Con lợn trong cuộc sống và trong văn hóa Việt Nam

.

Muốn giàu thì nuôi heo nái
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.


Qua nội dung của những câu tục ngữ nói về con lợn/heo, chúng ta cũng nhận ra một điều là: Từ lâu, người nông dân nước ta đã thấy rõ lợi ích của việc nuôi heo và việc làm này được xem là một trong những cách thức “làm giàu”, cách thức tăng thêm thu nhập cho các gia đình. Nuôi heo không quá vất vả, tốn kém nên thuở xưa, ở các làng quê không mấy nhà là không nuôi heo.

Con vật hay ăn, chóng lớn này không chỉ gắn với đời sống hằng ngày của con người mà còn có mặt trong nhiều thành tố, nhiều sinh hoạt văn hóa ở các địa phương.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Theo các nhà sử học, tổ tiên của lợn (heo) nhà chính là con lợn rừng. Ở di chỉ Kéo Lèng (Lạng Sơn) có niên đại cách ngày nay từ 5 đến 10 vạn năm, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy cái hộp sọ của lợn rừng thời kỳ đồ đá. Lợn rừng nước ta phân bổ từ Nam đến Bắc và cả một số đảo thuộc hệ đảo Phú Quốc.

Con người thời đại đồ đá đã có nhiều cách để săn bắt, bắn lợn rừng ví như dùng cung tên, dùng gỗ, đá, dùng bẫy... Săn bắt được con lợn nào, người các cộng đồng đem về nơi cư trú làm thịt để mọi gia đình, mọi người cùng được ăn, được vui với nhau. Trên vách một số hang động ở miền núi phía Bắc nước ta hiện vẫn còn lưu giữ một số hình chạm khắc các chú lợn rừng thuở ban sơ(*).

Từ một loài vật sống ở nơi hoang dã, được con người thuần hóa, lợn rừng đã biến thành lợn nhà. Ở miền núi, phần lớn các con lợn được nuôi nhốt trong chuồng, nhưng cũng có nơi, chúng được nuôi thả trong nương, trong vườn.

Thức ăn cho lợn là các loại rau, thân cây chuối thái nhỏ... trộn với tấm, cám rồi nấu chín. Lợn hay ăn, chóng lớn, thích dầm mình trong bùn nước. Lợn mẹ mang thai 4 tháng và sinh nhiều lứa con, mỗi lứa từ 6 đến 12 con nhỏ. Lợn thịt, lợn mẹ, lợn con giúp cho người chăn nuôi chúng có thêm tiền để chi dùng trong cuộc sống. Phân lợn ủ kỹ khi hoai sẽ trở thành một thứ phân bón rất tốt cho lúa, khoai, ngô, sắn...

Ở nước ta, trong các loại thức ăn được chế biến từ thịt các loài động vật, có lẽ các món ăn lấy thịt lợn làm thành phần chính... là món ăn phổ biến nhất, được nhiều người ưa thích nhất

(trừ những người theo đạo Hồi có tục kiêng ăn thịt lợn). Thuở trước, chưa có nhiều loại dầu thực vật như bây giờ, mỡ lợn không mấy nhà là không dùng trong chiên, rán, xào, nấu. Do vậy, cuối năm, ở nhiều bản làng miền núi không mấy nhà là không làm thịt một con lợn (những nhà nghèo hoặc ít người thì hai, ba nhà chung nhau một con lợn).

Thủ lợn, giò lợn, thịt lợn nạc... thì để cúng giỗ, mỡ lợn thì được rán ra nước rồi cất vào chai, lọ dùng cho cả năm. Thịt lợn được chế biến theo nhiều cách và làm nên nhiều món ăn khác nhau; mỗi món lại có vị ngon riêng của nó. Thịt lợn luộc, chân giò hầm, thịt nạc làm chả, gói nem, kho, rán, tiết canh lợn... không mấy người là không ưa thích. Rồi nữa, trẻ em, ông bà già, người ốm đau, được ăn bát cháo thịt lợn ngon... ai cũng thấy vui, thấy người khỏe thêm... Ngày Tết, thịt lợn hân hoan sánh cùng nhiều thứ khác.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Như vậy, con lợn đã đi vào lễ nghi, phong tục của người Việt Nam từ thôn quê đến phường phố. Có làng, xã nuôi lợn thờ, ngày tế cúng thành hoàng, dân làng mới đem “ông ỉn” ra để làm “lễ chém lợn”. Phổ biến nhất là mâm cỗ cúng ở nhà thờ họ, ở đình làng, không mấy khi là không có cái thủ lợn luộc; còn lễ vật nhà trai mang tới nhà gái trong lễ hỏi, lễ cưới thì thường có chú lợn quay trông rất bắt mắt.

Con lợn gắn bó mật thiết với đời sống, với phong tục tập quán của đông đảo các làng quê, các đô thị. Không có chợ quê, chợ phố nào là không có hàng, quầy bán thịt lợn. Hẳn là vì vậy mà trong dân gian từ lâu đời đã sản sinh và lưu truyền rất nhiều câu tục ngữ, ca dao có liên quan đến con vật này. Xin được nêu vài ví dụ:

- Lợn thả, gà nhốt. Lợn rọ, chó thui.
- Mua lợn đến nhà, mua gà ra chợ.
- Chuồng lợn hướng Đông, Thổ công hướng Bắc.
- Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn tiêu hành cho tôi.

Con lợn còn đi vào điêu khắc và hội họa. Các nghệ sĩ dân gian dùng đất sét nặn nên những con lợn nhỏ rỗng lòng, mình đỏ, tai xanh, trên lưng có khía một rãnh nhỏ... để dành cho trẻ em bỏ tiền tiết kiệm. Con lợn đất này cuối năm được các em đập vỡ ra lấy tiền mua sách vở hoặc giúp đỡ các bạn nghèo trong trường, trong lớp. Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), trong bộ tranh Tết có 3 bức tranh vẽ hình con lợn - những bức tranh rất được nhiều người ưa chuộng. Đó là các bức tranh:“Lợn đàn”: biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở; “Lợn độc” - nhất khoảnh anh hùng; “Lợn ăn lá dáy” - sự hòa hợp của tự nhiên.
Nhìn ngắm những bức tranh này, nhà thơ Hoàng Cầm đã xúc động viết nên những vần thơ chứa chan tình cảm:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Con lợn là con vật đứng cuối bảng trong “thập nhị chi” (12 con giáp). Theo dân gian, năm Hợi là năm mang đến cho con người nhiều điều tốt lành. “Năm Hợi nằm đợi mà ăn”. Hy vọng rằng cuộc sống của chúng ta năm nay sẽ có thêm nhiều niềm vui mới.

TRẦN HOÀNG

(*) Phong thủy và 12 con giáp (Trần Quốc Vượng) - Nxb Thời đại - H.2009.

;
;
.
.
.
.
.