Nhớ màu hoa phượng ngoài kia

.

Nắng sớm xuyên qua những tán lá, nhún nhảy trên những chùm hoa phượng đỏ tươi. Tan buổi học chuyên đề, học viên lục tục ra về, tản bộ trên lối đi rợp sắc hoa gợi nhớ mùa hè.

Bóng chuyền là một trong nhiều hoạt động thể thao mùa hè thu hút học viên ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Bóng chuyền là một trong nhiều hoạt động thể thao mùa hè thu hút học viên ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Tách khỏi nhóm học viên, N.H.K ngoặt về hướng khu dạy nghề, nơi trong sân cũng có hai cây phượng rực màu hoa dưới nắng. Hôm tôi gặp K, đúng 6 ngày trước đó em vừa bước qua tuổi 18 - cái tuổi có vẻ không thật so với vẻ ngoài già dặn và cách nói như ông cụ non của em. 

K. học tiểu học ở Trường Trần Văn Ơn, lên cấp 2 học ở Trường THCS Kim Đồng, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Hai ngôi trường gần nhau và không xa nhà ba mẹ K. là mấy. Học xong cấp 2, K. chuẩn bị học tiếp lên THPT thì nổ ra “chiến tranh” giữa ba và mẹ. Sau một hồi không hàn gắn được, hai người ly thân. K. sống với mẹ nhưng ít khi ở nhà, hai đứa em gái sống với ba.

K. nhiều khi bỏ nhà đi lang thang, xăm một cánh hoa hồng lệch phía gáy phải. Biết con mình buồn, mẹ K. cho tiền để em đi uống cà-phê giải khuây. Bi kịch của đời K. bắt đầu từ đây. Trong đám bạn của K. có một đứa đã dùng chất ma túy nhiều lần, nghe lời rủ rê, K. sa dần vào vũng lầy ma túy. Hôm đó, K. về nhà mẹ thì công an đến, lập thủ tục đưa K. đi xét nghiệm ma túy. Kết quả dương tính! 

K. không sống thường xuyên tại nơi cư trú, ba mẹ em không quản lý con nên đề nghị địa phương đưa em lên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng khi em còn thiếu 5 tháng nữa mới tròn 18 tuổi (hồ sơ ghi “trẻ chưa thành niên nghiện ma túy”).

Cùng hoàn cảnh gia đình tan vỡ như N.H.K, nhưng V.H.L - cô gái nhỏ nhắn, đôi mắt có quầng thâm đen - cho xăm trên bàn tay trái dòng chữ Family (Gia đình). L. kể, em ở phường Thuận Phước, từng học ở 2 trường tiểu học và THCS gần nhau ở phía tây cầu Thuận Phước. Khi ba L. mang nợ vì thua cá độ bóng đá, phải bán nhà vô ở chung cư. Gia đình tuột dốc không phanh. Ba ít khi về nhà, mẹ trở nên ít nói.

Ba mẹ cho tiền để mua sắm quần áo, đi chơi hay tổ chức ăn uống với bạn, L. đều tấp vô chơi ma túy. L. có một bạn trai cũng nghiện ma túy, khi còn cai nghiện ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có nhắn tin về cho L.: “Em ở nhà đừng phá phách, gắng đi làm...”. Nghe thế, L. nhìn lại mình, cảm thấy có lỗi với ba mẹ, với bà ngoại, nên tự nguyện xin vào Cơ sở Xã hội Bầu Bàng đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 vừa rồi, khi bước qua tuổi 18 được gần 4 tháng.

Khi được hỏi vào đây nhớ chi nhất, L. nói không nhớ gì ngoài nhớ ba nhớ mẹ. Hồi còn đi học, em cũng đến thư viện trường, nhưng sách vở lúc đó không thu hút em mấy. Chừ vào đây, thư viện có nhiều đầu sách phong phú, em tìm đọc mấy cuốn sách nói về tình yêu tuổi trẻ, về ước mơ trở thành con người hữu ích cho xã hội.

Học viên trẻ nhất Cơ sở Xã hội Bầu Bàng là V.P.N, sinh ngày 12-9-2001, vào đây hôm 21-3 vừa qua. N có tạng người nhỏ nhắn như L., nhưng nói năng liến thoắng hơn nhiều. N. học ở tiểu học Trần Cao Vân, lên lớp 10 học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Khê. Bạn bè rủ rê, lén đem “hàng” vào toa-let chơi để tìm cảm giác. Dăm ba đứa dùng giấy quấn “cỏ Mỹ” rồi chuyền nhau hút. Loại hỗn hợp thảo dược được tẩm ướp hóa chất này làm cho người dùng có cảm giác ảo giác, hưng phấn gần giống cần sa. “Rít xong một hơi, N. nói, có cảm giác như có điện chạy khắp người, vào đến lớp vẫn còn thấy phê”. Để có tiền chơi ma túy, N. làm nhân viên phục vụ quán nhậu, quán cà-phê.

Ba mẹ N. khuyên em cai nghiện để làm lại cuộc đời, xong về đi làm có tiền để còn... cưới vợ. N. lần đầu tự nguyện vào đây cai nghiện 6 tháng. Về được một thời gian thì tự nguyện vào lại lần 2 cai nghiện thêm 12 tháng.

Theo số liệu của Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, đơn vị hiện có 449 học viên, tuổi từ dưới 18 đến trên 40, trong đó đông nhất là độ tuổi từ 18 đến 30 với 336 học viên. Tất cả sinh hoạt tại 8 ban quản giáo và 3 ban quản lý. Hằng tháng, cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao theo chuyên đề, chấm điểm thi đua giữa các ban. Mỗi ban có một giàn máy karaoke, mỗi tối thứ Bảy và Chủ nhật đều tổ chức thi hát, vừa rồi thi hát nhạc boléro rất xôm tụ.

Phó Giám đốc Cơ sở Xã hội Bầu Bàng Phan Công Hải cho biết, ngày 26-6 tới, Trung tâm VH-TT phối hợp Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về ma túy cho học viên ở cơ sở. Ngoài các hoạt động sôi nổi ngày hè như: bóng chuyền, bóng đá, bơi lội (thể dục-thể thao đẩy lùi ma túy)..., việc trang bị kiến thức pháp luật nhằm góp phần giúp học viên có thêm nghị lực, ý chí để làm lại cuộc đời.

Cũng theo lãnh đạo Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, vừa rồi, gần 100 học sinh ở 4 phường Bình Hiên (quận Hải Châu), Hòa An (quận Cẩm Lệ), Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) và Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), trong đó một số em đã sử dụng ma túy, một số có nguy cơ cao dẫn đến sử dụng ma túy, vi phạm hành chính…, đã được địa phương phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đưa lên tham quan thực tế tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Đây cũng là cách ngăn ngừa từ xa để các em không phải đánh mất những mùa hè đẹp nhất ở lứa tuổi hoa niên.

V.P.N còn một em trai 14 tuổi, đang học Trường tiểu học Trần Cao Vân. Bạn trai của V.H.L vừa cai nghiện thành công, trở thành động lực để L. làm lại từ đầu. Hai em của N.H.K, một học lớp 6, một học lớp 3, đang vào kỳ nghỉ hè. Với K., những ngày hè đá banh, đi biển hay vào quán “lướt nét” với bạn giờ đã thành chuyện của ngày hôm qua. Mỗi khi nhìn những hàng cây phượng rực hoa dưới nắng hè trong cơ sở Bầu Bàng, K. lại trách mình và thương em. Hai em lên thăm anh, chỉ được biết là anh đi học chứ không hề biết là anh đi cai nghiện.

Ngày lại ngày, những hàng phượng đỏ rực màu hoa trong khuôn viên cơ sở Bầu Bàng gợi nhớ trong lòng các bạn trẻ ấy những mùa hè bỏ lại ngoài kia với bao nuối tiếc. “Em sẽ vượt qua chính mình để về với người thân yêu, với gia đình”, L. đưa bàn tay có chữ Family làm một dấu hiệu bày tỏ quyết tâm của mình...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.