Cứ khoảng 5 giờ chiều hằng ngày, lại thấy chị đạp xe qua xóm tôi. Chiếc nón lá đội đầu, dưới chiếc nón là một tấm khăn vuông gấp chéo góc, phần vuông của chiếc khăn lấp ló che một phần mái tóc dài phía sau chiếc nón, hai bên khuôn mặt được chiếc khăn ôm trọn, thắt nút phía dưới cằm phía sau quai nón. Đặc biệt, chị không mang khăn bịt mặt như nhiều phụ nữ khác. Mùa nắng thì khoác bên ngoài chiếc áo tay dài che nắng, mùa mưa thì trùm chiếc áo mưa nhựa trong. Dáng chị phía xa đang gò lưng đạp xe lên con dốc trong xóm, lại gần mới nghe tiếng rao: “Ai bánh bèo bánh ướt đê ê ê”! Tiếng rao mộc, không qua loa phát sẵn như nhiều người bán rong khác, nên không nghe rõ câu, chỉ rõ nhất là tiếng “bèo ướt đê ê ê”, và như thế là đủ với người mua trong xóm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
“Con mời dì Tư, anh Ca ăn dĩa bánh cho vui”! Chị lên tiếng mời khi thấy dì Tư và tôi đang ngồi nói chuyện trên vỉa hè trước nhà. “Mi ăn không Ca, bánh con Hương làm ngon lắm, gia truyền đó! Cho dì với anh Ca mi hai dĩa bánh đi con”.
Nghe dì Tư nói, chị dừng xe, dựng chân chống, tháo sợi dây cao su buộc chiếc rổ đặt trên yên sau xe đạp, cẩn thận cặp chiếc rổ vào hông, rồi với tay nhấc chiếc giỏ nhựa đặt trong giỏ xe phía trước, bước lên vỉa hè lại gần chúng tôi. Chị tháo chiếc ghế nhựa nhỏ đang treo lủng lẳng ngoài cái rổ, ngồi xuống và bắt đầu làm bánh. Cái rổ ngó nhỏ xíu mà khi giở mủng đậy ra thì thấy chứa được nhiều thứ. Đầu tiên là thau bánh bột lọc, những chiếc bánh hình bán nguyệt, trong suốt thấy rõ con tôm nhỏ phía trong. Một lớp dầu phụng bám phía ngoài làm những chiếc bánh óng ánh trong ánh nắng chiều. Lớp hành hoa cắt nhỏ cùng vài lát ớt đỏ rải trên mặt lớp bánh nhìn như một bức tranh được phối màu hợp lý. Tiếp đến là chồng bánh ướt. Chị múc một muỗng nhỏ nhưn tôm khô xay nhỏ rải đều lên mặt bánh, rồi nhẹ tay cầm mẩu lá chuối giắt sẵn đánh dấu để tách từng lớp bánh ra khỏi chồng bánh và cuốn xếp lại, đặt lên dĩa và cắt làm ba. Đến bánh ít ram. Tảng bánh ít gồm nhiều cái dính lại, được chị dùng kéo cắt ra từng cái, cái nào cũng có một con tôm ở giữa, lấy một cái bánh ram ép cùng rồi đặt lên dĩa. Tiếp theo là bánh bèo nhỏ. Chị sắp lên dĩa rồi múc nhưn ướt đổ vừa khéo vào chỗ hõm của từng chiếc bánh bèo. Lột lớp lá chuối bọc cây chả cỡ 2 ngón tay, chị cắt làm 4 rồi sắp lên dĩa bánh. Trên cùng là vài nhánh rau thơm như húng quế, húng lủi, ngò. Chị pha 1 phần mắm ngọt và 2 phần mắm mặn và rưới lên dĩa bánh. Riêng tôi có thói quen ăn cay, nên chị lấy cái chén nhôm, tách vài tép tỏi và trái ớt xiêm đỏ bỏ vào, dùng muỗng inox ép dập rồi mới cho nước mắm vào. Nhìn chị làm bánh, nhất là khi hoàn thành dĩa bánh thấy hấp dẫn vô cùng, cộng với mùi thơm của mắm ớt tỏi dậy lên làm người khác phải ứa nước bọt! Dĩa bánh được sắp xếp gọn gàng, màu trắng trong của bánh bột lọc, trắng đục của bánh bèo, bánh ướt, bánh ít, màu nâu của bánh ram và lát chả, màu đỏ của tôm, của ớt, màu xanh của các loại rau thơm tạo nên một bức tranh màu sắc hài hòa, đẹp mắt. “Con mời dì Tư với anh Ca ăn bánh”! “Cảm ơn chị”! “Hắn nhỏ hơn mi 2 tuổi đó Ca, xưng em thôi”, dì Tư vừa nói vừa cười.
“Con nhỏ hiền và chịu khó lắm”, dì Tư tiếp tục câu chuyện sau khi chị đạp xe đi bán chỗ khác. “Trước khi giải tỏa hắn ở xóm mình, là đất An Thượng ni đây. Hồi nớ qua sông Hàn chỉ có cây cầu Nguyễn Văn Trỗi, có con đường nhựa nối từ cảng Tiên Sa chạy vô Hội An. Xóm mình cặp đường nhựa, dưới ngã ba Non Nước chút xíu, hồi nớ nhà tôn, nhà lá nhiều, chỉ có mấy nhà cặp đường nhựa là nhà xây thôi. Nhà hắn với nhà dì ở sát bên, phía dưới sông. Mẹ con nhà hắn có cái vườn nhỏ, trồng mấy luống màu, dưới chút gần sông có cái ruộng rau muống, 4 mẹ con nương nhau sống. Mà hay thiệt, sống khổ cực, nghèo mà đố thấy nhà nớ than thở, mấy đứa con ngoan lắm, ai trong xóm cũng thương. Ngoài mấy luống rau màu, cái ruộng rau muống, mẹ hắn có nghề làm bánh lọc, bèo, ướt ngon lắm, chừ hắn thừa hưởng nghề nớ từ mẹ đó. Hai thằng anh đứa theo bạn đi biển, đứa làm thợ nề, hắn thì phụ mẹ mở cái quán bán bánh và mua cái máy may để ở nhà, may và sửa vá quần áo cho bà con. Sau giải tỏa, được Nhà nước cấp lô đất chính đường 5,5m, thêm căn hộ chung cư với ít tiền đền bù. Nhà khác thì làm đơn xin thêm, rồi kiện, nhưng nhà ni không hề. Thấy mua lại lô đất thì hết tiền làm nhà, nên mẹ hắn bán phiếu đất, chạy về Hòa Quý mua lại miếng đất, dựng 2 cái nhà nhỏ nhỏ cho 2 thằng anh sống với vợ con, bả thì sống với thằng đầu, cũng mở cái quán bán bánh. Mấy đứa cháu nội cũng có công ăn việc làm hết, mặc dù làm công nhân nhưng cũng đỡ. Con Hương thì được bả cho căn chung cư ở tút dưới Bờ Đá, sống với chồng cùng đứa con trai. Chồng hắn cũng làm thợ nề, hai vợ chồng chịu khó lắm. Mà công nhận nhà nớ dạy con cháu hay thiệt, đứa mô cũng ngoan”. “Bờ Đá là chỗ mô dì Tư?”. “À, tút dưới Thọ Quang. Có tên Bờ Đá là do con đê chắn sóng ở cửa biển, nên bà con mới kêu là Bờ Đá. Mi dân nơi khác tới nên chưa biết. Chỗ nớ tới xóm mình cỡ bảy, tám cây số chớ ít chi! Rứa mà chiều mô con Hương cũng đạp xe đi bán bánh, làm chi cũng ghé qua xóm cũ để bán, hắn kêu xóm cũ có nhiều người quen cũ, bán dễ hơn. Nhưng có khi hắn nhớ xóm cũ nên ngày mô cũng quay về ghé đó! Cái con nớ tình cảm lắm!”.
Buổi chiều cuối tuần, tôi với dì Tư ngồi dưới tán cây sao đen, ngắm mấy đứa nhóc trong xóm đang nô đùa với nhau. “Con mời dì Tư, anh Ca ăn bánh. Thằng Tý với bé Ty nhà anh khoái món bánh ni lắm, cho tụi hắn 2 dĩa anh hỉ?”. Tôi chưa kịp trả lời thì 2 đứa con đã chạy về, sà ngay xuống rổ bánh đang mở, vẻ háo hức, chí chóe : “Cô Hương làm cho con món ni, món ni, mà đừng bỏ rau nghe cô!”. “Thằng cu con mi thi tốt nghiệp vừa rồi được mấy điểm vậy Hương?” - dì Tư hỏi. “Dạ hắn thi được 23 điểm rưỡi đó dì”. “Chu cha giỏi hì, không đi học thêm mà được điểm rứa là quá giỏi luôn đó!”. “Dạ, cũng nhờ phước ông bà tổ tiên, hắn chịu khó học. Chớ dì nghĩ, con với cha hắn đi làm miết, có biết chi mô mà bày vẽ hắn. Cũng biết là phải đi học thêm học nếm để thêm kiến thức, nhưng khi nói cho tiền đi học thêm thì hắn không chịu, nói con tự học được, ba mẹ để dành tiền cho con học đại học. Hắn chỉ mơ ước vô học Y khoa Huế! Không biết với điểm chừng nớ có vô được không, anh Ca hè?”. Tôi trả lời: “Năm ni điểm số cũng thấp, với số điểm đó chắc đậu đó chị, vì Đại học Y Huế nhiều khoa, điểm cũng chênh lệch giữa các khoa, điểm đó có khi trúng khoa cao điểm nhứt đó!”. “Thôi vợ chồng mi cứ yên tâm, về lo gom tiền cho hắn đi học đặng mai mốt ra làm bác sĩ, hồi đó tha hồ đếm tiền. Mà có khi về bán cái nhà chung cư đang ở để lo cho hắn học đó chớ!” - dì Tư nói chọc. “Dạ, nếu hắn mà đậu thì tụi con cũng ráng cày lo cho hắn chớ dì, cả nhà nội ngoại chỉ có mình hắn là học được đó. Cho hắn chiếc xe đạp, hằng ngày hắn tự đạp xe đi học, giờ rảnh là ngồi vô bàn học, đến bữa tự nấu cơm trưa ăn. Buổi tối hắn là đầu bếp chính cho cả nhà đó dì!” - Hương vừa kể chuyện, vừa đưa bánh cho 2 đứa con tôi, trong ánh mắt không giấu nổi niềm vui và tự hào. “Đó, thằng Tý, bé Ty thấy con cô Hương giỏi chưa, lo mà học đi, năm ni vô lớp 10 rồi mà cơm không biết nấu kìa!” - tôi tranh thủ “dạy” con mình! “Lo chi anh ơi, tới tuổi là hắn phải tự biết thôi. Mà dì Tư biết không, thi xong biết điểm rồi, khi chờ kết quả đại học, hắn còn xin cha hắn cho đi phụ hồ với ổng, nói là kiếm thêm tiền phụ mẹ. Cha hắn cũng cho đi, nói là để rèn luyện, mà con thì xót, nhưng không cách chi nói lại với hai cha con hắn!”. “Nhà mi dạy con hay thiệt đó Hương nghe. Mà thằng cu ngoan thiệt, lâu lâu hắn về đây, gặp là chào bà Tư liền, còn nói chuyện y như người lớn nữa chớ!... Nói chơi chớ vợ chồng bay ráng kiếm tiền lo cho hắn ăn học kẻo uổng, dễ chi học được nghề bác sĩ mô con”! “Dạ, tụi con cũng ráng, mà cũng chưa biết răng đây dì!”.
“Dì Tư ơi, răng dạo ni không thấy cô Hương qua xóm mình hè?”. “Ôi, mô phật, hắn chết rồi con ơi! Hắn bị xe tông, tuần trước dì đi thắp hương hắn. Thương lắm con ơi, bà mẹ, chồng, con hắn cứ ôm quan tài mà khóc, bà con chòm xóm chung cư mỗi người một tay, lo liệu cho hắn. Xóm mình đi viếng đông lắm. Dì ở cả đêm ở đó, thấy con người đạo đức có khác, ai cũng thương! Mà khổ, hắn ở tầng 6, quan tài phải để ở sân chung của chung cư, bà con chung cư cũng tội, luôn có người ở bên. Mà bà con chòm xóm ở mô cũng rứa, coi trọng cái tình lắm, đúng hông Ca?”. Dì Tư nói xong, nhìn ra xa, tôi cảm nhận như trong khóe mắt của dì có giọt lệ! Nước mắt của người già! “Thằng con hắn có giấy báo đậu Đại học Y khoa Huế, cái khoa cao điểm nhứt! Tội!...”.
“Anh ăn cơm đi chớ, làm chi mà thẫn thờ rứa?”. Tôi và vội chén cơm, buông đũa lên phòng nằm. Trời ơi, qua câu chuyện ngắt quãng mà dì Tư nói trong nhiều buổi chiều hai dì cháu ngồi dưới bóng cây sao đen trước nhà, giờ nhớ lại tôi không tài nào ngủ được. Có nghịch cảnh không, khi những người đã khẳng định được mình, thể hiện qua tình cảm, thái độ của bà con chòm xóm, lại yểu mệnh đến vậy? Một gia đình, không giàu có gì về vật chất, thậm chí học vấn chỉ ở mức trung bình, nhưng có cách xử sự với xã hội và cách dạy con cháu quá hay, được bà con xung quanh thừa nhận và yêu mến, thậm chí lấy làm gương để dạy con cháu nhà mình, lại lâm vào nghịch cảnh thế này! Rồi tôi tự vấn. Mình về xóm đã lâu, biết hoàn cảnh như thế, nhưng thái độ thế nào? Phải chăng chỉ dừng lại ở những câu nói xã giao, những sự “quan tâm” đầy hời hợt! Đến chung cư của Hương, tên của chồng, của con, tôi nhớ đã có lần Hương nhắc đến trong câu chuyện, tôi nghe xong rồi lọt qua tai ra ngoài lúc nào chẳng hay! Rồi dì Tư, mình đã biết gì về hoàn cảnh của dì, trong khi đã dọn về sống ở xóm này được vài năm? Rồi ngoài dì Tư, tôi biết được những ai trong cái xóm mà mình đang ở? Đã từng cười thầm dì Tư là người “biết tuốt”, gia cảnh nào dì cũng biết, cũng kể được, đúng là người “vô duyên, nhiều chuyện”!? Phải chăng do “học vấn cao”, nên mình “tế nhị” không hỏi sâu vào đời tư người khác? Có phải thế không? Hay là đó chỉ là lý do để biện minh? Phải chăng mình đã vô cảm rồi ư?
Mai mình phải hỏi dì Tư địa chỉ của Hương, để đến thắp nhang trước hương hồn của Hương, để nói rằng mình vô cùng tôn trọng cô ấy, để nói rằng ít người dạy con nên người như cách gia đình của Hương đã thực hiện, để nói rằng… Và nữa, phải vận động nhóm từ thiện mình đang tham gia sẽ dành suất học bổng hằng tháng cho thằng cu con của Hương, dù nhỏ thôi nhưng ý nghĩa vô cùng…
Dần dần giấc ngủ cũng đến được với tôi! Vẳng đâu đó có tiếng rao quen thuộc: “Bèo ướt đê ê ê!”.
MÃ SIM