"Thư viện" nhỏ, ý nghĩa lớn

.

Việc ra đời những “thư viện” nhỏ trong khu dân cư trên địa bàn thành phố không chỉ góp phần khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, mà còn tạo nên một nét văn hóa đẹp trong đời sống xã hội tại địa phương.

Các bạn trẻ tìm đến Công viên - cà-phê sách tại Nhà văn hóa khu tập thể Hòa Cường bởi không gian yên tĩnh và đẹp. 	Ảnh: Đ.H.L
Các bạn trẻ tìm đến Công viên - cà-phê sách tại Nhà văn hóa khu tập thể Hòa Cường bởi không gian yên tĩnh và đẹp. Ảnh: Đ.H.L

Thử nghiệm mô hình mới

Để khơi dậy văn hóa đọc, thời gian qua, UBND quận Sơn Trà phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai mô hình Công viên – cà-phê sách với hơn 2.000 cuốn sách, tạp chí tiếng Anh tại tổ 138, khu dân cư An Hòa, phường An Hải Bắc. Dự án này được tổ chức KOICA tài trợ với nguồn kinh phí 50.000 USD giúp cộng đồng dân cư trên địa bàn và các khu dân cư lân cận tăng cường cơ hội giao tiếp và tiếp xúc ngôn ngữ tiếng Anh, đồng thời khuyến khích phụ huynh đọc sách cùng với con em của mình, góp phần lan tỏa văn hóa đọc sách trong gia đình.

Trong khi đó, quận Hải Châu cũng triển khai thành công mô hình Công viên – cà-phê sách phục vụ cộng đồng tại Nhà văn hóa khu tập thể Hòa Cường, phường Hòa Cường Bắc. Ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc cho biết, hiện trên địa bàn phường có 3 mô hình cà-phê sách, trong đó có 2 nhà sinh hoạt cộng đồng được phường tận dụng làm cà-phê sách.

Đặc biệt, tại Nhà văn hóa khu tập thể Hòa Cường, thành phố Daegu (Hàn Quốc) giúp đầu tư xây dựng một mô hình Công viên – cà-phê sách phục vụ các loại sách, báo Hàn Quốc và Việt Nam. Mô hình này không chỉ nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng khu dân cư mà còn thể hiện tình hữu nghị giữa hai thành phố Daegu và Đà Nẵng. “Thời gian qua có các đoàn khách Hàn Quốc đến đây tham quan và giao lưu văn hóa. Nơi đây cũng trở thành một điểm đến ưa thích của nhiều sinh viên, học sinh bởi không gian yên tĩnh và sạch đẹp, nhất là vào những ngày cuối tuần”, chị Hoàng Nguyễn Mỹ Duyên (nhân viên cà-phê sách) chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều mô hình “thư viện” nhỏ tại khu dân cư cũng được người dân tự nguyện đóng góp để phục vụ cộng đồng; trong đó, tủ sách tại Khu chung cư 3B, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà là một ví dụ điển hình. Bà Đỗ Thị Một, chủ nhân của “thư viện” nhỏ này cho biết, tủ sách ra đời nhằm phục vụ trẻ em và các chị giúp việc mỗi khi rảnh rỗi. Để có tủ sách này, bà Một đã làm đơn đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và gửi lên quận xin dự án Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ tủ sách và bàn ghế.

Tuy mới đi vào hoạt động đầu năm 2018, nhưng tủ sách đã được người dân trong khu chung cư ủng hộ. “Thư viện” nhỏ của bà Một mở cửa vào thứ bảy và chủ nhật. Lúc đầu, bà gọi điện cho các chị em trong khu chung cư xuống đọc sách vào thời gian rỗi, rồi sau đó dần dần tạo thành một thói quen. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, bà Một nói: “Tôi thấy mùa hè trẻ em nghỉ học thường ra các tiệm Internet, thậm chí tiền ăn sáng cũng để dành chơi điện tử. Từ đó, tôi nảy ra ý nghĩ xin dự án làm tủ sách để các em có điểm đến giải trí, giảm dần thời gian đến các quán Internet. Điều này cũng giúp các bà mẹ yên tâm hơn”. Ngoài sự hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, bà Một còn vận động người dân và các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường quyên góp sách để “thư viện” được đa dạng và phong phú hơn.

Thấy được việc làm ý nghĩa này, chị Lê Thị Thu Trang (phòng 503, Khu chung cư 3B) đã tặng 25 cuốn sách về các lĩnh vực truyện tranh, ẩm thực…; Hội Liên hiệp Phụ nữ phường cũng hỗ trợ 40 cuốn sách về pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực. Đến nay, tủ sách đã có hơn 500 cuốn với nhiều lĩnh vực.  

Bên cạnh đó, các tủ sách pháp luật ở UBND các phường trên địa bàn thành phố cũng được đầu tư thêm sách, báo để phục vụ cho người dân đến tham khảo và nghiên cứu. Hiện quận Hải Châu đã hình thành mô hình “Tổ đọc báo hưu trí”, điển hình là ở kiệt 143 Nguyễn Chí Thanh, với khoảng 5-10 người thường xuyên đến đọc báo. Một số khu dân cư cũng đã có một số hộ dân mở quầy cho thuê sách, báo.

Người dân chưa “mặn mà” lắm!

Có thể nhận thấy rằng, mô hình cà-phê sách bắt đầu được các quận, huyện nhân rộng từ năm 2016 khi đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Năm văn hóa, văn minh đô thị. Đến cuối năm 2016, chỉ tính riêng trên địa bàn quận Hải Châu đã có hơn 30 quán cà-phê sách trong cộng đồng khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay nhiều quán cà-phê sách hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang, quận Hải Châu cho biết: Vừa qua, thành phố thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải thì nhà sinh hoạt cộng đồng ở K54 Nguyễn Chí Thanh rộng khoảng 400m2 cũng bị giải tỏa. Trước đó, nhà sinh hoạt cộng đồng này có một mô hình cà-phê sách với 4 tủ sách lớn có trên 700 đầu sách các loại. Nơi đây còn là khu vực sinh hoạt của 9 câu lạc bộ văn hóa, thể thao của phường như câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ cờ tướng, câu lạc bộ dưỡng sinh… Nhưng đến nay, các câu lạc bộ phải tự tìm chỗ sinh hoạt, mọi hoạt động văn hóa thể thao và các tủ sách của phường đều được đưa về phường. “Hiện, thành phố đã đồng ý bố trí một khu đất khoảng 200m2 tại đường Lý Thường Kiệt và phường mong muốn nhà văn hóa sớm triển khai xây dựng để người dân có nơi đọc sách”, bà Thu đề nghị.   

Hưởng ứng phong trào khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng khu dân cư của quận, UBND phường Thuận Phước cũng đã phối hợp với hai quán cà-phê Monza và Romantic khai trương mô hình cà-phê sách nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia đọc sách ngay tại khu dân cư. Để thực hiện mô hình này, phường đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp hơn 600 đầu sách; đồng thời hỗ trợ đóng kệ sách và lắp đặt các bảng hiệu cà-phê sách có cùng một logo do phường thiết kế. Ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu chia sẻ: “Hai quán cà-phê sách trên địa bàn phường chưa có nhiều đầu sách, chủ yếu do phường trang bị, còn quán chưa đầu tư nhiều. Các chủ quán cũng chưa mặn mà lắm”.      

Từng là sĩ quan quân đội thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Xuân Lợi (154 Đống Đa, Hải Châu) mở quán cà-phê sách Nguyên Hồng. Ông Lợi cho biết, vốn là người ưa đọc sách nên ông làm quầy sách nhỏ này để cho thuê. Quầy sách hoạt động hơn 10 năm với khoảng 2.000 đầu sách, chủ yếu truyện tranh, truyện kiếm hiệp. “Hồi trước mỗi ngày có khoảng vài chục người đến thuê truyện thì bây giờ vài chục ngày mới có một người đến thuê. Thỉnh thoảng, cũng có vài người đến xin vài ba chục cuốn mang về cho trẻ em ở quê đọc. Bữa nay, hầu hết người dân đọc sách trên mạng”, ông Lợi giải thích.

Qua thực tế cho thấy, để lan tỏa “văn hóa đọc” trong cộng đồng khu dân cư không chỉ mở cửa thật nhiều “thư viện” mà mỗi cá nhân cần có ý thức hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày. Mỗi người phải tự nâng cao kỹ năng đọc sách sao cho có hiệu quả cao nhất để vận dụng những kiến thức đã đọc vào cuộc sống thì việc nhân rộng mô hình cà-phê sách trong cộng đồng mới thực sự có ý nghĩa.

Đoàn Hạo Lương
 

;
;
.
.
.
.
.