Giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn, bất trắc, thì sự đồng hành của thanh niên trong các câu chuyện xã hội đều mang màu sắc ấm áp, tươi trẻ và đầy cống hiến…
Đoàn viên thanh niên thường xuyên có mặt, giúp đỡ trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh cơ sở 3 tại xã Hòa Nhơn. Ảnh: H.L |
Cách đây hơn 10 năm, vào một ngày đầu tháng 5-2007, Quận ủy Sơn Trà phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 309 cùng gia đình đưa hài cốt liệt sĩ Trần Duy Chiến (1957 – 1980) từ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương trở về Đà Nẵng.
Cuộc đoàn tụ rưng rưng nước mắt, ấm áp nghĩa tình người thân, đồng đội một thời kề vai sát cánh cùng anh. Nhưng ít ai biết rằng, giữa những câu chuyện cảm động kể về Trần Duy Chiến, một người lính từng sống, chiến đấu và ngã xuống ở Mặt trận 470 năm xưa, đại diện các thế hệ thanh niên ở Sơn Trà đã đứng ra phát động thành lập Quỹ học bổng “Trần Duy Chiến”, như một cách nhắc nhớ về truyền thống “mình vì mọi người, mọi người vì mình” của bao thế hệ thanh niên.
Từ đó đến nay, Quỹ học bổng “Trần Duy Chiến” đã trở thành cánh “tay vịn” chắc chắn cho nhiều người, không chỉ với trẻ em, thanh niên nghèo trên địa bàn, mà còn vươn tới những chân trời xa, nơi cuộc sống của con người còn muôn vàn khó khăn, túng thiếu.
Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà Phạm Đình Nam rất tự hào khi chia sẻ về quỹ học bổng này. Anh nói, đây là một trong những hoạt động lớn của Quận Đoàn thu hút được 100% đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và thiếu niên, nhi đồng tham gia.
Hằng năm, tất cả ĐVTN, thiếu niên nhi đồng trong toàn quận cùng tổ chức quyên góp, hỗ trợ để xây dựng quỹ, tùy theo điều kiện của mỗi người. Trong đó, những năm đầu mới thành lập, mức đóng góp tối thiểu của học sinh tiểu học, THCS là 5.000 đồng/năm, ĐVTN không hưởng lương 1.000 đồng/năm, ĐVTN có hưởng lương 5.000 đồng/năm.
Được biết, con số này đến nay đã tăng theo thời gian, nguồn quỹ có thời điểm đạt con số khoảng 200 triệu đồng. Với triệu tấm lòng yêu mến, Quỹ học bổng “Trần Duy Chiến” được sử dụng linh hoạt và kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn đột xuất, bệnh tật hiểm nghèo hoặc học sinh có nguy cơ bỏ học. Đồng thời, hằng năm Quận Đoàn sẽ xét đề nghị trao tặng từ 20 - 30 suất học bổng cho ĐVTN, đội viên thiếu niên nhi đồng có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện qua các đợt tổng kết công tác Đoàn – Hội – Đội; dành tặng 50 suất học bổng trị giá 300.000 đồng -500.000 đồng hỗ trợ các em học sinh biết vươn lên trong học tập và trợ cấp lâu dài cho những ĐVTN mắc bệnh hiểm nghèo; hành quân về nguồn thăm gia đình liệt sĩ Trần Duy Chiến…
Chương trình trao tặng những suất học bổng đặc biệt đã giúp nhiều em thực hiện ước mơ vượt lên số phận bằng chính con đường học vấn. Chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh em Nguyễn Phước Tân, thời điểm nhận học bổng “Trần Duy Chiến”, em chỉ đang học lớp 5/1, Trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại.
Hình ảnh Tân nhỏ nhắn, mồ côi cha, mẹ ung thư nằm điều trị tại bệnh viện với đôi mắt u buồn. Có lẽ vì thế, nguồn quỹ này ngày một nhiều hơn, các trường hợp được trợ giúp cũng tăng theo thời gian, trở thành một nơi giáo dục học sinh lẽ sống đẹp, biết yêu thương, cảm thông và chia sẻ với những người bạn quanh mình.
Huyện Hòa Vang hiện có hơn 900 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn ¼ trường hợp nặng, nằm liệt giường, thậm chí có gia đình có bố và 5 con đều là nạn nhân chất độc da cam, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Quyên, Phó Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cho hay, gần 10 năm nay, thanh niên huyện Hòa Vang luôn đồng hành, sát cánh thông qua những hoạt động ý nghĩa như tham gia dọn vệ sinh, thay thế, sửa chữa các thiết bị điện hư hỏng, trồng rau củ, cây ăn trái, giàn bầu bí để cải thiện đời sống và các bữa ăn cho Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh cơ sở 3 của thành phố (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn).
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện Đoàn cũng tổ chức các đợt quyên góp, hỗ trợ vật chất nhằm giúp gia đình các nạn nhân bớt đi một phần nào khổ cực. Nhìn những vồng rau muống, rau lang tươi tốt trong khuôn viên Trung tâm, mọi người không khỏi xúc động khi nghĩ rằng đó cũng là hình ảnh của sự vun vén, yêu thương của nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn huyện.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua trung tâm triển khai trồng rau sạch, chăn nuôi lợn, trồng nấm trên diện tích khoảng 5ha. Không những tham gia chăm sóc, nhiều thanh niên khi đến thăm còn mua sản phẩm để có thêm nguồn kinh phí hoạt động cho trung tâm. Những hoạt động này góp phần giúp ĐVTN hiểu hơn về hậu quả chiến tranh để thêm cố gắng, nỗlực học hành và cống hiến cho xã hội.
Anh Nguyễn Văn Bửu, Đoàn khối Các cơ quan chính quyền huyện Hòa Vang cho biết hiện Đoàn khối có hơn 100 ĐVTN tham gia sinh hoạt tại 15 chi đoàn trực thuộc. Trong môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với người dân, mọi người đã tổ chức quyên góp, hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng xây dựng nhà ở cho 1 hộ gia đình nghèo; tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo trên địa bàn với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng; trao tặng 300 suất quà với tổng số 6.000 tập vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 11 trường THCS trên địa bàn; thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như thắp nến tri ân, thăm hỏi các gia đình chính sách với số tiền hơn 20 triệu đồng, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn…
Có thể nói, bằng những quan tâm rất nhỏ, hình ảnh những ĐVTN trẻ trung, vui tươi, chịu khó trong màu áo xanh tình nguyện như thổi luồng gió mới, nhiều yêu thương vào ngôi nhà vốn lặng lẽ, của những nạn nhân chất độc da cam, hay những ngôi nhà mà sự khó khăn, thiếu thốn vẫn thường trực.
Huỳnh Lê