“Ăn dầm nằm dề” là câu cửa miệng của bệnh nhân hay người nhà đi theo chăm sóc trong thời gian điều trị phục hồi chức năng (PHCN), sau khi thoát khỏi đám dây nhợ loằng ngoằng của những ngày giành giật sự sống ở phòng mổ hay phòng hồi sức cấp cứu.
Nhưng thoát được cánh cửa buồng bệnh này thì bước vào một cánh cửa khác, gian nan không kém và tính bằng tháng, bằng năm để phục hồi trí nhớ, phục hồi các chức năng của tay, chân. Đây cũng là bước thử thách ý chí con người để giành lại một cuộc sống có ý nghĩa, không trở thành người tàn phế.
Nguyễn Duy L. với nụ cười lạc quan, cùng chị gái bám trụ đã 20 tháng tại bệnh viện. Ảnh: H.N |
1. Giở lại những trang sổ ghi chép từng cuộc phỏng vấn với người bệnh hay người nhà bệnh nhân, thấy một điểm chung là vượt qua được “cửa tử” của ca cấp cứu, mỗi người đều xác định con đường gian truân phía trước để lấy lại từng bước đi chập chững, tập cầm muỗng xúc cơm, tập phục hồi trí nhớ…
Ai cũng mong có thể phục vụ bản thân, còn chuyện xa hơn là kiếm một nghề gì đó để làm, để nuôi sống mình còn là một chuyện dài chưa thể nói trước được. Cũng như việc định lượng khả năng phục hồi các cơ quan chức năng của cơ thể tùy thuộc vào cơ địa, vào chấn thương, vào sự thành công của ca mổ/cấp cứu, dù sự quyết tâm là có thừa.
Sau một lần đi lắp máy lạnh cho một khách hàng về, Nguyễn Duy L. (30 tuổi, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) bị một chiếc xe đụng phải. L. tỉnh lại trong bệnh viện, biết mình bị chấn thương tủy sống, liệt hoàn toàn, não bị ảnh hưởng.
Cuộc sống tưởng như chỉ còn một màn đen, vậy mà sau 6 tháng nằm trong phòng bệnh, rồi chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng 20 tháng nay, hai bàn tay của L. đã có thể cử động, tự nâng lên đặt xuống, hai chân bắt đầu nhận thấy cảm giác dù chưa thể đứng được. L. bảo: “Nhiều lúc buồn lắm, nhưng vẫn phải cố gắng thôi. Thấy họ đi được thèm lắm!”.
Sự cố gắng ấy là ngày hai buổi lên phòng tập, có kỹ thuật viên hướng dẫn và hỗ trợ. Về đến phòng bệnh là L. tự tập cử động tay, vặn người để không “cứng” đốt sống với sự hỗ trợ của chị gái Nguyễn Thị Xuân.
Chị phải bỏ làm công nhân da giày ở khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc để theo em từ hơn 2 năm nay. Buổi tối chị Xuân trải chiếu nằm cạnh giường em, để lo cho em từ việc xoa bóp tay chân đến tập vận động tay, vệ sinh như một đứa trẻ; trừ việc mấy tháng gần đây L. đã có thể tự xúc cơm ăn.
Như những đứa trẻ lên 1, lên 2, những bệnh nhân sau cơn bạo bệnh cần PHCN cũng phải tập đi, tập cầm đồ vật, tập nói, tập khôi phục trí nhớ. Các kỹ thuật viên cho biết trong quá trình giúp người bệnh luyện tập cũng phải trò chuyện, động viên họ cố gắng, như một liệu pháp hỗ trợ tâm lý, trong khi các khoa PHCN của các bệnh viện chưa có công tác PHCN về điều trị tâm lý cho bệnh nhân.
Ông Phạm Thế Duy ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi theo con ra bệnh viện Đà Nẵng 2 tháng, rồi qua Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng 18 tháng nay. Con trai ông, Phạm Ngọc T., 25 tuổi, bị tai nạn giao thông, máu lan tỏa khắp não nên không thể mổ được, T. bị liệt tứ chi.
Ông Duy bảo qua tháng thứ 8 nhờ kỹ thuật viên luyện tập tích cực, tay T. mới có cảm giác, và thêm 2 tháng nữa mới có thể nâng tay lên. Đến bữa ông Duy đút từng muỗng cơm cho con. “Giờ phải tính bằng năm chứ đâu có thể tính ngày tính bữa.
Cứu được con là mừng rồi, còn ra sao chưa nói được. Suốt mấy tháng Tài gần như không ngủ, mắt mở trừng trừng. Giờ nhận thức có tiến triển nhưng chậm lắm. Chú buồn, khóc miết, không biết mình có sống nổi mà nuôi nó hay không”.
Đôi mắt T. khi ngồi trên xe lăn như người vô hồn, nhưng khi ba và kỹ thuật viên tập ép và xoa bóp chân, đau quá T. khóc váng lên. Hồi trước ông Duy và T. đều đi ‘bạn” cho các chủ tàu biển, hàng tháng trời lênh đênh giữa khơi. Từ ngày T. nằm viện, ông Duy nghỉ việc, nhà có 5 sào ruộng giờ không có ai phụ giúp, vợ ông chỉ còn cấy 1 sào, gia tài có 4 con bò cũng bán nốt để lo cho con. Ông nhẩm tính từ hồi con nằm viện đến giờ tốn khoảng 350 triệu đồng, cũng đã vay ngân hàng một khoản kha khá và cũng chưa biết tính sao cho những tháng ngày dài trước mắt…
2. Hầu như ai cũng xác định chữa bệnh PHCN là một cuộc chiến lâu dài, cần kiên trì ngày đêm. Những người bệnh có nhà ở Đà Nẵng còn đỡ, sau thời gian đầu phải nằm viện để theo dõi sự phục hồi, khi bệnh có tiến triển có thể đến viện hằng ngày tập luyện với máy móc và sự hỗ trợ của kỹ thuật viên, buổi tối có thể về nhà. Còn những người ở xa, bệnh viện trở thành mái nhà thứ 2 của họ.
Bệnh tình, cuộc sống của người bên cạnh, người bên này giường có thể nắm rành rẽ. Ngày nào có người phát suất ăn từ thiện mà người bệnh đang ở phòng tập, người thân cùng phòng tự nguyện đi nhận cơm, cháo thay. Mọi người yêu thương nhau như một lẽ tất nhiên.
Võ Như Qu. (25 tuổi, ở Điện Bàn, Quảng Nam) cũng bị tai nạn giao thông, bị dập và phù não, liệt nửa người, nay đã có thể đi lại được “nhưng mà chưa đẹp”, tay phải vẫn còn bị liệt nên Qu. tập ăn và viết bằng tay trái.
Qu. tự an ủi mình: “Một năm không được thì 2 năm, 2 năm không được thì 10 năm. Giờ bảo 100% như xưa thì không được rồi, nhưng em vẫn phải cố gắng từng ngày”. Nỗi bận tâm lớn nhất của Qu. bây giờ là chờ ba má kiếm tiền để có thể lắp một nửa hộp sọ mở ra sau đợt tai nạn, Qu. tìm hiểu nghe nói số tiền để mổ lắp hộp sọ lên đến 95 triệu đồng, mà cũng chưa biết có thành công hay không. Qu. hầu như tự chăm sóc bản thân. Lúc nào cần mua cơm, giặt đồ, đã có người nhà của các bệnh nhân khác giúp em.
Nhìn cậu thanh niên chỉ còn da bọc xương trên chiếc giường có bánh xe lăn, ai cũng rớt nước mắt. Em là Nguyễn Thanh Q., 22 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. Q. bị xuất huyết não do phình động mạch chủ khi đang học năm thứ hai Đại học Hàng hải ở Hải Phòng. Mọi ước mơ như đang khép lại với em. Ông Nguyễn Hiên, ba em bảo, Q. tập PHCN được 5 tháng, đã có thể nhận biết được ba mẹ, nhưng thế nào còn chưa biết.
Phía sau những câu chuyện là những tiếng thở dài, dù ai cũng nói hy vọng. Vị thần hy vọng đứng sau lưng, mang cho người bệnh, người thân niềm tin, nghị lực. Để mỗi ngày chỉ cần nắm được cái chai nước, đứng vững trên đôi chân hay bước một vài bước đi trở thành niềm ước ao khôn nguôi, và sẽ là tiếng xuýt xoa ngợi khen của kỹ thuật viên, tiếng động viên của những người nhà bệnh nhân trong một ca tập ở phòng Hoạt động trị liệu.
Trần Ngọc Duy, Kỹ thuật viên trưởng, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN cho biết, PHCN là một hoạt động rất quan trọng sau phẫu thuật, giúp người bệnh ngăn ngừa teo cứng khớp. Nếu bệnh nhân phẫu thuật tại bệnh viện sẽ có chương trình vận động nhẹ ngay tại giường, sau khi phẫu thuật một ngày.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Tuệ, Trưởng khoa PHCN, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng cho biết, với 10 bác sĩ, 25 kỹ thuật viên, khoa có 143 giường bệnh nhưng luôn vượt lên con số 180-200 bệnh nhân nội trú. Những bệnh như tai biến, chấn thương sọ não cần ít là 1 năm; bại não cần đến 3-4 năm mới có thể nói đến chuyện phục hồi.
Hiện nay các kỹ thuật như tác động bằng sóng xung kích, oxy cao áp… hỗ trợ bệnh nhân rất lớn trong điều trị. Tuy nhiên cơ chế bảo hiểm buộc bệnh viện phải cho bệnh nhân ra viện hằng tháng, rồi người nhà phải về quê xin giấy chuyển tuyến, nhập viện khiến gia đình bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Trong khi tập PHCN cần một thời gian dài để khôi phục sức khỏe.
Hoàng Nhung