Vững một niềm tin

.

Trong vô vàn những dạng khiếm khuyết của cơ thể, có một nỗi đau mang tên khiếm thị. Có người may mắn còn khả năng nhìn thấy được mờ mờ mọi vật xung quanh, hay đã từng thấy rõ được diện mạo của mình trước gương, nhưng cũng có người ngay từ nhỏ đã phải tập sống trong bóng tối.

Có người không chấp nhận được số phận nên bi quan, nhụt chí; nhưng cũng có những người khiếm thị chưa một phút giây nào chịu khuất phục trước số phận, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, bước đến tương lai với một niềm tin vững chãi.

Với Nguyễn Công Cường (ngoài cùng bên trái), gia đình chính là động lực để em cố gắng phấn đấu trong học tập cũng như cuộc sống. TRONG ẢNH: Nguyễn Công Cường bên cạnh bố mẹ và hai em trai. (Ảnh: Do nhân vật cung cấp)
Với Nguyễn Công Cường (ngoài cùng bên trái), gia đình chính là động lực để em cố gắng phấn đấu trong học tập cũng như cuộc sống. TRONG ẢNH: Nguyễn Công Cường bên cạnh bố mẹ và hai em trai. (Ảnh: Do nhân vật cung cấp)

Cậu sinh viên mù tài năng

Sinh ra bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi được 12 tháng tuổi thì Nguyễn Công Cường (sinh năm 1998), hiện là sinh viên năm 3, Khoa Âm nhạc Di sản-Truyền thống, Học viện Âm nhạc Huế, được phát hiện bị u ở mắt phải, ánh sáng từng bước thu hẹp lại qua đôi mắt bé nhỏ. Để giữ được mạng sống cho con trai, bố mẹ Cường quyết định cho con phẫu thuật bỏ nhãn cầu. Năm lên 2, mắt trái cũng dần mờ đi và một lần nữa, Cường phải phẫu thuật bỏ nhãn cầu, cuộc sống không ánh sáng của em bắt đầu từ đó.

Lên 4 tuổi, Cường bắt đầu theo học tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng). Cường bảo: “Học chữ nổi khó khăn ở chỗ đau tay và viết khá chậm; đồng thời phải nhớ được ký hiệu”. Hết bậc tiểu học, em chuyển sang học hòa nhập tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Thời gian đầu đi học hòa nhập cũng lắm khó khăn bởi viết chữ nổi sẽ không viết nhanh được như những bạn khác, đoạn nào không chép kịp thì Cường nhờ bạn đọc lại rồi chép.

Tuy có phần thua thiệt, nhưng từ năm lớp 1 đến lớp 12, Cường luôn là học sinh giỏi và đoạt được nhiều giải thưởng như: giải nhất môn Văn kỳ thi học sinh giỏi cấp quận năm lớp 8, giải nhất môn Văn kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 9, giải nhì môn Văn kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 12…

Sống trong bóng tối, Cường tìm đến âm nhạc như liều thuốc tinh thần giúp em vượt qua sự cô đơn. Từ những năm học lớp 1, Cường đã được tiếp xúc với đàn organ, đến năm lớp 6 thì học thêm đàn bầu. Và khi đứng trước cánh cửa đại học, Cường đã quyết định chọn đàn bầu để theo học.

Những năm phổ thông, dẫu khó khăn là vậy nhưng dù sao vẫn có sách chữ nổi hỗ trợ cho việc học, lên đại học thì không có giáo trình, tài liệu chữ nổi. Nhưng nhờ sự cố gắng luyện viết nhanh để kịp ghi lại lời giảng của thầy cô, khi lên đại học, tốc độ viết chữ nổi của Cường gần như ngang với tốc độ viết của những bạn bình thường.

Suốt 2 năm đầu ở Học viện Âm nhạc Huế, Cường đều đạt học lực giỏi và còn đoạt giải nhì trong cuộc thi Tài năng trẻ của các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia vào năm thứ 2 đại học.

Để có được những kết quả ban đầu ấy, Cường luôn nhắc về bố mẹ: “Với những người khiếm thị như em, nếu không có sự hỗ trợ, động viên từ gia đình thì khó mà có thể học lên cao được”. Bố mẹ chính là thầy cô vĩ đại nhất trong Cường. Từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi tối, có khi bố, có khi mẹ giúp em ôn bài, soạn bài mới, dạy thêm cho em. Từ lớp 6 đến lớp 12 thì bố mẹ thuê gia sư về nhà. Bất cứ lúc nào em cần hỗ trợ thì bố mẹ luôn sẵn sàng và chính họ là một phần động lực để em cố gắng không ngừng nghỉ.

Cường tâm sự: “Em hy vọng mọi người đừng coi những người khiếm thị như em là một điều gì đó bất thường. Tuy sự phân biệt đối xử đã giảm đi rất nhiều những vẫn còn đâu đó và tụi em rất khó để hòa nhập. Nhiều lúc, em nói chuyện qua facebook với một người bạn nào đấy nhưng khi họ thấy hình của em, biết em bị mù thì họ không nói chuyện nữa. Rồi những khi lên lớp, em cũng rất khó gần với các bạn”.

Hạnh phúc nhân đôi

Có phần may mắn hơn Cường, vợ chồng chị Dương Thị Phương Nga (sinh năm 1992) và anh Nguyễn Ngọc Rin (sinh năm 1984) vẫn còn một mắt có khả năng nhìn thấy được nhưng đó là những hình ảnh hơi mờ và chỉ nhìn được một điểm duy nhất.

Vừa vào lớp 10 được hơn 1 tháng thì cả hai mắt của chị Nga mờ dần đi, ánh sáng bị gom hẹp lại. Chị gần như tuyệt vọng khi bác sĩ kết luận chị bị bệnh glôcôm. Sau khi phẫu thuật, mắt phải không còn khả năng nhìn thấy, mắt trái thì thấy được 1/10.

Mặc cảm, chị Nga nghỉ học và chỉ ở nhà trong suốt thời gian khoảng 3 năm. Còn về phần anh Rin, học xong nửa học kỳ năm lớp 10 thì anh bị viêm giác mạc, mắt phải dần không thể nhìn thấy được, mắt trái nhìn được 1/10 nhưng mỗi năm trôi qua thì khả năng nhìn của mắt trái cũng giảm dần đi.

Sau 3 năm chỉ biết quanh quẩn trong nhà, Nga quyết định xin vào Hội Người mù huyện Hòa Vang (gọi tắt là Hội). Chị bắt đầu học chữ nổi, học nghề massage và cũng tại đây, chị quen anh Rin. Thời gian đầu, hai anh chị chỉ xem nhau như anh em.

Năm 2014, Hội mở cơ sở massage người khiếm thị ngay tại trụ sở Hội, anh Rin, chị Nga đã quay về làm tại đây sau một khoảng thời gian làm ở bên ngoài và bắt đầu vẽ nên câu chuyện tình yêu của chính họ. Dẫu chỉ nhìn thấy mờ mờ nhưng cũng như bao cặp đôi đang yêu, chiều chiều, anh lại đèo chị trên chiếc xe đạp cũ đi dạo. Nhà gần cơ quan Hội, trưa về ăn cơm, anh Rin vẫn hay dẫn chị Nga về cùng.

Đầu năm 2015, một đám cưới đơn giản được diễn ra và khoảng cuối năm 2015, cặp vợ chồng trẻ đón chào đứa con gái đầu lòng. Chị Nga chia sẻ: “Lúc mang thai tôi lo sợ lắm. Rồi khi thấy con sinh ra bụ bẫm, bình thường, tôi nhẹ lòng, hạnh phúc vô cùng”.

Con đầu lòng lắm bỡ ngỡ, thị giác lại kém nên gần như mọi việc chăm sóc con nhỏ, anh chị đều nhờ cậy vào ông bà hai bên. Lúc chưa có con, với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng từ công việc massage ở Hội, hai anh chị có thể lo cho bản thân nhưng giờ, nếu cũng với mức thu nhập ấy sẽ không thể nào đủ.

Nghĩ vậy, hai vợ chồng vay mượn Hội, bán vàng cưới, vay mượn người thân, mở một cơ sở massage người khiếm thị để tăng thu nhập, lo cho con.

Sau những cố gắng chạy vạy khắp nơi, tìm mọi cách có thể để xoay xở vốn, tháng 7-2016, vợ chồng chị khai trương cơ sở massage người khiếm thị trên tuyến đường ĐT605, thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Chị Nga vui mừng cho hay: “Những ngày đầu mở cơ sở massage, hai vợ chồng cứ lo suốt, sợ không có khách. Rồi được chú Xuân (ông Trần Văn Xuân, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hòa Vang) chỉ cho là phải giới thiệu, quảng cáo này nọ để người ta biết mà tìm đến. Hiện tại thì việc kinh doanh cơ sở massage đã dần đi vào ổn định, trung bình đón khoảng 300 lượt khách/tháng. Và vợ chồng chị cũng vừa trả xong số tiền đã vay”.

Không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho gia đình nhỏ của mình, với việc mở cơ sở massage, vợ chồng chị Nga còn giúp tạo công ăn việc làm cho những người khiếm thị khác. Hiện, ngoài chị Nga, anh Rin, cơ sở còn có 2 nhân viên cũng là người khiếm thị. “Hiện tại còn khó khăn nên mới chỉ có thể thuê mặt bằng để kinh doanh, nhưng hai vợ chồng cũng đã dành dụm mua được một lô đất. Giờ chỉ mong làm ăn phát đạt, dư giả để xây được một cơ sở khang trang hơn và mở thêm được nhiều cơ sở khác”, chị Nga chia sẻ.

Nhìn vào hình ảnh của cậu sinh viên tài năng Nguyễn Công Cường, rồi hình ảnh hạnh phúc, cố gắng làm ăn của vợ chồng chị Nga anh Rin, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng hơn nữa trong hành trình hoàn thiện bản thân. Cường hay vợ chồng chị Nga, họ có thể bị khuyết đi đôi mắt nhưng ý chí, nghị lực sống của họ không có một chút khuyết nào.

Mai Hiền


 

;
;
.
.
.
.
.