Dù trong hoàn cảnh nào, khi vợ chồng có chuyện cãi vã, thậm chí xô xát, người phụ nữ chân yếu tay mềm cũng dễ trở thành người bị tổn thương cả về thể trạng lẫn tâm lý. Đôi khi, họ buộc phải chạy trốn người chồng bởi những trận đòn giữa đêm khuya. Lúc đó, một mái nhà ấm áp, một bờ vai tin cậy chính là chỗ dựa, là nơi cho chị em tạm lánh, chờ qua cơn sóng gió.
Nhà tạm lánh tại Trạm y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với đầy đủ tiện nghi giúp nạn nhân bị bạo hành có nơi “lánh nạn” chờ qua cơn sóng gió. Ảnh: T.T |
Điểm tựa khi “cơm không lành, canh không ngọt”
Ngoài trụ sở UBND, Công an xã, phường, hầu hết những “địa chỉ tin cậy” (ĐCTC) cho những người vợ bị bạo hành hiện nay đều là nhà riêng của những người kiêm nhiệm các công tác hội, đoàn thể mà trước hết là Chi hội trưởng các chi hội phụ nữ khu dân cư.
Nhà chị Đỗ Thị Một, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu dân cư 2A (28 Nguyễn Thị Ba, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là một nơi như thế. Mấy năm trước, chuyện chị Một nửa đêm phải thức giấc bởi những tiếng gọi thất thanh của chị em trong khu dân cư xin ngủ nhờ qua đêm, khi gia đình lục đục, khá đều đặn.
Nhưng vài năm nay thì thưa hẳn, chị Một mừng không phải vì bản thân được ngủ ngon giấc, mà là vì có thể tạm yên tâm về sự êm ấm của nhiều gia đình.
Theo chị, những mâu thuẫn dẫn đến bạo lực trong gia đình phần lớn đến từ những chuyện rất nhỏ. Như trường hợp một cặp vợ chồng trẻ khiến chị đau đầu 2 - 3 năm nay chẳng đáng chút nào. Vợ chồng làm nghề biển, có với nhau đã hai mặt con, nhưng hễ rượu bia vào là người chồng lại kiếm chuyện đánh vợ, nhất là mỗi khi vợ ra ngoài.
Đơn giản chỉ cần bắt gặp vợ ngồi cà-phê với bạn bè trong ngày rỗi việc, thì máu ghen tuông vô cớ cũng khiến anh chồng đánh mất lý trí. Chị Một không nhớ đã lắng nghe tâm sự, uất ức của chị vợ bao lần, “buồn lây” với người vợ trẻ bao bận, lắm lúc tưởng bất lực.
Nhưng rồi bằng sự khéo léo, mềm mỏng bằng trách nhiệm của “địa chỉ tin cậy”, chị Một buộc phải kiên nhẫn nghe lời lẽ cục cằn của người chồng, rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên. Mưa dầm thấm đất, nay hai vợ chồng hiện đã tu chí làm ăn, không còn cãi vã xô xát nhiều như trước. “Mới đây, vợ chồng nó còn mời tôi đi ăn nhà mới”, chị Một hồ hởi khoe.
Địa chỉ tin cậy là mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố triển khai ở các cấp hội từ năm 2010. Mỗi cơ sở Hội hiện nay trung bình có 12 ĐCTC, có ban hành quy chế, phân công thành viên tham gia tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận, tư vấn cho nạn nhân bị bạo hành, trợ giúp nạn nhân những nhu cầu thiết yếu, giúp các nạn nhân phục hồi thể chất, tâm lý...
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, toàn thành phố có hơn 722 ĐCTC đang hoạt động khá hiệu quả.
Gần 10 năm nay, ĐCTC trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi hòa giải những bất hòa, mâu thuẫn gia đình tại các khu dân cư.
“Nhờ sự khéo léo, mềm mỏng của thành viên phụ trách, nhiều gia đình đã tìm lại được sự yên ấm, hạnh phúc. Mỗi khi chị em tìm đến, thành viên mô hình ĐCTC luôn kiên trì lắng nghe và tư vấn, giải thích, phối hợp can thiệp kịp thời các mâu thuẫn, xung đột”, bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho hay.
Không chỉ an toàn
Không phủ nhận vai trò của các ĐCTC trong việc giúp chị em phụ nữ giải tỏa những căng thẳng tâm lý, ổn định tinh thần khi gia đình lục đục, thậm chí chị em có thể ở lại qua đêm trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, vì các ĐCTC hiện có đều là nhà sinh hoạt bình thường, riêng tư của cán bộ phụ nữ, tổ dân phố, Mặt trận, Đoàn Thanh niên... nên nhiều chị em phụ nữ khi bị bạo hành không tránh khỏi ngần ngại.
Bà Lê Thị Xuân Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, chúng ta có hàng trăm địa chỉ để chị em có thể tìm đến, song rất ít vụ bạo lực gia đình được ghi nhận (so với thực tế) là do tâm lý e ngại, chị em cần một nơi thoải mái hơn, riêng tư hơn.
Xuất phát từ thực tế trên, đầu năm 2018, lần đầu tiên, mô hình ĐCTC riêng biệt tại phường Hòa Minh đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đầu tư, phục vụ cho người dân tại phường Hòa Minh và các phường khác của quận Liên Chiểu.
Ngay tại trạm y tế phường Hòa Minh, một căn phòng rộng 18m2, có đầy đủ các vật dụng để phục vụ cho nạn nhân bị bạo lực tạm lánh để sinh hoạt như: vật dụng nấu ăn, giường, bàn nước và dụng cụ y tế.
ĐCTC này sẽ tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân khỏi đối tượng gây bạo lực; có nhân viên chăm sóc y tế ban đầu, trong trường hợp nặng đưa đến cơ sở y tế gần nhất, tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân, có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý; kết nối các dịch vụ liên quan phù hợp để hỗ trợ nạn nhân khi có nhu cầu hoặc khi nạn nhân được chuyển tuyến.
Nơi đây cũng hỗ trợ nạn nhân được trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi đã bảo đảm đủ an toàn; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tối thiểu trong thời gian 6 tháng để đảm bảo bạo lực không tái diễn. Mỗi năm ĐCTC chuyên biệt sẽ được Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ 30 triệu đồng để hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, Trưởng ban quản lý ĐCTC có chỗ tạm lánh riêng biệt đầu tiên tại Đà Nẵng này cho hay, từ khi thành lập ĐCTC, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư thông qua các buổi sinh hoạt phụ nữ, họp tổ dân phố, qua nói chuyện chuyên đề tại các cụm khu dân cư và trên kênh truyền thanh địa phương.
ĐCTC được đặt tại địa điểm thuận lợi (trạm y tế sát trụ sở công an phường), cơ sở vật chất được trang bị tương đối đảm bảo cho các trường hợp đến ĐCTC tạm lánh trong thời gian cách ly gia đình. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, chưa có trường hợp nào đến tạm lánh, chứng tỏ công tác tuyên truyền có nhưng có lẽ chưa sâu rộng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Trong khi đó, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đề xuất, nên chi hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tạm lánh tại địa chỉ tin cậy tại cộng đồng mức hỗ trợ tối đa 40.000 đồng/người/ngày đối với địa bàn nông thôn và 50.000 đồng/ngày đối với địa bàn thành thị nhưng không quá 3 ngày/lần tạm lánh; chi hỗ trợ tủ thuốc và các loại bông, băng, thuốc sát trùng đặt tại địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/năm.
Và, rất cần những động thái xây dựng cụ thể hơn, thiết thực hơn để những ĐCTC thực sự trở thành nơi tin cậy, bến đỗ an toàn cho những chị em, trong cơn hoạn nạn.
Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng cũng là một địa chỉ tin cậy Được thành lập năm 2010, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng là can thiệp khẩn cấp cho trẻ em bị bỏ rơi, xâm hại, bạo hành. Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm tiếp nhận 1.186 trường hợp, trong đó có 220 trường hợp tại văn phòng tư vấn và 966 trường hợp qua đường dây nóng (02363)818787 và tổng đài tư vấn 18001046, trong đó có 12 trường hợp gọi điện đến báo cáo các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành trong gia đình, trẻ em gái bị xâm hại tình dục... Qua đường dây nóng, Trung tâm hỗ trợ tâm lý ban đầu cho các nạn nhân, giới thiệu nạn nhân đến các địa chỉ có thể giúp họ gần nhất. Từ khi thành lập đến nay, hằng năm Trung tâm tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, về “Giữ lửa yêu thương”, kỹ năng làm cha mẹ… và nhiều hoạt động gắn kết các thành viên trong gia đình, giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trong gia đình đặc biệt là trẻ em gái. Theo bà Trần Thị Diệu Hiền, Phó phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), bên cạnh ĐCTC tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), hiện Sở LĐ-TB&XH đang xúc tiến thành lập ĐCTC tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng; đồng thời dự kiến trong năm nay sẽ nhân rộng ở các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hoặc huyện Hòa Vang. |
Thanh Tân