Đại bi còn có tên cây Đại ngải, Từ bi xanh, Băng phiến; tiếng Hán gọi Ngải nạp hương (艾纳香) hay Đại phong ngải (大风艾). Tên khoa học: Blumea balsamifera (L.) DC., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
“Đại bi hoạt huyết, tiêu sưng/ Giảm đau, tán ứ, sát trùng, chữa ho”. Ảnh: P.C.T |
Đại bi là cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 1-3m, thân phân cành ở phía ngọn, nhiều lông. Lá mọc so le, phiến lá có lông, mép có răng cưa hay nguyên. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Quả bế có lông. Toàn cây có mùi thơm của Long não.
Cây mọc ở ven rừng thưa, rừng tái sinh, trảng cỏ, ven đường đi, quanh làng bản ở độ cao 100-1.000m. Ra hoa tháng 3-5, có quả tháng 7-8. Cũng được trồng bằng cành hay rễ để lấy lá, cành non và rễ làm thuốc.
Có thể thu hái lá quanh năm, chủ yếu vào mùa hạ. Thu hái toàn cây vào mùa hạ và thu, dùng tươi, hoặc phơi hay sấy khô. Có thể dùng lá non và búp để chưng cất rồi cho thăng hoa thành Mai hoa băng phiến (Long não đại bi), là vị thuốc thông dụng trong Đông y.
Theo GS.Đỗ Tất Lợi, có thể cất Mai hoa băng phiến theo phương pháp thủ công như sau: Dùng nồi chõ trên để một thau nước lạnh, cho lá cành Đại bi đã băm nhỏ vào nồi, thêm nước ngập lá, trát kín chõ và chậu thau.
Đun nhỏ lửa, 3-4 giờ sau, mai hoa băng phiến thăng hoa bám vào đáy chậu, lấy ra cạo bột băng phiến, ép cho kiệt hết tinh dầu rồi tinh chế lại bằng cách trộn bột băng phiến thô (100 phần) với bột tham củi (5 phần), vôi bột (3 phần). Cho vào nồi gang, đặt lên nồi một thau nước lạnh, trát kín, đun nhỏ lửa rồi lấy băng phiến như trên. Hiệu suất mai hoa băng phiến trong lá tươi là 0,3-0,5%.
Theo TS. Võ Văn Chi, phân tích thành phần hóa học cho thấy lá Đại bi chứa 0,2-1,88%, tinh dầu và mai hoa băng phiến. Tinh dầu chứa d-borneol, l-camphor, cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic. Còn có sesquiterpen alcol. Thành phần chính của mai hoa băng phiến là borneol; đó là một chất có tinh thể óng ánh và trắng như hoa mai, do đó mà có tên gọi như trên.
Theo Đông y, Ðại bi có vị cay đắng, mùi thơm nóng, tính ấm; có tác dụng khu phong, tiêu sưng, hoạt huyết, tán ứ, giảm đau. Mai hoa băng phiến có vị cay the đắng, mùi thơm nồng, tính ấm, có tác dụng thông khiếu, tán phong hàn, tiêu đờm, sát trùng.
Đại bi thường được dùng trị thấp khớp, đòn ngã tổn thương, sản hậu đau lưng; đau bụng sau khi sinh, đau bụng kinh; cảm mạo, ho, đau dạ dày do lạnh, ỉa chảy. Dùng ngoài chữa vết thương chấn thương, đinh nhọt, viêm mủ da, ngứa da.
Liều dùng 6-12g lá, 15-30g rễ hoặc toàn cây sắc uống. Dùng ngoài lấy lá giã đắp hoặc nấu nước tắm. Có thể làm thuốc ngâm rượu để xoa bóp chỗ đau.
Ðơn thuốc:
1. Chữa cảm mạo, ho, sốt nóng: dùng 6-12g lá Ðại bi nấu nước uống. Có thể nấu nước xông, dùng riêng hay phối hợp với các loại lá khác có tinh dầu lá Sả, lá Bưởi, lá Cam nấu nước xông cho ra mồ hôi. Nếu nhức đầu dùng lá giã đắp ở thái dương.
2. Thấp khớp: dùng rễ Ðại bi, Kê huyết đằng mỗi vị 30g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
3. Ðau bụng kinh: dùng rễ Ðại bi 30g, Ích mẫu 15g, sắc uống. Hoặc dùng Đại bi 30g, trứng gà 2 quả, rượu trắng vừa đủ nấu lấy nước uống.
4. Chữa lòi dom (sa trực tràng): Lá Ðại bi giã nát với lá Câu đằng, đắp lên.
5. Chữa ghẻ: Lá Ðại bi tươi và lá Hồng bì dại, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát lấy nước đặc bôi.
6. Chữa ho: Lá Ðại bi 200g, lá Chanh 50g, rễ Cà gai leo 100g, rễ Thủy xương bồ 100g, củ Sả 100g, Trần bì 50g, tất cả phơi khô, cắt nhỏ nấu với nước 2 lần để được 700ml dung dịch, lọc, rồi thêm 300ml xi-rô để được 1 lít cao. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần.
7. Chữa bị ngất, hôn mê: Mai hoa băng phiến xát vào chân răng.
8. Chữa bệnh chân răng thối loét: Mai hoa băng phiến và phèn phi với lượng bằng nhau, rắc vào chỗ đau.
9. Sau khi sinh nhức khớp: Đại bi, Xương sông, lượng bằng nhau, sắc lấy nước ngâm rửa chỗ đau. Hoặc dùng lá Đại bi tươi và Xương sông tươi, giã nát rồi chế rượu xào nóng, đắp lên chỗ khớp đau.
10. Sau sinh trúng phong: Đại bi, lá Quất hồng bì, Sả, Ngũ trảo, đều bằng nhau, nấu nước tắm.
PHAN CÔNG TUẤN