Bài học làm cha từ Giết con chim nhại

.

“Giết con chim nhại” chứa những bài học giá trị dành cho những bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên nó không được viết theo dạng hồi ký hay giọng văn nghiêm chỉnh hoàn toàn của bất kỳ một bậc phụ huynh ở tuổi trưởng thành nào; mà được viết lại từ lăng kính đánh giá, cảm nhận về sự vật, hiện tượng và các mối ứng xử giữa người với người của một cô bé 7 tuổi - bé Scout.

Mở đầu tiểu thuyết, Harper Lee dựng bối cảnh như một phân cảnh hấp dẫn của bộ phim truyện dài tập. Quang cảnh khu phố, những nếp nhà ở hạt Maycom được mô tả sống động đến nỗi có thể gợi lên trí tò mò cho bất kỳ đứa trẻ nào đang ở tuổi hiếu động, muốn khám phá thế giới xung quanh mình. Gia đình Scout có 4 thành viên, gồm bố Atticus, anh trai Jem, chị đầu bếp da đen Calpurnia và Scout. Họ có mức sống trung lưu nhờ thu nhập từ nghề luật sư của bố. Trong khu phố mà họ ở có một ngôi nhà luôn gợi lên nhiều bàn tán và sự thêu dệt về những cốt truyện ly kỳ, đó là gia đình của Boo Radley.

Đã hơn 2 thập kỷ, Boo Radley không ra khỏi nhà, không giao tiếp với bất kỳ ai. Người đời càng có lý do để đồn đoán về sự bất thường trong tính cách và cư xử của ông. Đi xa hơn, anh em nhà Scout muốn quấy rầy, dụ Boo Radley ra khỏi nhà để cùng tìm hiểu những bí mật của người hàng xóm lạ lùng. Chỉ có bố Atticus là liên tục ngăn cản, đưa ra những giới hạn trong cách cư xử với những người không được hưởng niềm vui - sống - một- cuộc- sống - bình- thường. “Con không bao giờ có thể thực sự hiểu một người cho tới khi con nhìn nhận mọi việc từ góc nhìn của họ”. “Con sẽ không bao giờ thực sự biết chuyện gì xảy ra đằng sau một cánh cửa”. Không ai có quyền quyết định thay người khác phải cư xử như thế nào nếu không ở vào hoàn cảnh của người đó. Đó chính là sự tôn trọng và lịch thiệp cần thiết mà mỗi đứa trẻ cần được cảm thụ nếu muốn lớn lên.

Không phải hiển nhiên mà “Giết con chim nhại” được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trung học lẫn đại học của hơn 70% số trường ở Mỹ. Bởi cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé tiểu học, cuốn sách vẫn không hề né tránh một vấn đề gai góc, lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, màu da, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Tôi đọc đâu đó có câu nói đại ý rằng, nếu muốn thay đổi cách cư xử giữa người da đen và da trắng thì không phải là chuyện người da đen nỗ lực thay đổi màu da của mình, mà vấn đề nằm ở mắt nhìn của những người da trắng. Người da trắng phải có cái nhìn thánh thiện, trong sáng về con người, về sự việc. Bố Atticus đã làm được điều mà hàng triệu người chưa làm được, đó là “đánh giá sự việc, chứ không đánh giá con người”.

Trong khi cả xã hội đều ruồng rẫy và lên án Tom Robinson, anh chàng khuyết tật da đen về tội cưỡng hiếp cô gái da trắng Mayella Ewell- theo như lời cô ta tố cáo, thì Atticus quyết chỉ tin vào bằng chứng và sự thật. Một mình ông đã can trường chống lại người dân toàn thị trấn cũng như các thành viên trong bồi thẩm đoàn để bảo vệ cho Robinson, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ tòa án lương tâm của chính mình. “Đơn giản bởi vì, cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố gắng”, ông nói với các con mình như thế và dùng chính sự cần mẫn, can đảm của mình để chứng minh điều đó.

Với lý luận của nhiều người, lẽ phải luôn thuộc về đám đông. Bởi vậy, khi Atticus nhận nhiệm vụ bảo vệ cho Tom Robison, kẻ hoàn toàn yếu thế và đơn độc trong xã hội thì ông cũng đã đẩy mình vào tâm thế của một người cô đơn không kém. Hơn thế, những đứa con bé bỏng của ông cũng liên tục phải hứng chịu những trận mưa công kích, những ngọn gió gièm pha độc địa từ bạn bè và những thường dân trong thị trấn. “Ba mấy đứa không hơn gì bọn mọi đen và thứ cặn bã mà ông ta phục vụ” - những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng lòng yêu thương ngay từ nhỏ làm sao có thể chịu đựng những lời nói kiểu vậy hết ngày này sang ngày khác. Jem và Scout đã thực sự cảm thấy bế tắc và đau khổ, chúng tìm đến bố để tâm sự. Ông hoàn toàn không bất ngờ trước những điều các con kể lại. Ông từ tốn: “Các con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố mà đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi”.

Giết con chim nhại là một cuốn sách vừa kịch tính vừa cảm động, một sự cảm động hết sức êm đềm. Bởi ngoài đi sâu phân tích, giải quyết những vấn đề to lớn của cộng đồng thì truyện còn là những mẫu đối thoại, những tình huống ứng xử hết sức nhẹ nhàng và tinh tế giữa các thành viên trong gia đình. Vì mất mẹ sớm, nên Jem và Scout nhận được rất nhiều quan tâm từ người bác ruột Alexandra. Đặc biệt với Scout, bác cho rằng cần điều chỉnh cô bé từ cách ăn mặc, lối đi đứng nói năng, đến cách cư xử bên bàn ăn, bởi chẳng bao lâu nữa cô sẽ trở thành một nàng thiếu nữ xuất thân từ một dòng họ cao quý lâu đời. Nếu như người bác của mình càng chu đáo và cẩn trọng bao nhiêu thì bản thân Scout lại càng muốn tự do bấy nhiêu.

Cô bé cảm thấy căng thẳng và phản ứng gay gắt. Một lần nữa, bố Atticus trở thành người phán xử xuất sắc với lời khuyên ngắn gọn: “Con có thể lựa chọn bạn bè, nhưng con không thể lựa chọn gia đình và họ luôn là người thân của con dù con có thừa nhận hay không”. May thay, Scout cũng đã kịp truyền chính câu này đến tai bác Alexandra trước khi nói trắng ra với bác: chúng ta ai cũng có quyền được tự do và tôn trọng, rồi sự trưởng thành sẽ đến.

Gấp sách lại, tôi tự hỏi trên đời này liệu có được mấy người như bố Atticus. Chỉ có một, mà cũng có thể có hàng triệu hàng triệu người cha sẽ trở nên hoàn thiện, chỉ cần có đủ lòng yêu thương…

Vĩnh Yên-Minh Thi

(*) Giết con chim nhại - tác giả Harper Lee. NXB Văn học và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, năm 2017.

;
;
.
.
.
.
.