Chỗ ngã ba sông có nhiều con sóng. Ba cái bóng ngồi kề, trời tối mênh mông. Một chút ánh vàng vầng trăng rọi xuống. Thấy rõ ngã ba sông con nước quay vòng. Lòng cũng quay vòng, bối rối. Nhưng sẽ đứng lại khi không còn sóng. Lúc ấy bình yên…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Em nói: “Nếu ngày đó mình không gặp nhau, chắc giờ anh giàu có lắm?”. Cương nhăn mặt: “Sao giàu em? Anh vẫn nghèo!”; “À, giàu chớ, vì không gặp em, anh đâu có mất khoảng tiền mổ tim cho con Nhạn, cũng đâu mất khoảng tiền cất lại cái chòi sắp sập này, cũng đâu mất khoảng tiền cho em cái tiệm tạp hóa này làm vốn, nói chung là, nếu ngày đó ta không gặp nhau, thì giờ đây anh đã giàu”.
Cương nghĩ trong bụng hai chữ “ừ hén”. Nhưng Cương phát cười, nếu như không nhịn kịp, nói ra hai chữ đó, chắc chia tay thiệt rồi. Nhưng Cương không phủ nhận lời em nói. Đúng là đời này có duyên có nợ mới… “bợ” được nhau. (Cương chợt nghĩ, em sẽ trả lời: “Không biết ai ‘bợ’ được ai, à nghen!”). Hôm đó khuya, mưa to quá, đoạn đường không có đèn, xe Cương đèn không sáng rõ, nếu không có cái quán cà-phê nho nhỏ ven đường, chắc Cương chỉ có nước ngồi khóc.
- Hôm đó mưa to quá há em?
- Mưa to thiệt, mưa như muốn trút hết cả nỗi sầu thiên hạ.
Cương ghé lại quán cà-phê ven đường, hai mẹ con em ngồi trong cái chòi lá, nhìn ra. Cương hỏi: “Cô ơi, cho tui ly cà-phê đen!”. Lúc đó Cương nghe Nhạn nói với em: “Má, đừng bỏ con đi nha má, mưa quá, con sợ, má!” Em trấn an Nhạn bằng ánh mắt níu kéo. Em không trả lời, nhưng chắc Nhạn hiểu ý em, Nhạn bặm môi, không nói nữa.
- Cái bếp ướt, em nhóm lửa trần ai.
- Ờ, khi đó có mấy lọn khói bay lên, làm anh thèm điếu thuốc quá chừng, mà thuốc trong túi quần thì đã ướt nhẹp. Giờ đó mà có điếu thuốc thì ấm biết bao nhiêu. Còn gì bằng.
Không có thuốc nên Cương ngồi nhìn khói cho đỡ thèm. Khi ly cà-phê được đem ra, Cương nhìn giọt cà-phê rơi, như cố ý không nhìn em. Em kéo ghế ngồi kề bên.
- Lúc đó em nhớ em hỏi anh câu gì đầu tiên hông?
- Nhớ sao không, em hỏi anh đi đâu đây mà mắc mưa dữ vậy?
- À, lúc đó anh nói anh đi làm ở Sài Gòn, đang trên đường về quê, nhưng mưa bất chợt nên lỡ đường ghé lại.
Tối đó tăng ca, Cương nghĩ, tăng ca đêm nay, sáng mai được nghỉ cả ngày, chắc ngủ đã đời. Nhưng đêm đó về nhà, Cương như người sắp chết. Cương không còn chút sức lực nào cho những ngày tăng ca dài đằng đẵng phía trước. Cương nhắm mắt, ngủ một giấc.
Đến lúc mơ, Cương mơ thấy thằng con đang bơi qua sông, sông thì vắng, nước xoáy mạnh mà con bơi một mình, không ai coi chừng; trên bờ vắng. Đoạn con kêu, ba ơi cứu con, ba ơi cứu con… thì con chìm vào trong dòng nước. Ngay lúc đó Cương giật mình. Đồng hồ điện thoại hiện lên báo rằng bốn giờ sáng, Cương gọi điện vào xưởng nhờ thằng bạn trực dùm hai bữa sau, “Mình về quê, nhà có việc gấp”.
- Sau bữa đó, anh về nhà, lúc ôm hun con, anh chợt nhớ đến bé Nhạn da diết. Anh trở lại Sài Gòn ngay hôm đó.
Sau bữa về lại Sài Gòn, Cương xin nghỉ việc hai tháng, nói bận về đưa con đi bệnh viện mổ tim. Nhưng chuyện mổ tim có phải chuyện của con anh đâu, mà là câu chuyện của Nhạn. Hôm mưa to đó, sau khi nói ba điều bốn chuyện, em vào thẳng vấn đề:
- Lần sau anh có ghé thì ghé ủng hộ em, em tiếp anh.
Cương không lạ gì những câu nói của em, nhưng Cương thấy lạ, tại sao em lại dám gan mở quán nước tại chòi vắng, có đứa con ngồi trên võng nhìn ra. Mỗi lần có khách đến nó rưng rức níu tay mẹ, “Mẹ, ở lại với con đi mẹ”. Lúc đó lòng em rối như tơ vò, nhưng biết làm sao, “Con, con ráng ở nhà chút xíu, chút xíu thôi mẹ về. Rồi con sẽ được hết bệnh, nha con!”.
Đứa trẻ ngây thơ không nghĩ mình hết bệnh là như thế nào. Vì những cơn đau, những cơn thở không ra hơi đã quá quen với nó. Đứa bé tên Nhạn, nhưng không tung bay như chúng bạn được. Nó luôn có một linh cảm, xa mẹ thì nó không được an toàn.
Cơn đau có thể đánh gục nó bất cứ lúc nào. Mà mẹ bước đi, nhà khóa lại, Nhạn ở trong nhà nhìn ra dòng xe đi qua lộ, thấy lòng mình trống hơ trống hoắc, như bị cầm tù, mà người khóa lại là mẹ mình. Lúc đó tim Nhạn lại động đậy, mưu đồ đòi quậy. Nhạn yêu mẹ, Nhạn trấn tỉnh bằng những hơi thở đều, “Này Tim, ngoan nào. Mình là bạn của nhau mà Tim!”.
- Nhưng lần đó em có nói là hôm nay em không đi được, vì mưa lớn, không thể bỏ con ở nhà một mình được. Anh cũng ngộ, có ai đi chơi gái mà hỏi tới tới như anh không. Dân chơi có câu: “Đừng nghe đĩ kể chuyện, đừng nghe nghiện trình bày”. Anh vẫn tin lời em nói à!
- À, thật ra lúc đó anh linh cảm em nói thật. Anh cũng nghĩ, anh hỏi thật thì em sẽ nói thật. Anh thấy hình Phật bà Quan âm em treo ở giữa nhà, ắt em không dối trá, vì em còn tin quả báo ở lời Phật.
- Thật ra em nghĩ, nói cho có người nghe, cho em nhẹ phần nào. Chứ em nói khác anh cũng có biết đâu.
Câu chuyện em kể cho Cương bắt đầu từ câu hỏi:
- Con em à, sao con bé ốm vậy? Nó tên gì vậy em? Ba nó đâu?
- Dạ, con gái của em, nó tên Nhạn, là con chim Nhạn. Ba nó bỏ mẹ con em đi theo người khác từ hồi em mang bầu nó. Xa mặt cách lòng, chớ ảnh cũng không muốn vậy đâu anh. Vậy nên con Nhạn không cha. Khai sinh chỉ ghi mỗi tên mẹ nó: là em.
- Anh thấy bé hơi xanh?
- Dạ, con em bị tim bẩm sinh. Bệnh ngày một nặng. Em ráng, chắc cũng vài tháng nữa thôi là đủ tiền mổ tim cho con rồi.
- Em làm vì kiếm tiền mổ tim?
- Anh làm gì nhìn em ghê vậy. Em cắn răng chịu thôi anh. Mổ tim cho con xong hy vọng dư ra số tiền… À, mà thôi, nhà anh gần đây hông?
Bóng của trăng đêm đó sáng, Nhạn ngồi trong nhà nhìn ra. Nó cười nhẹ. Rồi vu vơ hát. Anh ngồi băng ghế đá, nói ra đây hóng gió đồng cho mát. Bên lộ là cánh đồng, lúa vừa mới gieo hôm qua.
- Hôm đó anh nhìn em ghê lắm, em hỏi mấy lần, anh im thinh. Sau, anh nói một câu em cứ nghĩ mình đang mớ, câu gì anh nhớ hông?
- Hông, anh hông nhớ thiệt.
- Anh nói, ngày mai anh ghé, rồi dắt hai mẹ con đi thành phố mổ tim cho Nhạn, xong anh sẽ cất lại cái chòi, và anh làm cha cho đứa bé tên loài chim Nhạn.
- Anh thì lại nhớ lúc đó em nói một câu, “Anh giỡn?”
Đêm mưa to hơn, Cương dắt xe ra đạp hoài không nổ. Bí quá, Cương nói, “Em, em làm ơn cho anh ở tạm lại nhà một đêm nha, mưa lớn quá, giờ đò cũng nghỉ đưa rồi”. Em do dự nhìn con, Nhạn nhìn lại mẹ, vẻ mặt hơi sợ. Em suy nghĩ trong im lặng hơi lâu làm Cương nóng lòng. Cương nghĩ, thôi, chắc không được rồi, nhà có hai mẹ con phụ nữ phụ nơ, ai cho mình ở lại qua đêm như vậy. Nhưng khi Cương dắt xe ra thì em gọi: “Anh gì đó ơi, anh ngủ ở hàng ba này được hông?”. Cương mừng như muốn khóc: “Được, được chớ, anh cũng định vậy?”.
Gió đồng thổi qua nhà, mát rượi. Cương ngồi hút điếu thuốc, thanh thản mà suy tư. Nhìn Cương thấy rõ những đường nét của sự mâu thuẫn hằn trên đôi mắt:
- Hôm đó anh nhớ kỹ lắm, anh nằm ngoài hàng ba, em nằm trong chòi, mình tâm sự gần sáng đêm, có cái vách ngăn làm chứng!
- Đêm đó em nằm trong chòi ôm Nhạn khóc. Ban đầu em nghĩ anh nói giỡn, đàn ông lúc nào chẳng ba hoa. Nhưng sao lúc hai đứa không nói chuyện nữa, em khóc. À, hình như đêm đó anh không ngủ. Đốm lửa điếu thuốc lập lòe, em thấy cứ cháy hoài không tắt.
Hai hôm sau, Cương xuất hiện như người anh hùng, oai phong ghê lắm. Anh phủ lên mình tấm áo chiến bào bằng lời hứa như đinh đóng cột. Lúc đó em vẫn chưa tin, nhưng lúc anh cầm sấp tiền đưa em, em rụt tay lại. Anh nói như sấm nổ ngang trời đang bình yên, không có nắng điên; gió thì đang lắng:
- Này anh cho em mượn, em bỏ nghề, chữa tim cho bé Nhạn đi em.
Lúc nghe câu nói đó, Nhạn thở dốc. Em nghĩ Nhạn xúc động vì bệnh mình sắp được chữa lành, sự thật đây rồi. Nhưng thật ra, Nhạn xúc động vì Nhạn biết, “Từ nay má không bỏ con nữa. Má không đi với mấy ông nhìn ghê ghê đó nữa. Má sẽ không bị bầm ngực, bầm eo. Mỗi lần sức dầu cho má, con đau như cắt má ơi!”. Nhưng biết đâu, Nhạn nghĩ, “Thôi rồi, mớ tiền đó nhiều vậy, chắc má phải trả đến hết cái đời này luôn rồi, thôi rồi Nhạn ơi! Má ơi”. Nhạn chỉ thở dốc, chớ có nói gì đâu, ai biết được nó nghĩ gì à.
Sau một hồi thở trong sự hồi hộp của Cương và em, Nhạn bình thường trở lại. Em thấy gió đang đứng rình rập ở cửa, gió sẽ bắt cóc Nhạn đi bất cứ lúc nào. Và mới nãy, gió đã bóp cổ Nhạn, rồi quay sang em uy hiếp rằng:
- Con kia, mày không chữa cho con mày. Tao sẽ bắt nó đi, tao sẽ bắt nó điiiiiiiiiiiiii.
Em cầm sấp tiền của Cương trong nỗi xúc động, nhưng mặt em dửng dưng, không để rơi nước mắt. Đoạn Cương chở hai mẹ con lên thành phố, Nhạn cứ ngước cổ nhìn miết mấy ngôi nhà lầu cao chót vót. Em thì bỡ ngỡ với phố phồn hoa, nhỏ lớn mới bước ra khỏi con kinh Ranh của làng. Thành phố mù mờ trong màn ảnh ti-vi như hư ảo. Lúc vào đến bệnh viện, Cương loay hoay làm thủ tục giấy tờ, Nhạn chợt hỏi em:
- Má, người đó là ba của con hả má? Sao chú ấy tốt với con vậy má?
Lúc đó em không kìm được nước mắt, em khóc. Em khóc trước mặt Nhạn, Nhạn không khóc, Nhạn chỉ nói: “Dạ, má đừng khóc, con hiểu rồi”. Câu nói của Nhạn mãi đến sau này, em vẫn không biết Nhạn đã nghĩ gì lúc ấy… Hai tháng ròng chữa cho Nhạn qua cơn nguy kịch.
Sau những ngày ròng rã quen hơi với bệnh viện, thì tim Nhạn chịu ngoan, cơ bản nó hứa rằng sẽ không quậy đòi ly khai nữa – bác sĩ nói vậy. Nhưng làm sao có thể tin vào lời hứa suông, khi tim là thứ dễ đánh lừa mình đi khác những con đường mà thằng Ta đã chọn.
Làm sao tin, khi tim là thứ chất chứa những bóng hình, mà rọi vào thì thấy cứ hoài rộng rinh. Tim đặt giữa chính điện nghiêm trang một bóng hình, mà đôi khi lại rung rinh trước một lân tinh ở ngoài… lãnh địa. Nói chung, khó mà tin, khó mà tin…
- Anh, bỏ hút thuốc đi nghen, hút riết nám phổi.
- Dễ gì em.
Nhạn ngồi trong nhà nói:
- Cậu bỏ hút thuốc đi, cho con nhận cậu làm cha. Chớ cậu hút thuốc hôi quá, con không dám hun cậu!
- Hút hết gói này nữa, cậu bỏ hút thuốc ngay, con!
Cương cười. Đáng lý sau nụ cười đó là một câu chuyện, nhưng đêm trước, khi về nhà, Cương thấy vợ ngồi may, con trai ngồi học bài, Cương thấy mình tệ quá. Em và Nhạn tuyệt nhiên không biết gì về gia đình Cương. Vì Cương đã vẽ nên một gia đình khác, nhà Cương đông anh em, ba má mất hết, chỉ còn mình Cương… “Nhà anh gọn hơ có vậy đó”.
Nhưng bây giờ bỏ em ở chốn này, liệu em có qua được những ngày tháng sắp tới không. Căn chòi nhỏ có hai mẹ con bé nhỏ và mấy món hàng tạp hóa chắc sẽ giúp em đủ lo cơm áo? Bệnh của Nhạn cũng đã qua cơn nguy kịch rồi? Đến lúc Cương phải ra đi, à, thật ra là Cương quay về với gia đình có tiếng máy may và tiếng con đọc bài của Cương.
Nhưng làm vậy, Cương sợ em và Nhạn sẽ đau lòng. Trái Tim của Nhạn thường hay chui vào giấc mơ của Cương. Nó gầy gò, áo có đôi chỗ chắp vá. Lần nào đến nó cũng ho vài cái, như tín hiệu. Nó ngồi trước mặt Cương, đôi mắt sáng long lanh, giọng nho nhỏ như thì thầm:
- Ông ngon nha, tui tưởng tui bại liệt rồi chớ, ai ngờ ông cũng dớt tui dậy được.
- Ừ, ráng mà khỏe, cho con Nhạn nó vui. Vài bữa tao đi về bên nhà, chắc không qua đây nữa.
Thằng Tim nhìn Cương, mắt nó đỏ tấy, tay nó rung rung, hai môi đập vào nhau cầm cập. Áo nó bắt đầu rách thêm. Nó lăn ra giật giật, nói nghẹn ngào: “Ông bỏ tui thiệt sao. Ông giỡn?” Lần nào cũng vậy, khi thằng Tim lăn ra chết giấc là Cương lại nghĩ tới Nhạn. Cương sợ, sợ Nhạn sẽ đau lòng, và tim Nhạn sẽ phản động khi hay tin Cương bỏ nó ra đi. Không gì đau đớn hơn khi biết người mình đặt trọn niềm tin bỏ ra đi. Cảm giác đó giông giống như bị giựt hụi sạch vốn.
Trách nhiệm gia đình của Cương ngày một đầy. Mỗi lần về nhà nhìn vợ tảo tần, lòng Cương không thể nào chịu được. Lúc đó, ý định bỏ em ngay, bỏ em liền tức khắc, bỏ ra khỏi cuộc đời Cương ngay dâng lên. Những khi như vậy, Cương an ủi lòng rằng, “Mình đã làm tròn trách nhiệm với em, chắc em không oán hận mình”. Nhưng Cương phải ra đi như thế nào để em tin, và em đừng chờ Cương nữa, em hãy tìm một người đàn ông khác xứng đáng hơn để cho Nhạn có một người cha! Sau ý nghĩ đó, Cương vỗ đùi cái “bép”, thốt lên hai chữ: “Hay à…”.
Chiều hôm đó Cương nói, Cương đi đốt rơm mướm, em ở nhà với Nhạn nghen. Cương dặn em, anh để lại hai chỉ vàng trong áo gối. Em giữ đó, để khi nào Nhạn lớn, mua cho Nhạn đôi bông tai. Cương dặn, hai mẹ con không biết lội, đừng đi ra sông, chỗ bùng binh nước xoáy, nguy hiểm lắm. Nhạn có đòi ra đó ngó đợi anh về cũng đừng có đi. Ở nhà, anh đi khi nào xong thì anh về.
Hai hôm sau có người đến báo, “Chị gì đó ơi, anh Cương chết rồi.” Em nghe xong, em đáp lại ngay: “Anh giỡn!” Người đó nói tiếp: “Cương bị khói rơm làm nghẹt thở té ở trên đê, ngay đống rơm. Lửa cháy bén, cháy hết đống rơm, Cương hóa ra thịt khét. Người thiêu Cương bằng rơm, xong rải xuống ngã ba sông cho sóng cuốn đi ra biển”.
Lúc nghe xong, rành mạch hết thì em khóc ngất. Lúc đó em không biết phải làm sao. Em cũng định sẽ hỏi vài câu, nhưng không biết hỏi gì trong lúc tim đang chơi trò múa lửa. Ngay trong lúc bàng hoàng đó, thì người báo tin vọt xe đi mất. Chỉ để lại nỗi trống huơ trống hoắc phía tương lai và mấy cọng khói bụi bay qua mắt.
Trước khi người đó đến, Cương đã dặn đi dặn lại: “Nói xong thì vọt lẹ, nghen!”.
Nhưng về Sài Gòn tất bật công việc được hơn một tháng, Cương lại thấy nhớ bé Nhạn. Nỗi nhớ như nước mưa, dần dần đầy và tràn vào khắp lòng Cương. Cương ngộp quá nên không chịu được nữa. Cương đến với ngôi nhà có em và Nhạn.
Đêm thứ hai, Cương mơ thấy ngã ba sông nước xoáy dữ quá, đất lở hết mấy cây số ven sông… Cũng ngày hôm ấy, em dắt Nhạn lên Sài Gòn tái khám, và trời đùa xui em ngồi ăn cơm trước hẻm trọ của Cương. Gió lơ thơ, khói nướng thịt bay bơ vơ, nghe bà bán cơm kể về Cương, lòng em như tơ vò rối rắm. Khi ra xe về lại quê, em nói trong bụng: “Anh giỡn?”
Sáng thứ bảy Cương về quê. Cương đã liệu định sẵn rồi, và hứa với lòng chỉ đi về con đường này một lần nữa thôi. Cương bịt mặt, thay xe, đổi màu áo, về quê trên con đường có đi ngang chòi em. Nhưng khi đi ngang chòi em, Cương chạy nhanh và đôi mắt đã kịp thấy cái chòi đó vắng tanh, xơ xác. Cương quay xe lại, ghé chòi nhìn vào. Em đã dọn đi. Cương để xe lại trước chòi, lội bộ ra bờ sông.
Con sông đi ngang chỗ này, chợt chia thành hai nhánh nên có thoi đất ở giữa gọi là cù lao. Hay do thoi đất đứng ngay đó nên con sông phải chẻ làm đôi. Chỗ này người ta gọi là bùng binh, nơi hai dòng nước thường đánh vào nhau, có lúc cao trào nước kêu ùy ầm. Người lớn cấm trẻ nít ra đây, vì nơi đây nước xoáy. Ngồi bên bờ sông, nhìn con nước chảy, vầng trăng chênh chếch vàng, không một chiếc xuồng câu. Chỗ lúc trước Cương, em và Nhạn hay ngồi ngắm trăng; nơi đó có hai đôi dép, một lớn, một nhỏ. Cương thấy mắt mình ăm ắp nước cũng như dòng sông:
- Em, em giỡn với anh phải không?
LÊ QUANG TRẠNG