1. Mùa hè dối trá (tác giả Bernhard Schlink, 5-2019, NXB Hội Nhà văn) nói về những người Đức đương thời, dù sống nơi đâu, cũng hơi sầu muộn, bi quan, băn khoăn giữa việc che giấu quá khứ và phơi bày sự thật riêng tư. Phải chăng bóng mây đen bao trùm lịch sử Đức vẫn luôn như một mảng tối ngăn trở họ đi đến hạnh phúc vẹn toàn? Hay trong tâm can, Schlink, dù thế nào cũng không xóa nổi ẩn ức về mối nợ lớn của nước Đức trong Thế chiến II mà thế hệ ông vô can?
Bất luận thế nào, ông cũng chỉ là người nêu lên câu hỏi, để độc giả phải suy tư. Tất cả những nhân vật trong cuốn sách gồm 7 truyện ngắn tình yêu của Bernhard Schlink đều không trẻ nữa, đều vẫn khát khao và mang trong mình những bí mật… Những câu chuyện đều mang màu sắc sầu muộn nhưng sắc bén đến lạnh lùng.
2. Tên gọi Đồng Tháp Mười được dùng phổ biến có lẽ bắt đầu từ cuộc kháng chiến chín năm (1945-1954) chống Pháp của nhân dân Nam Bộ. Trong Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười (5-2019, NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh), tác giả Nguyễn Hữu Hiếu đã tập trung giới thiệu những nét đặc trưng nhất của vùng đất đặc biệt này. Khởi đầu từ mấy nét khái quát về điều kiện tự nhiên và tên gọi của vùng đất. Tiếp theo đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa, những nhân vật lịch sử gắn với những công lao to lớn trong việc đấu tranh bảo vệ và xây dựng vùng Đồng Tháp Mười như Nguyễn Tú, Trần Văn Năng, Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều…
Bên cạnh đó, tác giả cũng dành nhiều trang viết về đời sống vật chất với bức tranh sinh động của hoạt động khai thác lâm sản, quá trình canh tác, những món ăn truyền thống hay những sinh hoạt mang đậm nét văn hóa dân gian của người dân vùng Đồng Tháp Mười.
THẠCH LAM