Gieo chữ cho trẻ khiếm thị

.

Với những thầy cô dạy chữ cho trẻ khiếm thị, giúp các em học sinh học được con chữ, tìm thấy niềm tin trong cuộc sống là điều tuyệt vời nhất.

Thầy Khương luôn đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của các em để thấu hiểu, yêu thương. Ảnh: Q.T
Thầy Khương luôn đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của các em để thấu hiểu, yêu thương. Ảnh: Q.T

Ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (gọi tắt là Trung tâm-tiền thân là Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu) vào một ngày mùa đông mưa gió, dẫn chúng tôi lên dãy phòng học của những học trò khiếm thị, thầy Hoàng Văn Khương (cũng là một người khiếm thị) chia sẻ: “Niềm vui của những thầy cô dạy trẻ khiếm thị đó là mỗi ngày được nghe các em chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, động viên khích lệ các em vượt qua nghịch cảnh để vươn lên”.

Chúng tôi dừng lại trước cửa lớp. Trong kia, 3 cô bé lớp 4 đang mò mẫm trên bảng chữ nổi và đọc đồng thanh: ... Ngựa con sẽ đi khắp/ Trên những cánh đồng hoa/ Lóa màu trắng hoa mơ/ Trang giấy nguyên chưa viết/ Con làm sao ôm hết/ Mùi hoa huệ ngọt ngào/ Gió và nắng xôn xao/ Khắp đồng hoa cúc dại… (Tuổi ngựa-Xuân Quỳnh).

Đọc hết bài thơ, em học trò tên Hằng quay xuống bàn bạn ngồi dưới hỏi: “Nè, bạn có biết hoa huệ, hoa cúc không?”. Cô bé tên Thư hồn nhiên: “Biết chớ, hoa huệ màu trắng, hoa cúc màu vàng. Hồi trước mình cũng học một bài thơ về các loài hoa rồi đó. Có hoa cà tim tím, hoa mướp vàng vàng, hoa lựu chói chang, đỏ như đốm lửa…”. Hằng phụng phịu: “Hoa có nhiều màu sắc giống cầu vồng quá. Mẹ mình kêu hoa đẹp lắm. Cho nên vào dịp lễ, người ta hay tặng hoa cho nhau đó”. “Ừ, ước gì tụi mình nhìn thấy bông hoa trông như thế nào…”. Câu nói của Thư rơi vào im lặng. Nhưng chỉ vài phút sau, các cô bé lại vui vẻ lần giở bảng ra tiếp tục đọc bài. Thầy Khương nói: “Các em hồn nhiên như vậy đó. Dù cuộc sống phủ màu bóng đêm nhưng tâm hồn thì tràn đầy ánh sáng hồng tươi”.

Thầy Hoàng Văn Khương vốn là một người sáng mắt. Năm 1997, thầy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chuyên ngành Lịch sử. Ra trường với biết bao ước mơ ấp ủ, thầy tình nguyện xin đi dạy ở một trường miền núi xa xôi của tỉnh Đắk Lắk. Nhưng chỉ được 3 năm ngắn ngủi, mắt thầy mờ dần rồi mù hẳn. Chán nản, tuyệt vọng, thầy bươn bả đi khắp nơi để chữa nhưng không được. Nghĩ đến mẹ cha ở tận Nghệ An xa xôi đong từng bao lúa gửi vào cho con ăn học, thầy không cho phép mình đầu hàng số phận mà xin về dạy tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu của Đà Nẵng. Ban đầu, thầy hình dung chữ nổi của người khiếm thị là chữ của người bình thường được làm nổi lên. Sau khi biết chữ nổi là hệ thống ký hiệu dấu chấm, thầy phải mò mẫm học từ đầu. Ngày đi dạy, đêm về thầy ê a học chữ chẳng khác nào trẻ mầm non sắp vào lớp 1. Thầy Khương tự nhận mình may mắn hơn các em vì đã được nhìn thấy áng mây, bầu trời, mặt cha mẹ, anh em, những đồ vật sinh hoạt hằng ngày… Trẻ khiếm thị bẩm sinh thì chưa từng được thấy nên đòi hỏi người dạy phải kiên trì, nhẫn nại, phải cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh, suy nghĩ của các em để lựa chọn những cách giảng giải dễ hiểu nhất.

Và, kiến thức không nên chỉ đến từ sách vở. Thầy Khương luôn dành một khoảng thời gian nhất định trong tiết học để trò chuyện cùng các em. Như hôm nay các em có chuyện gì, gặp gỡ với ai, cảm xúc như thế nào… Những câu chuyện, những miêu tả sinh động của thầy về cuộc sống rộn ràng ngoài kia khiến lớp học luôn tràn ngập ánh sáng, tiếng cười. Thầy nói rằng, tụi nhỏ là đàn con của thầy. “Số phận của tôi không may mắn như những người bình thường khác, thế nhưng, người ta nói rằng, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Tôi vẫn còn cơ hội được đứng trên bục giảng. Dù gian nan, vất vả, nhưng bản thân tôi vui vì giúp được những người đồng tật như mình biết chữ để hòa nhập cộng đồng, thêm yêu đời, yêu cuộc sống”, thầy Khương chia sẻ.

Đôi mắt của con màu trắng hay màu đen

Khác với thầy Khương, cô Lê Thị Giang là một giáo viên bình thường. Cô Giang tốt nghiệp Khoa Sư phạm giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng). Những năm tháng ngồi trên giảng đường, cô Giang cùng các bạn sinh viên trong khoa thường xuyên đến trung tâm để làm quen, vui đùa cùng trẻ em kém may mắn. “Mình không thể lý giải được nhưng cảm giác khi thấy nhiều em học sinh khiếm thị quờ quạng đi thì thấy rất thương và xúc động. Mình muốn gắn bó, đồng hành cùng các em. Là 1 trong 6 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của khoa, năm đó, thành phố có chính sách thu hút nhân tài ngạch Giáo viên Tiểu học. Các bạn của mình đều nộp đơn đi dạy ở các trường tiểu học ở trung tâm thành phố và được nhận hỗ trợ thu hút của thành phố. Riêng mình nộp về đây và chưa bao giờ hối hận với quyết định này”, cô Giang bộc bạch.

Có bằng tốt nghiệp giáo viên bậc tiểu học, cô Giang vừa dạy Toán, Tiếng Việt, vừa dạy kỹ năng sống cơ bản cho các em. Cô bố trí lớp học thành hình tròn, cô ngồi giữa và các trò bao quanh. Ở vị trí đó, cô quan sát được tất cả các em. Có nhiều em khó khăn trong tiếp thu chữ nổi, cô kiên nhẫn cầm tay giúp các em từng nét, từng chữ. Mỗi giờ dạy môn Tiếng Việt, cô hướng dẫn các em cảm nhận thiên nhiên chung quanh bằng tình cảm, bằng các giác quan còn lại. Học sinh khiếm thị có thể sờ, ngửi hoặc cảm nhận làn gió mơn man qua làn da của mình để có thể tả cảnh. Cô truyền cảm hứng bằng những câu chuyện cổ tích, mang đến cho các em niềm tin vào cuộc sống, tin vào những điều kỳ diệu có thể đến với những người bất hạnh mà biết sống lương thiện, biết yêu thương, sẻ chia giúp đỡ người khó khăn...

Nhìn cách cô Giang chấm bài thoăn thoắt dễ thấy cô rất thông thạo về chữ nổi. Cô bảo, để hiểu được các em thì phải sống trong môi trường của các em. Để đọc thông, viết thạo chữ nổi như hiện giờ, cô thường xuyên đọc sách bằng chữ nổi, thường xuyên chấm, chữa bài. Ngày nào cô cũng cố gắng chấm vở của các em để động viên, chia sẻ và hướng dẫn tỉ mỉ. Chỉ em học trò cao lớn nhất lớp, cô Giang kể: “Em ấy 13 tuổi rồi nhưng mới học lớp 3. Ngày còn bé, em cũng giống như bao cậu bé khác có đôi mắt sáng long lanh, tung tăng vui chơi cùng bạn bè trang lứa. Rồi đôi mắt của em dần dần chuyển sang màu trắng mà cả em và người nhà đều không biết. Họ chỉ nghĩ mắt em yếu hơn người bình thường. Khi mới vào Trung tâm, gia đình nhất quyết không chịu cho em học chữ nổi. Tôi phải thuyết phục 1 năm ròng.

Trong thời gian đó, tôi vẫn âm thầm dạy chữ nổi cho em. Đến khi em nói, “lần đầu gặp cô, em thấy cô gầy, tóc dài, giờ chỉ thấy cô là một chấm nhỏ” thì gia đình mới tin và đồng lòng cùng tôi. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, em viết một câu bằng chữ nổi: “Chúc cô Ngày Nhà giáo vui vẻ và luôn xinh đẹp”. Tôi đọc mà ứa nước mắt thương học trò”.

Với những học trò khuyết tật, thầy cô là “cậy gậy dẫn đường” rất quan trọng. Những thầy Khương, cô Giang chính là người gieo chữ cần mẫn, mở ra cho học trò khiếm thị một bầu trời mới. Tôi rời khỏi Trung tâm khi bài thơ Từ ấy của Tố Hữu vang lên: Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim. Và tiếng học trò thì nhao nhao: Vườn hoa đẹp không cô, vườn hoa là rất nhiều hoa hả cô?…

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho biết, hiện Trung tâm có 45 học sinh khiếm thị, 15 giáo viên dạy trẻ khiếm thị. Số lượng trẻ khiếm thị ít biến động qua các năm. Giáo viên dạy trẻ khiếm thị không chỉ dạy trẻ tại Trung tâm mà còn tham gia hỗ trợ các trường có học sinh khuyết tật đang theo học hòa nhập, từ tập huấn, hướng dẫn phương pháp, cung cấp tài liệu, dạy mẫu cho đến hỗ trợ ban giám hiệu các trường cũng như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh trong việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu giúp học sinh khuyết tật tiến bộ.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.