Câu đối chơi chữ

.

* Tết rồi, nhân nói chuyện câu đối có anh đọc vế đối Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế và cho rằng chưa ai đối đặng, bởi đây là vế đối chơi chữ rất hiểm hóc. Xin cho hỏi, ai là tác giả của vế xuất đối này? Một vài câu đối chơi chữ độc đáo khác? (Trương Văn Tam, Hải Châu, Đà Nẵng).

Hình chú gà trống ngậm vế thách đối hiểm hóc của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy đăng trên Sông Hương số 29/1&2-1988.
Hình chú gà trống ngậm vế thách đối hiểm hóc của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy đăng trên Sông Hương số 29/1&2-1988.

- Về vế xuất đối Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế một số người cho rằng tác giả là nhà thơ Thế Lữ, tuy nhiên theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê qua bài viết “Khẩu khí Thảo Am” đăng trên An ninh Thế giới số ra giữa tháng 7-2008, có dẫn lời bà Nguyễn Khoa Bội Lan (con của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy và sách “Thơ Thảo Am”, Sở VH-TT Thừa Thiên Huế xuất bản năm 1991) thì tác giả là nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881 – 1968), biệt hiệu Thảo Am.

Vế thách đối của cụ Vy quả là hiểm hóc, bởi đây là câu đối điệp phụ âm đầu thuộc loại câu đối chơi chữ theo cách trùng điệp.

Tạp chí Sông Hương số 25 đưa vế xuất đối này thách bạn đọc đối lại và nhận được những 352 câu. Đặc biệt, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã gửi cho tòa soạn một bài viết dài 5 trang đánh máy có nhan đề “Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy” (đăng trên Sông Hương số 29/1&2-1988), qua đó nhà ngôn ngữ học này đã đưa ra 24 vế đối lại. Trong đó, có nhiều vế đối lại rất xuất sắc, ví dụ: Kỵ qua còn cỗ cúng, kỳ kèo cò kéo cánh cò quay; Quyền cao có của cất, quanh co còn quỵt kẻ cùng cơ; Lụt lên lo lút lúa, lu loa la lối lũ lâu la...

GS. Nguyễn Tài Cẩn nhận được giải thưởng là một con gà trống trong vườn nhà bà Nguyễn Khoa Bội Lan.

Vào thời bao cấp, ở Huế xuất hiện một câu đối cũng thuộc loại chơi chữ tương tự: Lối lên Lang, lầu lên lớp lớp/ Đường đến Đối, điện đỏ đều đều. Câu đối điệp phụ âm đầu này xuất hiện ở Huế vào thời bao cấp, bấy giờ ông Lang là Giám đốc Nhà máy Xi-măng Long Thọ, ông Đối là Giám đốc Sở Điện lực Huế.

Chơi chữ trong câu đối là cả một nghệ thuật, đòi hỏi tác giả (ra đối và đối lại) phải có tài ứng đối mẫn tiệp. Có nhiều hình thức chơi chữ rất độc đáo, ví dụ: Hoàng thượng không ngờ thành hòa thượng/ Nữ nhi chẳng hát hóa nữ ni. Ở đây, từ ngờ ngoài nghĩa “cảm thấy chưa thể tin hẳn được” còn chỉ cách phát âm của phụ âm kép ng; tương tự, từ hát ngoài nghĩa “phát ra những âm thanh uốn theo nhịp điệu, giai điệu nhất định” còn chỉ cách phát âm của chữ h.

Giai thoại thơ văn kể một câu chuyện hay ho nói về câu đối chữ Hán mà cứ tưởng là đánh vần quốc ngữ. Hồi Đại chiến lần thứ nhất (1914 - 1918), ở vùng Thái Bình có một tay lính đi tây về, được vua ban hàm Bát phẩm, liền mở tiệc để ăn khao. Bà con khách khứa tới dự rất đông, nhiều người lại mang theo cả câu đối đến mừng.

Bấy giờ cụ Bùi Bằng Đoàn đang làm Tri phủ Thái Bình, biết tiếng cụ hay chữ, có người đến xin cụ đôi câu đối đem mừng anh lính kia. Cụ bèn cho câu đối: Tiếp tiệp hoan hoàn, tê ư tư sắc tứ/ Binh bình thoái thoại, hát ô hô huyền hồ. (Được tin thắng trận, vui mừng trở lại nhà, bước lên tới đó thì được ban sắc/ Việc binh đã yên, khi về nói chuyện, kêu ô hô treo cái cung).

Câu đối lắt léo và tài tình, ở chỗ nó là chữ Hán có đầy đủ ý nghĩa, nhưng đọc lên cứ tưởng là đang đánh vần quốc ngữ. Lại nữa, nó tả rất đúng cái cảnh của anh lính và hàm một ý trào phúng khá hóm hỉnh: Anh lính chỉ đến mức đó thì được ban thưởng và trình độ học thức của tay Bát phẩm cũng chỉ mới đến mức... tập đọc vần quốc ngữ mà thôi!

ĐNCT

;
;
.
.
Mua gậy OMIN giá tốtTrực tiếp xsmb hôm nay
.
.
.