Cơm rượu hay Chùm rượu là cây thuốc quý cho sản phụ, có tên khoa học là Glycosmis pentaphylla (Retz.) Correa, thuộc họ Cam – Rutaceae.
“Cơm rượu thuốc quý sau sinh/ Giảm đau, tiêu tích, giúp mình ăn ngon”. Ảnh: P.C.T |
Cơm rượu là cây nhỏ hay cây nhỡ, mọc thành bụi, cao 4-5m. Cành màu lục pha tím đỏ. Lá kép có thể dài đến 30cm, có 1 tới 5 lá chét mọc so le, ít khi mọc đối, hình mác thuôn, dài 6 - 16cm, rộng 2 - 5cm, mép nguyên hoặc có răng cưa không rõ, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên bong nhẵn, mặt dưới vàng nhạt.
Cụm hoa mọc thành chum tán ở đầu cành, ngắn hơn lá; hoa nhẵn, màu trắng, nhẵn; lá đài 5, rất ngắn, hình tròn; cánh hoa thuôn nhẵn, nhị 10, có 5 cái dài bằng cánh hoa; bầu nhẵn có 5 ô. Quả mọng hình cầu, khi chín màu hồng trong, ăn được; hột 1 - 3 nâu bóng. Mùa hoa quả tháng 1-5.
Cây Cơm rượu phân bố phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành nước ta, từ đồng bằng, trung du đến vùng núi thấp dưới 1.000m. Hay gặp ở lùm bụi quanh làng, bờ nương rẫy, trên gò đồi, cạnh khe suối. Thu hái rễ và lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Nghiên cứu tác dụng dược lý chứng minh Cơm rượu có tác dụng chống tiêu chảy, ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan máu… Thử nghiệm về độc tính cấp cho thấy Cơm rượu có phạm vi an toàn rộng.
Theo Đông y, rễ và lá Cơm rượu có vị đắng, cay, tính ấm; rễ có tác dụng hành ứ, hoạt huyết, giảm đau, khu phong trừ thấp; thường được dùng chữa tê thấp, chân tay nhức mỏi. Liều dùng 8-20g, sắc uống. Lá kích thích tiêu hóa, thanh nhiệt giải độc; thường dùng chữa sản hậu ứ huyết và giúp ăn ngon.
Liều dùng 12-24g, sắc uống hoặc sao qua hãm uống. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, chốc lở, rắn cắn; lấy lá tươi nấu nước tắm rửa hoặc giã đắp vết thương.
Ở Ấn Độ, Cơm rượu là cây thuốc cổ truyền chữa ho, tê thấp, thiếu máu và vàng da. Dịch lá đắng dùng trị sốt, đau gan và trừ giun. Lá Cơm rượu giã nhuyễn lẫn với gừng làm thuốc đắp trị eczema và các bệnh ngoài da. Rễ sắc nước xông, uống trị sưng mặt. Gỗ dùng trị rắn cắn.
Ngoài rễ và lá còn được sử dụng làm men rượu để làm tăng hiệu suất cất rượu.
Bài thuốc:
1. Chữa phụ nữ kém ăn, vàng da sau khi sinh: Lá cơm rượu sao vàng 10g, hãm nước sôi hay sắc chia 2 lần uống trong ngày.
2. Chữa phụ nữ sau sinh bị ứ huyết tử cung, ăn chậm tiêu, bụng trướng: Rễ, lá và cành Cơm rượu, mỗi thứ 20g, sao qua, tán nhỏ, sắc đặc uống lúc đói, ngày 3 lần, khi uống thêm 30ml rượu trắng.
3. Chữa cảm sốt, ho: Lá cơm rượu, lá Bạc hà mỗi thứ 15g, sắc chia làm 2, uống trong ngày.
4. Chữa phong thấp, đau nhức mình mẩy, khớp xương: Rễ cơm rượu, rễ Cốt khí, rễ Cỏ xước, rễ Độc lực, củ Kim cang, Dây đau xương, hoa Kinh giới, Xuyên tiêu mỗi thứ 20g, sắc đặc uống. Nếu tay chân đau nhức, co cứng khó cử động, thêm Uy linh tiên, Rễ gắm, Thiên niên kiện. Nhức xương nhiều thêm rễ Tầm xuân, dây Cà gai leo mỗi vị 20g.
5. Chữa mụn ổ gà mọc ở bẹn, nách, thối loét lâu ngày: Cơm rượu, Thổ phục linh, Ổi đều lấy lá tươi, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nhỏ, xào nóng, lấy lá chuối non hơ cho mềm, gói thuốc lại, đắp lên mụn nhọt. Mặt nào định đặt lên mụn thì châm nhiều lỗ cho nước thuốc dễ thấm vào mụn.
6. Chữa mụt nhọt, chốc lở, rắn cắn: Lá cơm rượu tươi 30-40g, giã đắp hoặc nấu nước tắm.
Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I (2004), ghi nhận Cơm rượu – G. pentaphylla trong bài viết này có tên đồng nghĩa là G. cochinchinensis. Theo Trung quốc thực vật chí (quyển 43, 1997) loài G. cochinchinensis mà tiếng Trung gọi là Sơn quất thụ loạn đào (山橘树 乱桃) có tên đồng nghĩa G. touranensis tức là Cơm rượu Đà Nẵng. Mong các nhà thực vật học xác định giúp G. pentaphylla và G. touranensis có phải là một?
PHAN CÔNG TUẤN