Cây đa có tên lạ ở Hoài Phố

.

Ở Hội An có nhiều cây đa, song chỉ duy nhất có một cây đa cổ thụ mang cái tên rất lạ: cây da kèn. Tại sao vậy?  

Cây da kèn và bia tóm tắt lịch sử của cây. Ảnh: T.M
Cây da kèn và bia tóm tắt lịch sử của cây. Ảnh: T.M

Nói tới cây đa cổ thụ cành lá sum suê, quanh năm tỏa bóng râm mát tại đoạn gần cuối đường Trần Cao Vân, giáp với đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô, thì ai ở Hội An cũng biết và gọi đó là cây da kèn (da chứ không phải đa).

Đây là một trong số 9 cây đa nằm trong danh sách hơn 50 cây thuộc 11 loài cây lâu năm nhất của phố cổ. Vì vậy, khách phương xa không mấy khó khăn mỗi khi muốn tìm tới cây da kèn, song “cuộc đời” của da kèn vẫn còn nhiều bí ẩn, nhất là tuổi tác của nó luôn gợi sự tò mò, tìm kiếm vô cùng thú vị của không ít người.

Cho đến bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào cho biết cây da kèn ở Hội An mọc lên từ bao giờ. Người ta chỉ đồn đoán, ước lượng cây da kèn có khoảng vài ba trăm tuổi. Một số bậc lão niên cho biết qua lời kể lại của cha, ông của họ thì ngày xưa khu vực xung quanh cây da kèn là một rừng cây dại um tùm, rậm rạp, lác đác mới có một mái nhà thưa thớt, vắng vẻ, đìu hiu.

Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, chiếm đóng Hội An, vùng này mới được khai mở nhiều tuyến đường, các mái nhà lần lượt mọc lên, các ngõ phố hình thành… thì họ đã thấy cây đa sừng sững giữa trời rồi. Hồi ấy chưa có ai gọi cây da kèn mà chỉ gọi cây đa ấp Xuân Lâm hay cây đa đình Xuân Lâm, bởi cây đa mọc cách đình vài chục bước chân.

Những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xây dựng các đồn bốt và trại lính để cai trị nhân dân Hội An. Do có tán cành rộng che phủ cả một khu đất khá mát mẻ nên Pháp chọn gốc đa đình Xuân Lâm làm địa điểm luyện tập của đội quân nhạc kèn tây. Cứ mỗi ngày hai buổi sáng, chiều, đội lính kèn tây đều phải tập trung tại gốc đa để luyện tập các bài nhạc nhằm phục vụ cho các buổi lễ lạc, chào cờ, phong chức tước, duyệt binh… của quân đội Pháp. Đây là quân lính khố xanh trong các đồn, trại được trưng dụng nên mới có câu ca chỉ về số lính cầm kèn này: “Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nóng dấu vai mang súng dài”.

Do suốt ngày có nhiệm vụ tập tành, thổi tò te nên có người gọi đây là “lính tập kèn”. Đội kèn có quân số từ 12 đến 14 lính, tuổi tầm từ 30-50. Từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều hằng ngày, tiếng kèn tây cứ vút lên rộn rã, gây xáo động cả một vùng. Cái âm thanh ấy cứ lặp đi, lặp lại mỗi ngày và trở thành quen thuộc đối với nhiều người phố thị. Thế là cái tên “cây đa đình Xuân Lâm” cũng tự mất đi để có cái tên mới mẻ hơn là “cây da kèn” từ lúc nào chẳng ai hay.

Cũng có người truyền lại hơi khác đi đôi chút là thấy cây đa đình Xuân Lâm cao to, vững chãi và đứng trên các cành cây đa có thể quan sát toàn bộ khu vực nội thị Hội An nên thực dân Pháp đã dùng các thanh tre làm một cái chòi canh trên các cành cây đa, phân công lính thường xuyên túc trực trên vọng gác này để theo dõi những biến động của thị xã. Mỗi ca lính gác trên chòi canh đều được ký sổ khi bàn giao một chiếc kèn tây.

Ngoài việc canh gác mang yếu tố quân sự, phát hiện Việt Minh đột nhập, người lính gác còn có nhiệm vụ theo dõi thời gian để thổi kèn báo cho binh lính các đồn, trại thức dậy tập thể dục buổi sáng và đến giờ ngủ, nghỉ hàng đêm nên được gọi là cây da kèn.

Hiện tại cây da kèn cao hơn 20 mét, đường kính ngay tại vị trí thân cây cao 1,3 mét đo được hơn 4 mét, đêm ngày im lìm, phủ bóng mát rượi cho nhiều người phố Hội thân thương mỗi khi qua lại đoạn đường này. Đã nhiều năm rồi, dưới gốc da kèn xuất hiện gánh chè đậu đỏ của người phụ nữ tên Trúc.

Chỉ một chiếc dù vải bạt, nồi chè đậu đỏ nấu sẵn, 5-6 chiếc ghế nhựa loại nhỏ là cả cuộc mưu sinh của gia đình chị vì được dựa vào gốc cây da kèn và được cây chở che. Gánh chè của chị Trúc chỉ có một loại đậu đỏ, ấy thế mà giới trẻ xa gần mỗi khi rủ nhau đi thưởng thức món chè ngon nức tiếng đều bảo “chè cây da kèn” chứ có biết tên tuổi của chị đâu.

Hình ảnh cây da kèn luôn gắn bó, gần gũi với nhiều thế hệ của người dân Hội An, bởi nó là biểu tượng về ý chí, sự trường tồn, có sức chịu đựng bền bĩ ngoài gió sương, chỗ nương nấu về tinh thần giúp cho con người tiếp thêm sức mạnh vượt qua bao sấm sét, giông bão trong cuộc sống để vươn tới sự no đủ, yên bình.

Các câu ca dao: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” hoặc “cây thị có ma, cây đa có thần” mang đậm ý nghĩa bản sắc dân gian là như thế. Loài đa nói chung, cây da kèn nói riêng còn là nguồn động viên, an ủi của bao phận khốn cùng, nghèo khó từ thuở xa xưa: “Không tiền ngồi gốc cây đa/ Có tiền thì hãy lân la vào hàng”.

Ngày 12-11-2014, cây da kèn được UBND thành phố Hội An ban hành Quyết định số 2627/QĐ-UBND đưa vào danh mục cây cổ thụ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tháng 3-2015, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã gắn bia thông tin về lai lịch cây da kèn ngay bên gốc.

Trước mùa mưa bão mỗi năm, những cành lá lòa xòa của cây da kèn được cắt tỉa bớt để tránh sự ngã đổ. Bên cạnh việc gìn giữ cây da kèn nhằm bảo vệ giá trị cây xanh lâu đời đã đồng hành với phố cổ nhiều trăm năm qua, cây da kèn còn là chốn gửi gắm niềm tin về tâm linh của bao người.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.