Bừng lên những khát vọng…

.

Gần 80 bức tranh do các em thiếu nhi khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh bất hạnh đến từ các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Đà Nẵng sáng tác, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chiều 28-5 để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Các bức tranh xoay quanh những câu chuyện rất đời thường mà các em gặp hằng ngày ở trường lớp với bạn bè, gia đình… nhưng ẩn chứa trong đó là tình cảm, khát vọng về một mái ấm, khát vọng vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh khiếm thính thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bên bức tranh “Hãy để bạn chim được bay”. Ảnh: N.H
Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh khiếm thính thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bên bức tranh “Hãy để bạn chim được bay”. Ảnh: N.H

Bé Nguyễn Ngọc Bảo Hân, 10 tuổi, đến từ Làng Hy Vọng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) thể hiện trong bức tranh “Con yêu mẹ” tình cảm quấn quýt yêu thương của một cô con gái bé nhỏ trong vòng tay của người mẹ. Ít ai biết rằng, vì gia cảnh nghèo khó, cha đi lượm ve chai, mẹ làm công nhân, dưới Hân còn có một em nhỏ.

Cuộc sống càng bí bách hơn khi cha Hân bị bệnh rối loạn suy nghĩ và thường xuyên điều trị tại bệnh viện tâm thần, một mình mẹ phải vất vả lo cho cả gia đình. Năm em 6 tuổi, mẹ đành gạt nước mắt xin em vào Làng Hy Vọng với mong ước con mình được học hành tử tế.

Suốt 4 năm qua, được sự thương yêu, đùm bọc của các cô, Hân có môi trường sống tốt hơn và bắt đầu bộc lộ năng khiếu về mỹ thuật. Tuy nhiên, với một đứa trẻ, không gì có thể thay thế bằng tình mẫu tử và trong sâu thẳm tâm hồn em vẫn cần vòng tay ấm áp của người mẹ. Bức tranh của Hân đã nói lên tình cảm em dành cho mẹ và cũng là khát vọng của những đứa trẻ có mảnh đời kém may mắn.

Không giống như Hân, cậu bé Trần Văn Sinh, 13 tuổi lớp khiếm thính 1, Làng Hy Vọng lại khá hồn nhiên, em ra dấu kéo tôi đi xem bức tranh của một người bạn và nhờ chụp hình kỷ niệm. Trò chuyện một hồi, mới hiểu được vì sao cậu bé này yêu quý bạn bè mình đến vậy.

Bố mất sớm khi em còn nhỏ, mẹ cũng bệnh nặng qua đời. Vào Làng Hy Vọng được 5 năm, cuộc sống của Sinh gói gọn trong tình cảm của cô giáo, bạn bè. Khi hỏi về ước mơ của mình, Sinh chỉ vào bức tranh em vẽ, đơn giản là cùng bạn bè và những người thân xung quanh được đi dạo phố, vui vẻ bên nhau. “Em sẽ tiếp tục vẽ những gì em thích xung quanh mình, đặc biệt là cô giáo, bạn bè”, Sinh chia sẻ.

Xem tranh của cô bé Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh khiếm thính thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không khỏi bất ngờ trước sự quan sát hết sức tinh tế của em.

Bức tranh “Hãy để bạn chim được bay” do Trang vẽ là câu chuyện em kể về một người chị tại trung tâm, chị ấy ngồi xe lăn và thường nhìn ngắm bầu trời và cũng giống như chú chim trong lồng kia, muốn tự do bay nhảy. “Em mong muốn một ngày nào đó, những người khiếm khuyết như chúng em cũng có cuộc sống vui vẻ như những người bình thường khác”, Trang tâm sự.

Còn nhiều câu chuyện cảm động khác ẩn sau gần 80 bức tranh triển lãm tại không gian trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn) với chủ đề “Nâng cánh ước mơ”. Từ những câu chuyện rất đời thường ấy là cả khát vọng, ước mơ của những đứa trẻ có cuộc sống kém may mắn.

Triển lãm diễn ra vào đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 như một thông điệp đầy ý nghĩa gửi đến cộng đồng: hãy chung tay giúp các em vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập với cộng đồng. “Để có được hoạt động này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã lên kế hoạch nhiều tháng trước, họa sĩ, cán bộ của Bảo tàng đến tận các trung tâm hướng dẫn các em và chọn ra những tác phẩm đạt chất lượng trưng bày, đồng thời qua đó phát hiện những trường hợp có năng khiếu, khuyến khích phát triển hội họa”, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.