Từ đỉnh đèo Hải Vân “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trải về Nam, xứ Quảng là dấu ấn một thời mở cõi về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt, như tên gọi của vùng đất mới: Quảng Nam. Nức tiếng địa linh nhân kiệt, nổi danh khoa bảng hiền tài, nơi đây được xem là một thực thể địa lý - lịch sử kỳ lạ của đất nước.
Ôn cố tri tân, kể từ số này, Đà Nẵng cuối tuần ra mắt bạn đọc Chuyên mục “Chuyện xưa xứ Quảng”, như một gạch nối giữa quá khứ hiển linh và tương lai kỳ vọng. Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần.
Cộng tác viên Thái Mỹ: Chuyện xưa xứ Quảng có nhiều chuyện đã xảy ra hàng trăm năm nhưng lại rất mới đối với những người chưa biết đến. Chuyện xưa nhưng không cũ là vì thế. |
Đó là Lời Tòa soạn trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 2-9-2007, báo tin “khai sinh” một chuyên mục mới. Lúc đầu chỉ lác đác một vài cộng tác viên (CTV) gửi bài tham gia, rồi dần dần nhiều hẳn lên. Chuyên mục “chạy ngon trớn” đâu được vài ba năm thì khựng lại vì thiếu bài. CTV nào “giàu có” vốn liếng cũng chạy đâu được dăm ba chục bài rồi “cạn kiệt tài nguyên”. Thế là Chuyện xưa xứ Quảng rơi vào cảnh phải “ăn đong” từng tuần một.
Cái duyên với chuyện xưa
Ông Lê Thí, từ lúc còn đứng bục giảng Trường THPT Trần Phú đã có ý định viết một quyển sách về danh nhân của đất Quảng dưới dạng những chuyện kể ngắn (ngắn để dễ đọc vì hiện nay hình như người ta rất sợ đọc dài), đan xen giữa phần chính sử và ngoại sử.
Phần chính sử là cái nền, là thuốc; phần ngoại sử là “phụ gia”, là đường cho dễ nuốt. Đối tượng của quyển sách là các em học sinh, những người bị cho là lười học sử nên... dốt sử.
Ý định chưa thực hiện được thì một lần vào khoảng giữa năm 2008, tình cờ ông đọc ở thư viện nhà trường một bài Chuyện xưa xứ Quảng trên Đà Nẵng cuối tuần. Ông rất thích thú và quyết định tìm cách liên lạc với người phụ trách mục này và viết bài tham gia.
“Tối đó tôi viết một bài gửi ngay cho báo và chờ đợi. Thứ Sáu tuần tiếp theo tôi ra quầy báo rất sớm mua một tờ Đà Nẵng cuối tuần và may phước, bài được đăng. Chiều đi dạy tôi mang khoe với đồng nghiệp. Mọi người vui mừng, khen ngợi. Có người đòi tôi dẫn đi khao, lại có người đòi dẫn tôi đi chiêu đãi cà-phê cho… nóng hổi!”, ông Thí nhớ lại.
Một trong những CTV góp phần làm nên sự hấp dẫn của Chuyện xưa xứ Quảng là tác giả quá cố Phạm Hữu Đăng Đạt. Thời gian còn công tác ở Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, ông chịu khó lặn lội khắp mọi miền xuôi ngược của xứ Quảng, “đãi cát tìm vàng” viết nên những cuốn sách về văn hóa-văn nghệ dân gian, từ đó trích ra một số bài tham gia Chuyện xưa xứ Quảng.
Tác giả Thái Mỹ, nguyên Trưởng ban Phóng viên Báo Công an Đà Nẵng, nhiều lần đọc các bài của Phạm Hữu Đăng Đạt, cảm thấy thích bởi được biết nhiều mẩu chuyện của quê hương thuở xa xưa. Ông nghĩ, nếu mình chịu khó tìm tòi, dựa vào các tư liệu và các nguồn thông tin khác sẽ viết được loại bài này.
Vốn là một phóng viên nên viết bài đối với ông không mấy khó khăn. Được Đà Nẵng cuối tuần đăng bài đầu tiên ở chuyên mục này, ông rất vui và bắt đầu tìm kiếm tư liệu để viết dày hơn.
Cộng tác viên Lê Thí: Mỗi Chuyện xưa xứ Quảng là một bài học cho hiện tại. Không làm được việc này, “chuyện” sẽ không còn được ai đọc nữa. |
Khó hay dễ?
Viết cho Chuyện xưa xứ Quảng ngó vậy mà vừa khó lại vừa dễ.
CTV Lê Thí đến nay có khoảng 100 Chuyện xưa xứ Quảng đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần, chia sẻ: “Dễ, vì đề tài rất rộng, một sự kiện, một nhân vật có thể viết thành nhiều bài. Mặt khác, vì là “chuyện” nên đôi khi không đòi hỏi phải quá khắt khe như “sử” (phải dẫn sách này sách nọ; tờ a, tờ b…).
Khó, vì dù là “chuyện” nhưng phải có nguồn, sự kiện phải chân xác. Khó còn vì “chuyện xưa” nên câu chuyện phải có vấn đề, phải hấp dẫn, không được khô khan như… sử. Câu chuyện phải có hậu vì tất cả đều dính đến con người mà “chuyện người” thì phải: Cố sự tự sinh kim nhật ý/ Hàn hoa chỉ tác khứ niên hương! (Chuyện xưa tự nó sẽ sinh những ý mới trong hiện tại (như) cây mai già còn để chút dư hương)”.
CTV Thái Mỹ thì cho rằng, mỗi tác phẩm báo chí ở bất kỳ thể loại nào cũng đòi hỏi sự thận trọng xử lý thông tin của người cầm bút. Chuyện xưa xứ Quảng tuy cũng là dạng truyền tải thông tin đến bạn đọc nhưng nó mang nặng tính lịch sử, số ít truyền thuyết, chuyện dân gian, do đó phải phản ánh theo lịch sử, nghĩa là sự thật.
Chính vì vậy, viết bài cho chuyên mục này, điều trước tiên phải có sự so sánh, đối chiếu giữa tư liệu này với với tư liệu khác để căn cứ theo nguồn đáng tin cậy nhất.
“Đi thực tế để lấy tư liệu, chụp ảnh... viết bài Chuyện xưa xứ Quảng không khó khăn, phức tạp như các thể loại phóng sự, điều tra chống tiêu cực xã hội, bởi nó chẳng “đụng chạm đến ai” nên thường được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cơ quan chức năng, người dân, tộc họ... song cái khó là họ ít biết thông tin chính xác về sự kiện, nhân vật mà mình cần khai thác”, ông Thái Mỹ nhận định.
Ông Thái Mỹ có lần về thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tìm hiểu để viết bài “Tiền hiền làng Mỹ Xuyên”. Vì mộ tiền hiền Lê Quý Công nằm sâu trong con đường làng, rất khó tìm nên phải hỏi dò từng đoạn đường. Sau khi chỉ đường, ai cũng hỏi: “Tìm để làm chi? Nhận dòng họ để... ăn đám giỗ hả?”. Thật vui.
Đi một đoạn nữa, ông gặp một cụ chừng 80 tuổi đạp chiếc xe cọc cạch, đó là cụ Trần Châu, ở xóm Mỹ Thành, xã Xuyên Tây 2. Nghe hỏi về nơi yên nghỉ của nhân vật này, ông lão rất vui, dẫn ông tới tận mộ Lê Quý Công và đồng ý cho ông chụp tấm hình cụ thắp hương để đăng báo.
Dù có khó đến mấy mà được các cụ cao niên nhiệt tình giúp đỡ thì cũng thành dễ.
Tuổi thọ của một chuyên mục
Người viết có lần trò chuyện với Phạm Hữu Đăng Đạt, ông nói rất mê chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng, định ra một cuốn sách lấy tên là Chuyện xưa xứ Quảng, nhưng thấy Đà Nẵng cuối tuần đã “đăng ký sở hữu trí tuệ” cái tên này rồi nên lấy tên sách trại đi một chút: Chuyện xưa đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2012). Mãi sau khi ông qua đời, những người biên soạn sách, có lẽ để làm vui lòng người đã khuất nên đã lấy tên sách là Chuyện xưa xứ Quảng (NXB Kim Đồng, 2016).
Tác giả Lê Thí, trước đó cũng đã tập hợp phần lớn những bài viết trong chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng để in thành sách, vì “kỵ húy” nên lấy tên là Người xưa đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2011).
Như đã nói ở trên, Chuyện xưa xứ Quảng nhiều lúc rơi vào cảnh phải “ăn đong” từng tuần một, người phụ trách nhiều khi phải “xắn tay” viết cùng với CTV nhưng vẫn không ăn thua gì và đã mấy lần định “khai tử” chuyên mục. Người có công “cứu” Chuyện xưa xứ Quảng là CTV Lê Đình Cương (nguyên giáo viên Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ), chính ông đã kêu gọi bạn bè (trong đó có CTV Lê Thí) “ra tay tế độ” bằng cách cung cấp cho Đà Nẵng cuối tuần nhiều “lương khô” cho Chuyện xưa xứ Quảng.
Ông Lê Thí trải lòng: “Dù đã trải qua 11 năm với 480 kỳ nhưng Chuyện xưa xứ Quảng vẫn tràn đầy sức sống. Sức sống đó có được nhờ nó đã có chỗ đứng trong lòng độc giả, nó có giá trị về mặt giáo dục”. Nhạc sĩ Trần Hồng mỗi khi cầm tờ Đà Nẵng cuối tuần trên tay là đọc trước Chuyện xưa xứ Quảng và Cửa sổ Tri thức.
11 năm với một chuyên mục báo chí kể ra cũng đã là “thọ” lắm rồi. “Tuy nhiên sức sống và sống thọ là hai việc khác nhau”, ông Lê Thí khẳng định. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là sự đánh giá của người lãnh đạo tờ báo về mục này, thứ đến là tài năng, sự “xông xáo” của người phụ trách. Phải có một đội ngũ CTV “chuyên” cho mục. Đó là những người có khả năng viết Chuyện xưa xứ Quảng, đam mê viết Chuyện xưa xứ Quảng. Phải kêu gọi, động viên họ tích cực viết cho mục. Phải có sẵn một “kho dự trữ” để đề phòng “ngày đông tháng giá” hoặc giữa mùa giáp hạt!”.
CTV Thái Mỹ cũng đầy lạc quan: “Chuyện xưa xứ Quảng là chuyên mục hấp dẫn, giúp bạn đọc nhìn ngược dòng thời gian. Vùng đất xứ Quảng vẫn còn tiềm ẩn nhiều chuyện xưa lý thú nên chuyên mục có thể “sống” cho đến khi nào Chuyện xưa xứ Quảng cạn kiệt”.
VĂN THÀNH LÊ