'Hãy tin ở cô…'

.

Mặc dù tỷ lệ phạm pháp, vi phạm nội quy của học sinh hiện nay là không cao, nhưng qua một số vụ việc bạo lực học đường trong thời gian qua, toàn ngành giáo dục phải đặc biệt quan tâm.

Những giờ sinh hoạt ngoại khóa giúp các em xây dựng tình bạn đẹp nơi trường học.  Trong ảnh: Hoạt động ngoại khóa tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Q.T
Những giờ sinh hoạt ngoại khóa giúp các em xây dựng tình bạn đẹp nơi trường học. Trong ảnh: Hoạt động ngoại khóa tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám. 

Nửa đêm, cô Nguyễn Thị Trà Mân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nhận được tin nhắn của học trò: “Cô ơi, em buồn quá, ngày mai em không muốn đi học nữa”. Tin nhắn đến từ số máy của một em học trò rất ngoan, xinh xắn, học giỏi khiến lòng cô nóng như lửa đốt. Vội vàng gọi điện lại trò chuyện với em. Giọng em khàn đặc, thổn thức, nói tiếng được, tiếng mất, có lẽ đã khóc nhiều. Cả đêm cô không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng. Sáng hôm sau, cô có mặt ở trường sớm. Em đã chờ cô trước cửa phòng với khuôn mặt phờ phạc. Vừa thấy cô, em bật khóc nức nở.

“Vào đây H., có chuyện gì nói cô nghe”.

“Các bạn tẩy chay em, không chơi với em”.

“Em có biết tại sao không?”.

“Em đi làm mẫu cho các cửa hàng quần áo thời trang, em chụp hình đăng lên facebook. Các bạn vào bình luận nói xấu, đồn đại đủ thứ về em hết. Cô ơi, sắp tới em sẽ không đi trại đâu”.

Sau khi lắng nghe tâm sự của H., cô Mân đã quyết định trong buổi sáng hôm ấy phải giải quyết dứt điểm chuyện này. Nếu để chậm trễ, H. sẽ rất dễ rơi vào trầm cảm, thậm chí, có thể có những hành động dại dột. Vậy là tranh thủ giờ chuyển tiết, cô đến từng lớp để nói chuyện.

“Tôi chủ yếu “đánh” vào tâm lý của các em. Rằng chúng ta chỉ còn bên nhau vài tháng nữa thôi là sẽ xa nhau, mỗi đứa một nơi ở ngôi trường mới. Tại sao chúng ta không dành thời gian ít ỏi còn lại ở bên nhau để cùng tạo ra những kỷ niệm đẹp mà lại có những lời nói, hành động làm bạn mình bị tổn thương? Bạn H. đi làm thêm ở các cửa hàng thời trang để phụ giúp trang trải cuộc sống với mẹ. Nhà bạn khó khăn chỉ có hai mẹ con. Các em không thương bạn mình sao?...”, cô Trà Mân kể.

Nhờ sự vào cuộc kịp thời của cô, những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” đã nhận ra lỗi của mình. Còn H., cô bé lớp phó văn thể mỹ của lớp đã lại tiếp tục vui tươi, tham gia sôi nổi các hoạt động văn nghệ của lớp.

Cách đây chưa lâu, trong đợt hội trại của một trường THPT trên địa bàn, chỉ vì bức xúc điểm số giữa lớp này lớp kia, không phục kết quả chấm điểm của thầy cô, hai học sinh nữ của hai lớp đã xô xát nhau ngay ở hành lang lớp học. Hình ảnh hai cô bé trong tà áo dài trắng “lao” vào chửi bới, cào cấu nhau thực sự gây phản cảm. Ngay khi nhận được tin báo, các thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường đã có mặt và mời các em lên làm việc, trình bày và giải quyết khúc mắc.

Nếu như là trước đây vài năm, hai em học sinh này hẳn sẽ bị viết kiểm điểm hoặc mời phụ huynh hoặc hạ hạnh kiểm, nhưng hiện tại, phương pháp giáo dục mới theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố là hướng học trò đến sự yêu thương. Đó là, nhà trường đã cử 2 cô giáo trong tổ tham vấn tâm lý đến trò chuyện, chia sẻ với hai em nữ sinh này. Sau buổi nói chuyện, các em không còn “xù lông nhím” lên nữa mà vui vẻ bắt tay nhau làm hòa.

Không thiếu chuyện bạo lực tinh thần

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, những trường hợp bạo lực xảy ra trong học đường đa phần do người ta không quản lý được cảm xúc của mình. Ông Vương dẫn ví dụ trường hợp gần đây, một cô giáo dạy tại trường THCS được đánh giá có chuyên môn tốt, đạo đức tốt nhiều năm liền.

Lớp cô chủ nhiệm luôn giữ vững danh hiệu học tập, kỷ luật, hoạt động tốt của nhà trường. Dù vậy, sau khi thi học kỳ, thường tâm lý học sinh muốn “xả hơi” nên buông lỏng học tập. Một số em không học bài nên bị ghi vào sổ đầu bài, kéo thành tích của lớp đi xuống. Chỉ trong một phút thiếu kiềm chế, cô đã dùng roi đánh vào mông học trò.

Thực tế, hành động của cô giáo xuất phát từ việc cô quá sốt ruột cho học trò. Cô không muốn các em thụt lùi… Nhưng cách làm của cô thì chưa đúng. Dù thế nào, “đánh” học trò là hành động phi giáo dục, là sai, không thể nào chối cãi được. Chỉ một phút không quản lý được cảm xúc đã khiến công sức bao năm đi dạy chuẩn mực của cô bị giảm sút ít nhiều.

Những trường hợp như vậy trong học đường không thiếu. Một cô giáo (xin được giấu tên) chia sẻ, trong thời đại hiện nay “bất cứ việc gì cũng đưa lên mạng xã hội”, “quyền hạn” của thầy cô bị thu hẹp nhiều, trong khi đó, “quyền hạn” của học sinh lại tăng lên.

Cô kể một sự việc mới xảy ra với đồng nghiệp mình. Rằng, một em học sinh trong lớp không phục cách chấm điểm của cô, em có lời lẽ rất khó nghe với cô giữa bao bạn bè chứng kiến. Cô giáo rất tức giận và “mắng” em ấy là: “Em quá vô lễ. Nếu không muốn nói là “mất dạy””. Em học trò đã đăng câu chuyện của mình lên mạng xã hội và dĩ nhiên, cô giáo nhận nhiều chỉ trích khi “mất dạy” là từ ngữ không thể được sử dụng trong học đường.

Thầy Phan Hữu Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho rằng, đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Mặc dù tỷ lệ phạm pháp, vi phạm nội quy của học sinh hiện nay là không cao, nhưng qua một số vụ việc bạo lực học đường trong thời gian vừa qua, nhà trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. 

Ngăn chặn thế nào?

Giáo dục là sự nghiệp “trăm năm trồng người”, tức là quá trình này lâu dài, khó khăn. Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì không chỉ ngành giáo dục “đơn thương độc mã” mà phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Biện pháp giáo dục, ngăn chặn, phối hợp cần phải phù hợp hơn nữa với diễn biến tình hình, nhất là trong việc nắm bắt tâm lý, tình cảm, hành vi của từng học sinh.

Trong đó, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề.

Cô Nguyễn Thị Trà Mân cho biết, nếu thầy cô chỉ ngồi trong phòng chờ học sinh đến nhờ “tham vấn tâm lý” thì sẽ không có học sinh nào tìm đến. Giáo viên phải là người tìm đến học trò. Vào đầu mỗi năm học, nhà trường sẽ lọc danh sách một số em học sinh chưa ngoan. Trên cơ sở đó, phân công các thầy cô (trong tổ tham vấn tâm lý) theo dõi, gần gũi với các em.

Đồng thời, nhà trường cũng lập một tổ “tham vấn tâm lý trên mạng”, lập tên của tất cả các thầy cô trong trường. Các em học sinh tin tưởng thầy cô nào chỉ cần “click” vào tên của thầy cô ấy. Những câu hỏi, chia sẻ… của các em đều được bảo mật. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường đó là do sự hạn chế trong việc nắm bắt tâm lý, diễn biến tình cảm học sinh của những người làm công tác giáo dục. Nghiêm trị khi sự việc đã xảy ra thì việc giáo dục không đạt được mục đích nữa rồi. Quan trọng là phải theo dõi, tiếp cận, nắm bắt để ngăn chặn, phòng ngừa…”, cô Trà Mân chia sẻ thêm.

Ý thức được tầm quan trọng của sự kết nối gia đình-nhà trường và xã hội, ngay từ đầu mỗi năm học, Trường THPT Hoàng Hoa Thám triển khai cho phụ huynh và học sinh ký giấy cam kết với nhà trường. Trong đó, yêu cầu học sinh thực hiện các nội quy về an toàn trường học, phòng tránh các vụ việc gây gổ đánh nhau, cấm sử dụng các loại vũ khí, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường…

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên gặp mặt ban cán sự lớp để lấy ý kiến về giáo viên, về lớp, về trường… Các thông tin này sẽ giúp nhà trường nắm bắt được tình hình dạy và học của các lớp và toàn trường; qua đó, có hướng giải quyết kịp thời và phù hợp.

“Ngoài ra, Ban giám hiệu phân công cho Đoàn Thanh niên đẩy mạnh phát triển các hoạt động ngoại khóa trong trường học. Tất cả các hoạt động tuyên truyền dưới cờ đều chuyển sang hình thức “sân khấu hóa” để tạo sự hứng thú cho học sinh. Những vở kịch này sẽ do chính học sinh chuẩn bị nội dung và diễn. Giờ ngoại khóa sẽ giúp các em thêm gắn kết, xây dựng tình bạn trong sáng nơi trường học”, thầy Phan Hữu Thịnh cho biết thêm.

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, hiện tại, tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn đều thành lập tổ tư vấn tâm lý tổ chức giáo dục kỹ năng sống, tiếp nhận các tâm tư, vướng mắc của học sinh để tư vấn; rà soát, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế...  để có thể học tập tốt như các bạn có điều kiện gia đình bình thường. Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng xây dựng nhiều chương trình nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

Năm học vừa qua, sở tổ chức cho các thầy cô đi tập huấn về tâm lý học đường tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các trường học trên địa bàn thành phố. “Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn chương trình “Kỹ năng quản lý cảm xúc người dạy” dành cho thầy cô. Qua các lớp tập huấn này, thầy cô sẽ tận dụng được “quyền hạn” của mình để có cách ứng xử chuẩn mực nơi học đường”, ông Hoàng Vương nói.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.