Nghĩ

Khám phá và... phá

Cách đây mấy ngày tôi lên Bãi cát vàng ở Sơn Trà theo lời kể của nhiều người rằng nơi này đẹp lắm. Khác với những chia sẻ trước đó của mọi người, Bãi cát vàng ngày tôi đến không có hoạt động kinh doanh du lịch nào cả vì hình như nơi này không còn được kinh doanh nữa. Chỉ có những cái chòi gỗ trên bãi cát nằm liền kề nhau hướng ra biển cho thấy nơi đây từng được kinh doanh sôi nổi. Tuy vậy, điều này cũng không thể cản chân những người thích khám phá khi Bãi cát vàng quá quyến rũ với vệt cát óng vàng uốn mình bên biển xanh ngát được bao trọn giữa rừng cây hoang sơ. Thấy chúng tôi không mang theo thức ăn, một nhóm phượt ở chòi bên cạnh nhiệt tình mời sang thưởng thức “đặc sản”. Đó là những con cá nhỏ tầm 3 ngón tay, màu sắc sặc sỡ rất đẹp mắt mà tôi không biết tên do nhóm này câu và xiên được từ sáng đến giờ. Nhóm này mang theo đầy đủ dụng cụ như cần câu, cây xiên, kính lặn, ống thở để bắt cá, mò ốc. Thấy chúng tôi xuýt xoa trước những con cá quá đẹp và hình dung đến một hồ cá biển lung linh, một người trong nhóm phượt cầm rổ cá con nào con nấy cứng đờ cho biết, cá này rất “sang”, muốn chơi thì đòi hỏi nhiều sự kỳ công và tiền của, có người mỗi lần thay nước cho bể cá biển như thế phải tốn đến 10 triệu đồng. Anh vừa nói xong, người phụ nữ đang ngồi loay hoay nhóm lửa cất tiếng: Giờ nấu canh hay nướng? Cả nhóm nhanh chóng quyết định: Nướng! Rổ cá được đổ lên vỉ đặt dưới lớp than rực hồng. Cá chín, rổ ốc tiếp tục được bày lên vỉ nướng. Đi ăn ốc rất nhiều lần nhưng tôi chưa thấy quán nào bán loại ốc này, chỉ từng nhìn thấy những vỏ ốc như thế trong các sản phẩm làm quà lưu niệm. Rồi những chiếc vỏ màu sắc kia cũng dần đen cho đến khi tỏa mùi thơm nức. Được mời thưởng thức “thành quả” của nhóm, nghĩ đằng nào cá cũng chín rồi nên tôi thử cho biết. Trong lớp vỏ cháy sém là lớp thịt cá trắng phau và ngọt thơm không quán cá nướng nào sánh bằng, nhưng một cảm giác “sai sai” cũng đi theo mình qua cổ họng.

Ngồi ở đây ngoài cái “thú” vừa câu cá vừa ăn còn có cảnh vừa ăn vừa... đuổi khỉ. Núi và biển chỉ cách nhau bờ cát rất ngắn nên những cái chòi như nằm tựa lưng vào núi. Lũ khỉ cũng chỉ cần nhảy phóc một cái là lọt thỏm vào chòi “chôm” thức ăn. Chắc “chôm có nghề” rồi nên khỉ rất dạn người. Thấy chúng tôi rời chòi ở khoảng cách vài bước chân, một con khỉ khá lớn nhảy xuống cạnh bao mì lá mà nhóm phượt ăn dang dở, rồi ngang nhiên lấy bao mì nhảy lên cây lẻn mất dạng. Trong thoáng chốc, tôi cảm giác đây không còn là bầy khỉ hoang dã nữa mà là những con khỉ mình vẫn thấy trong công viên thường ngày hí hửng nhặt đồ ăn ai đó ném vào lồng. Tôi cũng tưởng tượng bầy khỉ ở đây hẳn nghe tiếng người là lập tức lười biếng ngồi chực chờ đợi chôm thức ăn thay vì thản nhiên tự kiếm nguồn sống giữa rừng già như đặc thù sinh tồn của nó. Mà người ở đây lại ầm ào cả ngày, cả đêm. Tôi muốn nói “ầm ào” vì người không chỉ đến lặng lẽ mà còn đến với những chiếc loa thùng. Tôi cũng thử đoán liệu có khi nào những con khỉ này chôm bia, thứ vốn rất nhiều ở quanh đây và “khà! khà!” nhâm nhi trên ngọn cây nào đó không nhỉ. Rồi cảm giác “sai sai” lại đến với mình khi nhận ra chính việc con người mang thức ăn theo và để thừa mứa đã “sử hư” cho bầy khỉ hoang dã nơi này.

Cách đây không lâu tôi có đọc bài báo của một người nước ngoài rất đam mê khám phá những nơi thiên nhiên hoang vắng ở Việt Nam. Người này viết một ý đại loại họ cố gắng “không lấy đi bất cứ cái gì và không để lại bất cứ thứ gì” ở nơi đặt chân đến và đau lòng khi nhìn thấy nhiều người “cố lấy đi thật nhiều và cũng để lại thật nhiều” ở mỗi nơi từng đến... phá.

Không dám nói bài báo đã thức tỉnh trong mình điều gì nhưng tôi vẫn cố bắt chước “không lấy đi bất cứ cái gì và không để lại bất cứ thứ gì” ở nơi mình đặt chân đến khám phá, cụ thể như đến với Sơn Trà. Nhưng hôm đó, ở Bãi cát vàng, rõ ràng là tôi đã lấy đi ở đây rất nhiều và để lại cũng rất nhiều. Tôi lấy một con cá, một con ốc để ăn. Tôi lấy sự sống, sự yên bình mà nơi này đã tạo ra để cho tôi được đến và tôi đã góp phần để lại sự “thuần hóa” theo hướng xấu xí cho động vật hoang dã nơi đây, ít nhất là với lũ khỉ ấy. Và dù ở Bãi cát vàng tôi có ngồi thiền và không ăn, không nói thì tôi chí ít cũng đã để lại Sơn Trà tiếng ồn và khí thải độc hại từ xe máy của mình. Tôi lại nhớ một bài báo khác của một người viết về quan điểm đối với du lịch mà trước đó tôi chưa từng nghĩ như vậy. Người này viết ý thế này: Dù bạn du lịch dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Tôi vốn nghĩ có 2 loại du lịch, một là “phá” hơn là khám phá, loại này rõ ràng tai hại đối với môi trường thiên nhiên. Hai là du lịch tử tế, vừa góp phần tăng sự trải nghiệm, thư giãn cho bản thân, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho nơi mình đến vì góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Nhưng khi ngẫm nghĩ bài báo đó, tôi nhận ra đúng là với du lịch tử tế, chúng ta cũng không thể không làm tổn hại đến môi trường. Sự xuất hiện của con người luôn đi liền với sự tiêu tốn nhiên liệu, nguồn nước, sự gia tăng tiếng ồn, hóa chất, rác thải... Không có cách nào du lịch mà hoàn toàn không tác động đến môi trường, chỉ có chúng ta nhận ra điều đó và kiềm chế phần nào sự tác động mà thôi. Nhưng núi rừng Sơn Trà bao dung quá, hay cơ quan quản lý “thả cửa” quá mà xe máy, taxi, ô-tô du lịch cứ gầm rú ngày đêm trên các nẻo đường len lỏi Sơn Trà, nhất là những ngày thời tiết nắng ráo như mùa hè. Đường lên Sơn Trà không thanh vắng nữa, đường lên Sơn Trà đôi khi còn kẹt xe vài chỗ và cùng với sự xuất hiện của con người là những hệ lụy chúng ta đã thấy.

Tôi ao ước giá như một ngày tôi bị cấm tùy tiện chạy xe máy hay ô-tô bon bon lên Sơn Trà. Tôi chỉ có thể đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện không tiếng ồn, không khói bụi như xe điện công cộng để di chuyển lên tuyến đường trong xanh thơ mộng này. Xe điện dừng ở nhiều trạm và tôi có thể xuống bất kỳ điểm nào nếu muốn ngắm hoa, ngắm biển, ngắm núi và thấy xa xa thành phố mình quá đỗi bình yên. Không những thế, tôi sẽ phải bắt buộc thực hiện những quy định nghiêm ngặt hơn trong việc sử dụng củi lửa, mang theo các thiết bị gây tiếng ồn lớn như loa thùng..., thay vì chỉ nhìn thấy thoáng qua vài tấm bảng cấm nhắc nhở, còn lại lệ thuộc hoàn toàn vào ý thức con người. Tôi muốn sự khắt khe hơn với mình trong vai trò người đi khám phá để tôi thực sự được thả mình trải nghiệm Sơn Trà mà không quá nhiều cảm giác “sai sai” tội lỗi.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.