vang có mức thu nhập bình quân 65 triệu đồng/người/năm, hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010. Điều đáng mừng là đến nay huyện Hòa Vang không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Phú Hành, huyện Hòa Vang phát triển đúng định hướng theo chương trình NTM. Kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư mạnh và từng bước đồng bộ theo hướng đô thị. Điểm nhấn là đầu tư giao thông, trường học, y tế, thiết chế văn hóa, điện, nước sạch và các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất trên cùng một diện tích ngày càng mang lại hiệu quả.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định 3 đột phá, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị Đà Nẵng.

Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp đã phối hợp với huyện triển khai giống cây trồng mới, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tiêu biểu tại vùng rau an toàn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) với tổng diện tích hơn 15ha, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hàng tỷ đồng vào hệ thống nhà lưới trồng rau, hoa quả sạch để đưa đi tiêu thụ trong thành phố cũng như các địa phương khác.

Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gia Khang Phát là một điển hình về đầu tư sản xuất rau củ quả công nghệ cao, cung ứng lương thực, thực phẩm sạch, vật tư và nhà màng nông nghiệp… Anh Nguyễn Hữu Quyết, Giám đốc công ty chia sẻ, xã Hòa Khương là mảnh đất có tiềm năng để phát triển nông nghiệp với những sản phẩm chất lượng cao.

Đặc biệt, từ năm 2015, thôn Phú Sơn Nam đã chuyển đổi 1,3ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. “Nắm bắt được nhu cầu ngày càng lớn về rau sạch trên thị trường cũng như định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của huyện, công ty mạnh dạn đầu tư ngay mô hình trồng rau sạch vì đây là hướng đi phù hợp”, anh Quyết cho hay.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị, thành phố quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 440ha tại các xã đã hình thành các vùng chuyên canh rau, củ, quả, cá, tôm và con vật nuôi. Huyện cũng phát triển mô hình chăn nuôi dê, thâm canh, trồng thanh long, chăn nuôi gà đồi, các mô hình trồng cây ăn quả; xây dựng nhà nuôi trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã nấm Nhơn Phước; phối hợp với các doanh nghiệp đủ điều kiện để triển khai thực hiện trồng cây dược liệu tại các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc…

Theo ông Trần Văn Trường, để phát triển nông thôn mới Hòa Vang bền vững, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể của huyện nghiêm túc và quyết liệt triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. “Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng như nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi trong lĩnh vực này; đồng thời khai thác phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu lịch sử, làng nghề truyền thống… để từ đó phát triển địa phương, nâng cao đời sống người dân hơn nữa”, ông Trần Văn Trường nhấn mạnh.

QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.