Lô tô về làng

.

Tiết trời nhiều nắng ấm năm nay càng khiến nỗi nhớ về những trò chơi may rủi mỗi dịp ra Giêng của tôi trở nên da diết. Những gánh xiếc lô tô mùa xuân nay đi về đâu?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Làng tôi là một dải đất trải dài theo bờ sông nhỏ. Những nếp nhà hiền hòa hiếm khi ồn ào, xáo trộn trừ dịp đầu xuân. Bắt đầu từ tuần lễ cúng ông Công ông Táo kéo dài cho đến hết tháng Giêng, những người nông dân rửa ráy cày bừa, gác lên chạn để tập trung vui xuân. Người lớn thì cúng kỵ, chạp mộ, thăm viếng họ hàng. Trẻ con thì túm tụm xóc quẻ, chơi bầu cua tôm cá. À, mà còn đi hội chợ lô tô nữa chứ.

Cứ đến hẹn lại lên, năm nào vào tầm mồng 6, mồng 7 tháng Giêng, gánh xiếc phương xa từ đâu lại kéo về khu đất trống gần trụ sở ủy ban xã dựng rạp. Những gian hàng nhỏ tầm 3 - 4m2 xếp theo hàng lối, được trang trí bong bóng nhiều màu hoặc những loại màn xanh đỏ rẻ tiền chính là những nơi “đốt bạc” của bọn tôi lúc đó. Dăm ngày Tết được bao nhiêu tiền mừng tuổi, chúng tôi lại thi nhau nướng gần hết vào những trò ném lon, bắn bóng. Phần thưởng nhận được chỉ là hộp bánh, lon bò húc, có khi là con gấu bông nhỏ xíu nhưng ai cũng háo hức, say mê.

Trong lúc các gian hàng bên dưới tấp nập người chơi thì ở phần sân khấu chính vang lên tiếng nhạc xập xình, ánh đèn xanh đỏ

lập lòe nhoay nhoáy. Cũng vì ánh đèn này mà dù ở tận làng xa, nhóm trẻ tụi tôi bỗng trở nên cập rập cuống quýt sau mỗi bận cơm chiều. Lúc trời ngả tối, nhìn luồng ánh sáng chiếu thẳng lên trời từ xa, 5-7 đứa trong xóm lại nhốn nháo lên đường đến nơi mở hội. Để tạo nên sự náo nhiệt xứng tầm của một đêm hội đầu năm, bao giờ cũng có ít nhất hai người diễn xướng chuyên dẫn dắt, pha trò.

Chúng tôi luôn bị kích thích bởi những ám ảnh lạ lùng khi nhìn thấy người dẫn chương trình liên tục ca xướng. Họ trang điểm đậm, sực nức mùi nước hoa và dồi dào năng lượng. Trên những đôi giày cao gót tầm chín, mười phân, thân hình được bó sát trong những chiếc váy lấp lóa dưới ánh đèn màu, họ biểu diễn những điệu nhảy nhịp nhàng và sôi động. Có khi là những giọng hò, câu vè đậm chất Nam Bộ. Rõ ràng, chất giọng ồm ồm đó là của đàn ông, nhưng dáng hình, trang phục, mái tóc lại là phụ nữ.

Những đứa trẻ ít khi rời khỏi lũy tre làng như chúng tôi đã bị cuốn hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có đứa đứng nhìn ngây ngất, có đứa ngập ngừng hàng chục câu hỏi. Sau này, khi được trải nghiệm nhiều hơn, tôi chợt thấy nhẹ nhõm bởi sự cảm thấu đầy giản đơn vào đêm hội năm nào. Trong ánh mắt của những đứa trẻ lớn lên từ làng, chúng tôi đã đơn thuần thích thú, đơn thuần cảm thấy hứng khởi bởi sự mới mẻ và những trò hay mà gánh xiếc lô tô mang lại. Bây giờ, những suy tưởng cứ chồng chất theo tháng năm.

Tôi xót xa cho những phận người mải miết đi tìm mộng ước được sống đúng với chính mình. Trên hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “mình là ai?”, mỗi người đều phải đánh đổi rất nhiều, từ danh dự đến tình yêu, sự đùm bọc của gia đình. Âu đó cũng là lý do cho những cái tên đầy phù hoa, ảo ảnh mà đến nay tôi còn nhớ được: Gánh xiếc Phù Dung, đoàn lô tô Mộng Điệp…

Lại nhớ trong đêm hội, thời điểm người chơi đến tấp nập nhất cũng chính là lúc gần hạ màn cho đêm hội. Bấy giờ, trò chơi con số may mắn sẽ được bắt đầu. Những câu xướng quen tai như “cờ ra con mấy?... con số gì đây?” sẽ liên tục được nhắc đi nhắc lại. Để tham gia trò này, mỗi người sẽ bỏ ra vài nghìn để đổi lại một mảnh giấy nhỏ ghi những chữ số khác nhau. Đến phút quay thưởng, người trúng giải sẽ được nhận vài chục ngàn, hoặc một, hai trăm ngàn tùy vào quy ước của ban tổ chức. Số tiền không lớn nhưng ai cũng coi như đó là món quà của sự may mắn nhân dịp đầu năm.

Mọi trò giải trí thủ công chỉ thực sự hấp dẫn khi con người chưa biết đến sự tiện ích của công nghệ. Từ nhỏ đến hết đại học, năm nào tôi cũng ăn Tết ở quê và cảm nhận càng về sau, những đoàn lô tô mùa xuân càng vắng bóng. Năm trước có một đoàn, đoàn không về xã nữa mà tập trung ở sân vận động huyện. Ba bảo: “Bữa nay có mấy người xem lô tô. Người lớn thì ở nhà nghe thời sự, trẻ nhỏ thì lướt facebook mạng mẽo, số siếc gì nữa”. Đúng thật, khu đất mênh mang trong màn sương xuân càng trở nên lạnh lẽo. Những chiếc bập bênh không người chơi, những gian hàng xanh đỏ cũng yên ắng đến nao lòng. Nhạc thì vẫn to, dàn đèn hiện đại nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy “cô” dẫn chương trình nào bước ra sân khấu, tôi đành quay về trong sự lặng lẽ nhớ thương.

- Những đoàn lô tô nay đi về đâu hả mẹ?

- Chắc họ vào miền Nam, miền Tây. Ở các tỉnh sông nước, người dân giữ lối sống giản dị, hiền hòa chắc chắn sẽ chào đón gánh xiếc nhiệt tình hơn.

Tôi tin và cũng hy vọng như vậy. Bởi với những con người “lệch chuẩn”, xuất thân từ tầng lớp bình dân, không có cơ hội để tỏa sáng, được thừa nhận dưới những ánh đèn sân khấu lớn thì những gánh xiếc lô tô chính là gia đình, chính là nơi mỗi người nương náu, dựa dẫm vào nhau để bớt đi cô đơn trên một chặng đường dài.

Một mùa xuân nữa lại đến, theo dòng chảy thời gian, sự nhớ thương bao giờ cũng khiến cho những điều đã qua trở nên tốt đẹp. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, đoàn gánh xiếc lô tô về làng vào mỗi dịp đầu năm mới mãi mãi là hình ảnh đẹp. Đó không đơn thuần là điểm hẹn của những trò giải trí ngày xuân mà đó còn là câu chuyện giàu tình yêu thương...

Minh Thi


 

;
;
.
.
.
.
.