Bến Xuân

.

Nhưng tất cả mọi bến bờ xuất hiện trong trí nhớ vốn hoang vu của tôi xem ra đã bao lần biển dâu bồi lấp. Chỉ còn những vạt nắng chiều trên cái bến xuân ửng sắc hoa cải vàng của mẹ tôi là không chịu tắt bao giờ!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong khá nhiều bến đò trên dòng Thu Bồn hay là dòng Vu Gia từ thượng nguồn đổ về biển, mỗi khi có dịp ngược xuôi trên những chuyến đò dọc chạy ngang qua, là tôi đều có thể nhắm mắt lại gọi đúng tên từng bến bờ. Bến Phú Thuận đông vui tấp nập, bến Giao Thủy, Vân Ly mênh mông lãng mạn tiếng hò, bến Trung Phước phố chợ ồn ã, bến Dầu tĩnh mịch trầm tư... Nhiều nhà văn, nhà thơ đất Quảng xưa nay nổi tiếng trên văn đàn như Phạm Hầu, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Trinh Đường, Bùi Giáng, Tạ Ký... đều sinh ra từ các làng quê bên những bến sông này. Bây giờ thì tất cả văn nhân tài hoa ấy đã là người xưa, đã “hồn muôn năm cũ”.

Đọc lại một đoạn văn của nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về con đò dọc ngày xưa trên bến sông Thu Bồn để tưởng bước chân ông đã từng qua đây. “Từ làng tôi đi Hội An thì buổi chiều ra bến sông Thu Bồn, xuống đò. Tối, đò nhổ, rời bến, lúc chống chèo, lúc căng buồm chạy phăng phăng trên mặt nước. Nửa đêm thức giấc, chập chờn trong tiếng hò. Tiếng hò văng vẳng đâu sau lái đò mình, ơi ới trên những chiếc khác cùng xuôi dòng sông, giọng nam nữ đối đáp nhau vang vọng giữa trăng nước”.

Sinh thời, tác giả kịch bản phim tài liệu “Dòng sông hát” Trần Thanh Lục đã bao lần đưa GS, TS Trần Văn Khê lênh đênh trên những chuyến đò dọc trên sông Thu Bồn và Vu Gia nghiên cứu cảm âm, ký âm, các làn điệu hò chèo thuyền, hò đua ghe để hoàn thiện bộ phim khá công phu của ông. Họ bây giờ cũng đã là phần hồn trên sông nước này.

Còn đối với nhà thơ Trinh Đường, thì với ông chuyến đò dọc trên dòng sông Thu Bồn vào một đêm mưa gió của hơn nửa thế kỷ trước là chuyến đò... duyên phận. Nói một cách khác, chuyến đò năm xưa ấy đã có công khích lệ làm nên một Trinh Đường thi sĩ cho đến mãi về sau này. Lúc còn sinh thời trong những lần ông về thăm quê, hầu như lần nào nhà thơ cũng thường rủ tôi làm bạn đường. Khi thì đi xe khách, lúc thì ngẫu hứng đò giang, qua những lần như thế tôi mới hiểu ra cái chuyến đò nên duyên phận ông và thơ là như thế nào.

 Có một đêm mưa gió đầy trời trên dòng Thu Bồn, một chàng trai trẻ ngồi gập người phía mũi của con thuyền cố phụ họa chèo chống với người lái đò đưa con thuyền kịp về nhà sau những ngày chàng trai xuôi phố Hội rong chơi. Mưa càng lúc càng to. Nước sông Thu cuồn cuộn xiết chảy đục ngầu phù sa. Con đò cố hết sức nhưng chừng như đến lúc không đủ lực bơi ngược dòng, mũi muốn bạt tấp vào bờ. Trong khi đó cái bến quê nằm dưới chân hòn Ngang mịt mù trong mưa gió còn xa lăng lắc. Vậy là người lái đò đành cho con thuyền ghé vào bờ cắm sào neo đậu dưới hàng tre bên bờ sông nghỉ lại qua đêm. Đêm đó mặc cho ai ngủ, chàng trai trẻ chong ngọn đèn bão thức thâu đêm trong mui bầu bạn say sưa với tập “Lửa thiêng” của Huy Cận mới mua từ nhà sách Hội An đem về, đến độ chàng trai quên khuấy cả gió mưa tầm tã giăng kín con thuyền.

Chàng trai trẻ trên chuyến đò dọc ấy chính là Trinh Đường vào cái thời xa lơ xa lắc trước Cách mạng Tháng Tám. Mãi về sau này, trong lời bạt của Trinh Đường viết cho tập thơ “Tao phùng” của Huy Cận, ông đã đưa chi tiết này vào như một cái duyên nhuốm màu tiền định: “Và từ đấy, nó (Lửa thiêng) trở thành người bạn đường của tôi hơn nửa thế kỷ nay”. Chao ôi, cái bến mà Trinh Đường cùng người lái đò cắm con sào neo đậu trong cái đêm mưa gió xa xưa đó giờ là đâu trên quãng sông này.

Nhưng tất cả mọi bến bờ xuất hiện trong trí nhớ vốn hoang vu của tôi xem ra đã bao lần biển dâu bồi lấp, chỉ có những vạt nắng chiều trên cái bến xuân ửng sáng sắc hoa cải vàng  của mẹ tôi là không chịu tắt bao giờ! Đấy là thời con sông chảy qua làng tôi đêm đêm đầy ắp tiếng hò của bao chàng trai cô gái. Nong tằm, ao cá, nương dâu/ Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò.

Tuổi thơ tôi từng được mẹ cho đi theo xuôi ngược trên những chuyến đò dọc mẹ tôi thuê chở hàng nông sản như: thuốc lá, dầu phụng, đường bát, ớt khô... xuôi về bán ở các chợ Hội An, chợ Hàn. Và rồi ngược lại mẹ tôi mua các loại hàng hóa ở phố như: vải may mặc, ni-lông che mưa, dầu lửa, đèn pin... chở về bỏ lại cho các chợ Phú Thuận, Gia Cốc, Phường Đông. Đông vui nhất là vào mùa Tết, những chuyến đò dọc chở hàng hóa đi về lại càng tấp nập hơn. Bởi thế, cái bến đò ngày xuân suốt đêm ngày trở thành nơi cho những cuộc hội hè không dứt.

Nhà tôi chỉ cách bến đò một cái cồn nhỏ. Vùng đất màu ven sông cứ vào cuối đông là nhà nào cũng gieo rau cải. Sau khi thu hoạch, nhiều vạt cải người ta để lại lấy giống cho mùa sau. Vì thế cứ sang xuân là hoa cải trổ vàng rực cả bến sông. Đấy cũng là cái bến xuân ngập ngụa thiên đường của tuổi thơ tôi. Chỉ có điều, đến khi tôi biết bập bẹ nghêu ngao Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ bao lũ chim rừng họp đàn trên bến xuân, thì mẹ tôi đã trở thành người xưa, và cái bến xuân thiên đường ấy cũng đã lở xuống sông sâu tự bao giờ .

   Bây giờ ngồi trên con đò dọc tôi đang gọi ơi ới ngày xưa trên dòng sông vắng. Trả lời tôi là miên man âm thanh gió lạnh. Là nắng xuân ửng trên dòng sông như vô vàn hồi quang tự bến xưa trôi về. Bỗng dưng ngồi đây mà tôi lại nhớ đến cái bến My Lăng siêu hình trong thơ của thi sĩ Yến Lan: Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẫy cả ngành trăng.Trên con đò dọc này bây giờ chả ánh trăng nào hết, chỉ có nắng chiều gieo trên mặt sông se sắt rọi chiếu quang ba xuống dòng. Nhưng quả thật, nói như Yến Lan về cái bến My Lăng của ông, rằng “Những ai đã có lần đứng đợi một chuyến đò... Và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi. Bến My Lăng ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn”. Vâng, chỉ bằng cách đó cơ may tôi còn gặp lại cái bến xuân xưa với những chuyến đò dọc chất ngất những câu hò!

Nguyễn Nhã Tiên
 

;
;
.
.
.
.
.