Ai đứng sau vụ ám sát Tổng thống Venezuela?

.

Chiều 4-8 (theo giờ địa phương), khi Tổng thống Nicolas Maduro đang phát biểu tại lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập lực lượng Phòng vệ quốc gia Venezuela, bất ngờ 2 thiết bị bay không người lái có gắn chất nổ được kích hoạt và nổ tung, khiến ít nhất 7 binh sĩ bị thương. Vụ việc đã đẩy căng thẳng giữa Venezuela và Colombia leo thang trong bối cảnh lãnh đạo hai nước thường xuyên chỉ trích nhau.

Nhiều thành viên lực lượng an ninh bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro bị thương trong vụ tấn công hôm 4-8. (Ảnh: Xinhua News Agency)
Nhiều thành viên lực lượng an ninh bảo vệ Tổng thống Nicolas Maduro bị thương trong vụ tấn công hôm 4-8. (Ảnh: Xinhua News Agency)

Caracas cáo buộc nhóm cực hữu Colombia

Phát biểu trên sóng truyền hình ít giờ sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Maduro cáo buộc âm mưu ám sát này do các tổ chức cánh hữu trong nước thực hiện và đứng sau là nhóm cực hữu Colombia nhằm gây bất ổn tình hình tại Venezuela.

Tổng thống Maduro cho rằng, các thế lực ở Mỹ và Colombia đang tìm cách gây ra bạo lực ở Venezuela. Cuộc điều tra ban đầu cho thấy một số đối tượng tài trợ và lên kế hoạch vụ tấn công sống ở Florida của Mỹ.

Phản ứng trước tuyên bố của nhà lãnh đạo Venezuela, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định, Chính phủ Mỹ không liên quan đến vụ nổ máy bay không người lái tại sự kiện quân sự, nơi Tổng thống Maduro đang phát biểu.

PressTV đưa tin, ngày 5-8, chuyên gia chống khủng bố Scott Bennett cho rằng, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có liên quan đến âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela. Ông Bennett, cựu chuyên gia chiến tranh tâm lý của Lục quân Mỹ, nhận định vụ tấn công nhằm vào Tổng thống Maduro là một động thái khác của CIA nhằm thúc đẩy mục tiêu chiến tranh chính trị trong khu vực. Trả lời phỏng vấn kênh Press TV, ông Bennett nói:

“Nếu như xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy vụ việc này là một âm mưu khủng bố được thực hiện bởi một số nhân vật trong CIA, Colombia hay lực lượng cực hữu nhằm vào Tổng thống Maduro. Vụ việc này sẽ chỉ là một lời xác nhận thêm rằng CIA là một phần tử nham hiểm, một cơ quan tình báo ranh ma đang tìm cách đẩy Mỹ vào những cuộc chiến chính trị liều lĩnh”.

Trong khi đó, một phong trào ngầm tại Venezuela có tên “Những chiến binh áo phông” đã bất ngờ lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ ám sát. “Chúng tôi đã chuẩn bị hai thiết bị bay không người lái nạp chất nổ C-4. Tuy nhiên, các tay súng bắn tỉa của lực lượng cận vệ đã bắn hạ các thiết bị này trước khi chúng kịp tiếp cận mục tiêu.

Các máy bay rất mong manh. Kế hoạch này hiện chưa có tác dụng nhưng cũng chỉ là vấn đề thời gian”, phong trào “Những chiến binh áo phông” viết trên Twitter. Được biết, phong trào này có liên quan mật thiết với cựu sĩ quan Venezuela Oscar Perez, người được cho là thủ lĩnh của vụ trực thăng tấn công các tòa nhà chính phủ ở Caracas hồi tháng 6-2017.

Khẩn trương truy tìm kẻ chủ mưu

Theo Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez, những kẻ đứng đằng sau âm mưu ám sát Tổng thống Maduro đã chuẩn bị cho kế hoạch này ít nhất 6 tháng. Lực lượng an ninh Venezuela đã bắn hạ 3 máy bay không người lái gắn thuốc nổ được sử dụng để ám sát Tổng thống Maduro.

Ông Jorge Rodriguez nhấn mạnh: “Sự phản ứng nhanh nhạy của các nhân viên an ninh đã giúp Tổng thống Maduro thoát hiểm. Họ cũng đã nhanh chóng bắt giữ được vài thủ phạm ở hiện trường. Hiện các thủ phạm đang cung cấp cho chúng tôi những thông tin về âm mưu ám sát, vốn đã được chuẩn bị trong ít nhất 6 tháng”.

Theo tờ El Nacional, Văn phòng công tố viên trưởng Venezuela thông báo, Venezuela đang mở cuộc điều tra nhằm vào vụ ám sát bất thành Tổng thống Nicolas Maduro xảy ra hôm 4-8.

Ông Tarek Saab, công tố viên trưởng Venezuela, nêu rõ: “Tôi muốn thông báo rằng các công tố viên đã bắt đầu cuộc điều tra. Ba công tố viên đã được chỉ định tham gia điều tra vụ việc này”. Ông Saab cho biết thêm, căn cứ vào diễn biến vụ việc, vụ ám sát bất thành có thể được lên kế hoạch từ lãnh thổ một nước khác.

Dẫn nguồn Liên minh Nhà báo Quốc gia Venezuela, tờ Sputniknews cho biết, đã có 11 nhân viên truyền thông bị các nhà chức trách sở tại bắt giữ sau vụ ám sát bất thành. Những người bị giam giữ có cả những nhà báo nước ngoài đại diện cho Argentina và Tây Ban Nha cũng như 1 nhân viên của Hãng thông tấn Pháp (AFP). Liên minh bày tỏ sự phản đối các vụ bắt giữ và đề nghị trừng trị những kẻ vi phạm quyền được thông tin.

Trước đó cùng ngày, giới chức Venezuela thông báo đã bắt giữ 6 nghi phạm liên quan tới các vụ nổ máy bay không người lái tại một cuộc mít-tinh do Tổng thống Maduro chủ trì.

Tại sao ám sát Tổng thống Venezuela?

Tuy vị tổng thống 55 tuổi không hề hấn gì sau vụ ám sát nhưng dư luận đặt câu hỏi vì sao ông Maduro lại trở thành mục tiêu. Theo Independent (Anh), ông Maduro lên làm lãnh đạo lâm thời vào tháng 3 năm 2013 và thắng cử nhiệm kỳ 6 năm vào tháng 4 cùng năm.

Kể từ đó, ông Maduro rơi vào nhiều vụ canh cãi. Sự ủng hộ tổng thống liên tục suy giảm vì kinh tế đi xuống. Dưới thời ông Maduro, Venezuela đã phải hứng chịu một cuộc suy thoái và lạm phát tăng vọt. Rất ít người nghĩ rằng nhà lãnh đạo sẽ thắng cử nhiệm kỳ thứ hai.

Nhưng ông Maduro đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5 năm nay. Các đối thủ chính trị của ông không chấp nhận kết quả bầu cử, cáo buộc nó vi phạm nhiều quy định. Chính quyền của ông Maduro cũng bị nhiều nước khác chỉ trích vì vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Tuy nhiên, ông Maduro cho rằng, Venezuela là nạn nhân của “cuộc chiến kinh tế” gây ra bởi các nhà lãnh đạo đối lập được hỗ trợ bởi Washington. Mối quan hệ ngoại giao giữa Venezuala và Colombia cũng ngày càng trở nên tồi tệ khi nhiều người Venezuela buộc phải đổ sang nước láng giềng vì lạm phát, thiếu thực phẩm và thuốc thang.

Trong khi đó Tổng thống Maduro vẫn liên tục củng cố quyền lực, thành lập một hội đồng mới có quyền bỏ qua và giải tán Quốc hội do phe đối lập lãnh đạo. Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều quốc gia Mỹ Latinh không công nhận hội đồng mới này.

Tuần trước, Colombia cho phép hơn 440.000 người di cư Venezuela ở lại nước này trong 2 năm. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thường xuyên phê bình ông Maduro. “Cả thế giới đang ngày càng sợ hãi với những gì đang xảy ra ở Venezuela. Một đất nước giàu có, một đất nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, với một dân số sắp chết đói và chết vì thiếu thuốc”, ông Santos nói.

Đoàn Gia Huy

;
.
.
.
.
.
.