Học du lịch từ thực tế

.

Thông qua những đợt kiến tập, thực tập, làm thêm tại các doanh nghiệp, sinh viên theo học các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch ngày càng tự tin hơn khi ra nghề.

Học từ thực tế giúp sinh viên đang theo học ngành du lịch có những nhận thức rõ ràng hơn về nghề nghiệp ngay từ sớm, sự cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn và đặc biệt là có kỹ năng sẵn sàng làm việc tốt hơn. Ảnh: MAI HIỀN
Học từ thực tế giúp sinh viên đang theo học ngành du lịch có những nhận thức rõ ràng hơn về nghề nghiệp ngay từ sớm, sự cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn và đặc biệt là có kỹ năng sẵn sàng làm việc tốt hơn. Ảnh: MAI HIỀN

Đang là sinh viên năm 3, song, Trần Thanh Phương Thảo (chuyên ngành Quản trị khách sạn, khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng) đã có những kinh nghiệm nghề nghiệp đầu tiên sau hai mùa hè (năm 2017, 2018) thực tập tại khách sạn Kaya (Phú Yên) và khách sạn New Orient (Đà Nẵng).

Theo Phương Thảo, những ngày thực tập quý giá ấy giúp Thảo và các bạn có trải nghiệm, cái nhìn thực tế, toàn diện hơn về nghề nghiệp bản thân đang theo học, tránh “sốc”, vững vàng hơn sau khi ra trường. “Bên cạnh niềm vui, chúng tôi thấm cả những khắc nghiệt của nghề như tập quen đứng suốt 8 giờ đồng hồ (không được ngồi nghỉ), giữ một tư thế chuẩn mực khi phục vụ, kể cả việc sẵn sàng làm theo ca, thức đêm, những công việc đột xuất dưới sự điều động của quản lý…”.

Đồng thời, những đợt thực tập như vậy, theo Thảo, sẽ giảm bớt đi sự nhàm chán của những giờ học lý thuyết, hiệu quả học tập tốt hơn rất nhiều.

Hay Hồ Thị Gấm (sinh viên năm 4, chuyên ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng) cũng “lận lưng” được kha khá kinh nghiệm nghề nghiệp từ những lần đi kiến tập (từ năm 2), những đợt đi thực tập, đi tour nhiều ngày ra Ninh Bình, Hà Nội (năm 3)…

“Rất nhiều kỷ niệm, bài học đáng nhớ về nghề nghiệp, nhưng nhớ nhất với tôi có lẽ là lần thực tập ở khách sạn Hilton, tôi được giữ lại làm ở vị trí guest service agent-magic (tạm dịch là nhân viên chăm sóc khách hàng), bộ phận tiền sảnh của khách sạn. Những điều tôi học được không chỉ là quy trình làm việc cơ bản của khách sạn, hiểu được một phần văn hóa của điểm đến… Điều quan trọng, chỉ một thời gian ngắn làm việc như một “nhân viên” thực thụ, tôi nhận ra rất nhiều điều, biết bản thân mình cần gì, muốn gì, đâu là thế mạnh cũng như những thiếu sót, để phấn đấu hoàn thiện hơn”, Gấm nói.

Cũng giống như Gấm, Nguyễn Văn Nguyên dù đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị khách sạn, Trường Cao đẳng nghề Việt-Úc Đà Nẵng, nhưng sau những mùa thực tập thành công, Nguyên đã nhận thư mời vào làm ở bộ phận lễ tân tại Golden Line Hotel, trong tháng 4 tới.

Theo Nguyên, vào những mùa cao điểm, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng thường đến tận trường để phỏng vấn, tuyển học viên ở trường đi làm thời vụ. Từ học kỳ hai của năm học đầu tiên, Nguyên đã được gọi đi thực tập tại một khách sạn tầm trung. Tiếp đó là những kinh nghiệm nghề rất quý trong 3 tuần liên tiếp Nguyên được gọi đi phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana, kiến tập ở khách sạn Novotel…

Ngoài giờ học, Nguyên còn tranh thủ xin làm thêm ở nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm.

“Ở mỗi nơi tôi từng đến sẽ có những phong cách làm việc khác nhau, tuy nhiên, đúc rút lại vẫn là những cái cơ bản, giúp củng cố những kiến thức chúng tôi được thầy cô chỉ dạy tận tình trong nhà trường. Đối với nghề tôi đang theo đuổi, việc nắm vững lý thuyết, những kiến thức cơ bản rất quan trọng, nhưng để đáp ứng yêu cầu, việc học lý thuyết tại trường hiện chỉ chiếm khoảng 30%, 70% thời lượng học còn lại, chúng tôi dành cho thực hành. Thực hành nhiều giúp tôi tự tin ứng tuyển phỏng vấn đi làm thời vụ hay đi làm bất cứ đâu”, Nguyên nói.

Bàn về câu chuyện học từ thực tế của sinh viên theo các ngành nghề du lịch, TS Võ Thị Quỳnh Nga, Phó trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, từ năm 1994, khoa Du lịch mà tiền thân là bộ môn Du lịch thuộc khoa Thương mại - Du lịch của nhà trường đã bắt đầu có những hoạt động hợp tác với các đối tác là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Mục tiêu cũng là kết quả quan trọng nhất của những hoạt động hợp tác đó chính là việc doanh nghiệp tổ chức nhận sinh viên thực tập, gửi chuyên gia đến hỗ trợ, truyền dạy kiến thức trong những buổi ngoại khóa…

Hiện tại, khoa đã ký chính thức thỏa thuận hợp tác lâu dài với 30 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch như Vitours, Saigontourist, VietTravel, Vietnam TravelMart, Furama Resort, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Hyatt Regency,… để giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế cần thiết, ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Bởi, theo TS. Quỳnh Nga, đối với ngành du lịch, công việc thực tế đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng. Trong đó, có những bài học các sinh viên chỉ có thể học được từ thực tế!

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.