Xứ Quảng - Chuyện một thời” ghi lại tên tuổi những người quê gốc Quảng Nam hoặc có liên hệ với xứ Quảng đã có công mở mang, xây dựng và đấu tranh bảo vệ vùng đất này trong nhiều thời kỳ - kể từ khi vua Lê Thánh Tông mở cõi về phía Nam (cuối thế kỷ 15) đến thời các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh miệt mài công cuộc Duy Tân chống Pháp (nửa đầu thế kỷ 20).
“Một thời” hơn 500 năm ấy đã được tác giả Lê Thí ghi lại dưới dạng những câu chuyện kể sinh động - vừa bảo đảm tính xác thực của tư liệu lịch sử về người và việc; vừa kết hợp với những giai thoại từng được kể đi kể lại trong dân gian nhằm góp phần thể hiện được cái thần của nhân vật hoặc sự kiện - cái thần thái mà các nhà nghiên cứu sử khô khan không thể làm được.
Trong tập biên soạn này, tác giả đã cố gắng hài hòa yêu cầu kể “chuyện” lịch sử nhằm làm tăng sự hứng thú cho người nghe, người đọc mà vẫn bảo đảm được tính khoa học - vốn là yêu cầu tất yếu của sử học.
Bìa sách Xứ Quảng - chuyện một thời. |
Tuy cố gắng rất cao cho yêu cầu trên, tác giả vẫn khiêm tốn trình bày công việc của mình trong sách như sau: “Đây chỉ là những chuyện kể rất bình thường mà tác giả từng đọc, từng nghe ở đâu đó rồi kể lại”. Nhưng, đọc kỹ 77 câu chuyện trong sách, ta thấy nó không bình thường chút nào!
Bằng sự già dặn của một người từng học hành bài bản về sử rồi nghiên cứu, giảng dạy trong nhiều thập niên cùng nét duyên kể chuyện dí dỏm, tác giả Lê Thí đã thổi vào những câu chuyện về “đất và người Quảng Nam” một phong vị lý thú khác thường: độc giả lớn tuổi ắt có người khoái trá khi thấy tác giả đã đọc và chỉ ra nhiều chi tiết thú vị mà mình chưa biết tới hoặc đã gợi lên những liên tưởng “ngẫm cổ suy kim” mà họ đã từng thoáng nghĩ nhưng chưa đi tới tận cùng.
Còn đối với độc giả trẻ Quảng Nam, sống “một thời” khác với thế hệ cha ông sẽ thật bất ngờ và thú vị mà không hết băn khoăn với bao chi tiết lý thú trong hành trạng của người Quảng xưa - trong đó có thể có một số ứng xử mà họ không hiểu hết: ví dụ như cách ứng xử của người dân làng An Hải xưa đối với hai danh tướng của làng mình là Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại (chuyện “Dưới gốc đa làng An Hải”).
Tuy viết về xứ Quảng và người Quảng, song tác giả không tuyệt đối hóa tính chất địa phương mà còn kể về những việc và người có liên quan: đó có thể là “Người cháu ngoại tài danh”, là “Nàng dâu xinh đẹp và tài năng” của đất Quảng hoặc cao hơn hết là “Vị vua Tiền hiền” đã có công mở cõi về phương Nam - trong đó có vùng Quảng Nam.
Ở đây, ngụ ý mà tác giả đưa ra là: một vùng đất được nên danh không chỉ có công sức của người địa phương mà còn có công sức của nhiều người trong cả nước. Tất nhiên, do hạn chế về tư liệu, tác giả đưa ra không được những đóng góp của nhiều người xứ khác đối với đất Quảng - đặc biệt là những người sống trong quãng thời gian “một thời” mà ông đề cập trong sách với “thời nay” của các độc giả trẻ mà ông muốn hướng đến.
Trong thời đại Internet thâm nhập toàn cầu, độc giả - nhất là độc giả trẻ, chỉ bằng một cái nhấp chuột là có thể kiểm chứng đa số tư liệu được trực tuyến một cách tức thời, thì việc kể lại những câu chuyện “từng được nghe hoặc đọc ở đâu đó” về địa phương là điều không hề dễ dàng!
Nếu không phải là người gốc địa phương, có bản lĩnh của một người đọc nhiều hiểu rộng, có kinh nghiệm và xử lý thật tốt mối quan hệ giữa chính sử và giai thoại và biết chọn thật chính xác “cái thần” của câu chuyện thì khó có thể mang lại những kiến thức khoa học bổ ích cùng những cảm xúc dạt dào cho người đọc.
Trong Xứ Quảng - chuyện một thời, tác giả Lê Thí gần như đã đạt được hết các yêu cầu trên: Rất khoa học và rất lý thú, có duyên. Không phải người kể chuyện lịch sử địa phương nào cũng làm được điều đó!
Phú Bình
Đọc “Xứ Quảng chuyện một thời - Chuyện kể lịch sử” - Lê Thí, NXB Hội Nhà văn, tháng 4-2018.