Phương hay Thuốc quý

Đỗ mai hay Đậu anh đào

.

Tuần trước, bạn N.P đang công tác ở Đại học Đà Nẵng gửi thư điện tử cho tôi biết đoạn cuối đường Võ Nguyên Giáp, sát chân núi Non Nước, có trồng mấy chục gốc cây  với cành phủ đầy hoa, trong khi lá thưa thớt hoặc rụng hết, hoa nở bung trông rất đẹp và hơn một tháng vẫn chưa thấy tàn, nhưng không biết gọi tên cây là gì, nên nhờ chuyên mục Phương hay Thuốc quý định danh giúp.

Đỗ mai hay Đậu anh đào - Gliricidia sepium.  Ảnh: P.C.T
Đỗ mai hay Đậu anh đào - Gliricidia sepium. Ảnh: P.C.T

Nhìn tấm ảnh gửi kèm với dạng lá kép lông chim và tràng hoa cánh bướm, dù là “thầy lang tay ngang thực vật”, nhưng tôi vẫn đoán được loài này thuộc họ Đậu, nhờ đó mà khu trú phạm vi tìm kiếm và cuối cùng đã xác định được đó là cây Đỗ mai, còn có nhiều tên khác Hồng mai, Đào đậu, Đậu anh đào, Anh đào giả, Sát thử đốm…; tên khoa học Gliricidia sepium (Jacq.) Walp (Robinia sapium Jacq.) thuộc họ Đậu - Fabaceae.

Sách Cây cỏ Việt Nam ghi loài này có nguồn gốc Địa Trung Hải, nhưng Danh lục các loài thực vật Việt Nam cho là nguyên sản của vùng nhiệt đới châu Mỹ, được nhập trồng ở khắp các xứ nhiệt đới làm cây cảnh và cây cho bóng.

Nước ta có trồng ở Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Thường trồng ở các vườn hoa, đường phố và cũng trồng làm cọc cho hồ tiêu leo, hoa là nguồn nuôi ong lấy mật.

Theo một bài báo cho biết, cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo sư Lê Văn Ký, một đại thụ của ngành nông lâm phía Nam, là người đầu tiên đã đem cây từ rừng về trồng ở Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc và đặt tên là Đỗ mai vì quả giống quả đậu (đỗ) và hoa giống hoa mai.

Do hoa đẹp và nở rộ mùa Tết như hoa mai hay hoa anh đào, nên gần đây có một số khu du lịch ở Nha Trang, Khánh Hòa như Hòn Tằm, Khu du lịch sinh thái WaterLand - suối Thạch Lâm ở huyện Cam Lâm đã trồng thành cả khu rừng hàng ngàn gốc Đỗ mai, tạo thành điểm nhấn hấp dẫn du khách gần xa.

Đỗ mai là cây nhỡ cao 4-7m. Cành non có lông. Lá mọc so le, có khi gần như đối, kép lông chim lẻ; lá chét 9-15, hình trái xoan, bầu dục hay ngọn giáo, dài 4-5cm, rộng 1,5-3cm, gân nhẵn, mốc mốc ở dưới, có mũi nhọn ngắn. Hoa khá to, màu trắng hay hồng, thành chùm ở nách lá; đài hình chuông, cụt hay có 5 răng nhỏ; thường mang những đốm nhỏ màu đo đỏ, tràng có cánh cờ hình mắt chim, lõm dài 15-20mm. Quả đậu dài 10-15 cm, rộng 1-2cm. Hạt 3 ô, dẹp. Hoa tháng 12-3.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, lá và hoa có thể dùng ăn như lá và hoa cây So đũa. Nước sắc lá dùng uống hạ nhiệt và chống tăng huyết áp; thêm nước vào dùng tắm để điều trị hăm kẽ, ban bạch và ghẻ. Dịch ép từ cành lá giã ra, hòa loãng trong nước dùng uống trị tiêu chảy. Lá tươi để nguyên hay giã nát dùng lót chuồng gia súc, gia cầm có thể trừ được bọ chét và côn trùng gây hại.

Các bộ phận của cây có độc đối với chuột và các loại gặm nhấm khác (nên cây có tên Sát thử đốm) nhưng không có hại đối với gia súc. Người ta cho rằng do tác dụng lên men của vi khuẩn, coumarin trong cây sẽ biến đổi thành dicoumarol có tính chất chống đông máu. Chất này làm giảm hàm lượng prothrombin do gan tiết ra, làm cho chuột bị chết do xuất huyết nội tạng. Lá, cuống lá và vỏ được xem như là có hoạt tính sát trùng rất rõ.

Để diệt chuột, thông thường, người ta tán hạt, lá và vỏ cây thành bột mịn rồi trộn với gạo. Cũng có thể dùng hai phần vỏ cây băm nhỏ nấu với một phần nước, đem nước đặc này trộn với hạt lúa mì hay ngũ cốc ngâm trong vài giờ rồi lấy các hạt này làm bả mồi, chuột ăn sẽ chết sau vài ngày.

Điều thú vị nhất với người viết bài này là nhờ câu hỏi của bạn N.P mà đã tìm hiểu, phát hiện loài này được ghi nhận trong Danh lục cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu cũng như Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi. Như vậy hoàn toàn có thể bổ sung cho Danh lục cây thuốc Đà Nẵng.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.