Vui trong sân trường

.

Rất nhiều lựa chọn để các em học sinh vui chơi trong dịp hè, song, sân trường luôn được coi là một nơi lý tưởng. Việc tổ chức các hoạt động hè tại sân trường càng có ý nghĩa khi từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố quyết định trả lại trọn vẹn 3 tháng hè cho học sinh, đồng thời với các chủ trương: “Cổng trường mở”, “Thư viện mở”, “Trường học sáng đèn”; khuyến khích tổ chức các lớp học năng khiếu, kỹ năng, thể dục, thể thao..., mùa hè trên sân trường Đà Nẵng rộn ràng, bổ ích hơn bao giờ hết.

Một góc sinh hoạt hè do Đoàn phường Hòa Cường Bắc tổ chức tại Trường tiểu học Núi Thành vào chủ nhật hằng tuần. Ảnh: T.T
Một góc sinh hoạt hè do Đoàn phường Hòa Cường Bắc tổ chức tại Trường tiểu học Núi Thành vào chủ nhật hằng tuần. Ảnh: T.T

Phổ cập bơi cho học sinh  tiểu học

Đánh giá tầm quan trọng của kỹ năng bơi lội đối với học sinh tiểu học, hè 2018, Sở GD&ĐT thành phố đặt mục tiêu dạy bơi cho khoảng 30.000 học sinh. Ngoài các bể bơi xã hội hóa, bể bơi do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, đây là dịp 57 bể bơi đã được đầu tư, nâng cấp dành để dạy bơi miễn phí tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố phát huy hết công năng.

Cô Lê Thị Em, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hai Bà Trưng cho hay, bể bơi tại địa chỉ mới của trường (số 1 Nại Thịnh 7, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), hè này sẽ là nơi học tập, rèn luyện của gần 600 học sinh khối lớp 4, 5 của các trường tiểu học: Tô Vĩnh Diện, Tiểu La và Hai Bà Trưng (thuộc hai phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Đây được coi là hoạt động trọng tâm trong rất nhiều hoạt động học năng khiếu, thể dục thể thao bổ ích được tổ chức tại trường dịp hè này.

Dù sau ngày 1-6-2018, các hoạt động của năm học cũ 2017-2018 mới chính thức khép lại, đưa không gian sân trường vào các hoạt động sinh hoạt hè, song, các lớp học bơi cho học sinh tiểu học phần lớn được các trường khai thác từ cuối tháng 5, và dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8 năm nay, vừa kịp thực hiện xong hai khóa học bơi/ hè.

Thầy Nguyễn Đức Tứ, giáo viên dạy bơi tại Trường tiểu học Núi Thành cho biết, từ năm 2017, bể bơi của trường đã được khai thác tối đa. Riêng năm nay, với 10 suất học từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, dự kiến sẽ hoàn tất chứng chỉ học bơi cho gần 500 em học sinh.

Tất nhiên, các học sinh khối lớp 4, 5 sẽ được ưu tiên vì mục tiêu phổ cập kỹ năng bơi cho học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học. Theo thầy Tứ, tham gia các lớp học, các em không chỉ được học kỹ thuật bơi, mà còn được rèn luyện các kỹ năng cứu người bị đuối nước, sơ cứu đuối nước...

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT thành phố cho biết, ngoài 57 bể bơi đã được đầu tư, cấp kinh phí hoạt động, trên địa bàn thành phố hiện còn có 5 bể bơi do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, 3 bể bơi cố định tại các trường THCS, THPT, các bể bơi tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và 20 bể bơi được UBND thành phố đã đồng ý chủ trương lắp đặt tại 20 trường tiểu học, THCS, với đội ngũ giáo viên thể dục đã được đào tạo kỹ năng dạy học bơi, mục tiêu phổ cập học bơi cho học sinh tiểu học chỉ là vấn đề thời gian. Dịp nghỉ hè là thời gian lý tưởng để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các bể bơi này.

Chơi mà học

Để sân trường trở thành sân chơi lý tưởng cho các em học sinh dịp nghỉ hè, bên cạnh trường học, sự phối hợp của các Đoàn, Hội, Đội địa phương đóng vai trò quan trọng, bởi theo nguyên tắc, hè đến, các sinh hoạt đoàn đội của học sinh sẽ được chuyển về địa phương.

Sân Trường tiểu học Núi Thành chiều chủ nhật chúng tôi đến rộn ràng hẳn bởi các hoạt động sinh hoạt hè do Đoàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) tổ chức. Chỉ trong một khoảng sân không quá rộng, học sinh được chia thành 3 nhóm với 3 lứa tuổi (từ THCS đến THPT), với các hoạt động sinh hoạt đa dạng từ kỹ năng sống, kỹ năng Đoàn-Đội đến học vẽ, đóng kịch theo chủ đề.

Anh Huỳnh Đức, cán bộ Đoàn phường cho biết, không đợi đến chủ trương mở cổng trường của thành phố, sinh hoạt hè tại sân trường này đã được Đoàn phường Hòa Cường Bắc quan tâm duy trì chừng 5 năm nay.

Riêng năm này, các sinh hoạt hè tại đây được đầu tư nhiều điểm mới, như chia nhóm, thành lập các nhóm năng khiếu, thể dục, thể thao chuyên sâu, chứ không sinh hoạt chung chung như trước. Số lượng đoàn viên học sinh tham gia cũng đông đảo hơn, ước tính chừng 200 em, trong khi năm 2017 khoảng 150 em.

“Em tham gia sinh hoạt hè theo chương trình của Đoàn phường này đã 3 năm. Ở đây, chúng em vừa được vui chơi, gặp gỡ bạn bè, giảm căng thẳng sau một năm học, đồng thời cũng học hỏi được nhiều kỹ năng bổ ích như thuyết trình đứng trước đám đông, kỹ năng Đoàn-Đội, cập nhật nhiều kiến thức về sức khỏe, sinh sản, chống xâm hại, bạo lực...”, Nguyễn Trần Việt Lâm (17 tuổi, trú đường Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc) thổ lộ.

Tổ chức trò chơi dân gian trong dịp hè

Điểm mới hè năm nay là Sở GD&ĐT chủ trương đưa trò chơi dân gian vào trường học. Bắt tay vào chủ trương này, ngày 11-5, gần 180 Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn đã được tập huấn sẵn sàng triển khai về các trường học.

Tại buổi tập huấn, Sở GD&ĐT đã gợi ý 30 trò chơi thông dụng, ngoài ra các trường học có thể sưu tầm thêm các trò chơi khác phù hợp. Tuy nhiên, để tổ chức ngay trong dịp hè là chuyện không dễ.

Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết, vừa qua, trường cũng cử Bí thư Đoàn đi tập huấn trò chơi dân gian do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, song, từ đó đến nay, chưa phổ biến được buổi nào tại sân trường, vì không có học sinh.

Hè, đối với các học sinh 11, 12 là thời điểm tập trung ôn thi, số còn lại thì đi tản mát với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch khác. “Không phủ nhận mục đích tốt đẹp khi phổ biến trò chơi dân gian của Sở GD&ĐT, song, đối với học sinh THPT, các em dường như không còn nhiều hứng thú”, cô Vân chia sẻ.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành cũng cho rằng, việc triển khai trò chơi dân gian và một số sinh hoạt hè tại sân trường vào dịp hè gần như là “bất khả thi”, bởi những trở ngại cả về cơ sở vật chất, chế độ cho con người và thiếu nhất chính là “nhân vật chính” là học sinh không có.

Các em có quyền được nghỉ hè. Ngay cả các câu lạc bộ, lớp năng khiếu tại trường nhiều năm trước rất đông học sinh tham gia học thì nay cũng ít mặn mà hơn, do các em đổ xô vào nhà thiếu nhi và các cơ sở dạy năng khiếu khác học.

Tại Trường tiểu học Hai Bà Trưng, tình hình khả quan hơn thì các trò chơi dân gian được lồng ghép vào giờ sinh hoạt của các câu lạc bộ năng khiếu, thể dục, thể thao tại trường. Nhưng vì trường mới, sân trường nắng, không có mái che, nên các trò chơi chỉ được tổ chức hạn chế trong phòng học nên không phát huy tối đa hiệu quả.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc tổ chức trò chơi dân gian không quá khó, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ để có sự phù hợp với giữa các yếu tố con người, cơ sở vật chất, trò chơi áp dụng trong không gian hẹp ở phố có khác vùng nông thôn...

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đoàn, Hội, Đội địa phương tổ chức cho các em học sinh chơi các trò chơi dân gian phù hợp.

Theo quy định, trong thời gian hè, các trường học phải bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Các trường học thực hiện mở cổng trường học, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người để tổ chức các hoạt động này.

Với thông điệp: “Hãy ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian trong trường học”, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố yêu cầu các đơn vị, trường học nhận thức rõ trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi mà nó chứa đựng các yếu tố văn hóa dân tộc độc đáo và giàu bản sắc.

Trò chơi dân gian là các trò chơi truyền thống, có từ lâu đời, tùy vào mỗi độ tuổi, giới tính, tính cách, năng khiếu… đều có các trò chơi phù hợp vì thế trò chơi dân gian không có khoảng cách về quê - phố, quận - huyện… Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.