Trong số 7 triệu người chết mỗi năm trên thế giới vì ô nhiễm môi trường thì châu Á chiếm tới 4 triệu người. Tăng trưởng kinh tế nhanh trong vài thập niên qua đã dẫn tới bầu không khí ở phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á ngày càng ô nhiễm nặng hơn. Dự kiến trong những năm tới, mức độ ô nhiễm không khí ở châu lục này sẽ tồi tệ hơn khi các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế châu Á sẽ lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Hiện nhu cầu sử dụng than vẫn rất lớn ở Đông Nam Á và Trung Quốc. |
Những dấu hiệu cải thiện
Mạng lưới thành phố thông minh Đông Nam Á thành lập hồi năm ngoái lên kế hoạch thực hiện thí điểm 26 thành phố giải quyết các thách thức xã hội và môi trường trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Chẳng hạn như tuyến phố trung tâm thương mại và du lịch dài 42km ở Chonburi, phía đông nam Bangkok (Thái Lan) hợp tác với thành phố Yokohama của Nhật Bản để phát triển mạng lưới điện sử dụng năng lượng tái tạo.
Dự án khí đốt tự nhiên Malampaya đã cung cấp khoảng 40% nhu cầu điện cho người dân đảo Luzon (Philippines) kể từ năm 2001 tới nay. Trung Quốc vốn tiêu thụ một nửa lượng than đá thế giới đã chuyển sang sử dụng khí đốt để sưởi ấm nên cải thiện đáng kể chất lượng không khí mùa đông lên tới 70% trong ba năm qua. Cũng có những dấu hiệu tích cực từ Ấn Độ khi nước này đang thực hiện quá trình loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than đá sang bằng khí đốt hóa lỏng vào năm 2024.
Năm 2018, lần đầu tiên lượng khí đốt hóa lỏng tại Ấn Độ đạt 50% và dự kiến năm nay sẽ tăng thêm từ 9 tới 11% do nhu cầu ở các khu công nghiệp. Quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới đang có 4 nhà ga khí hóa lỏng và lên kế hoạch sẽ hoàn thành 11 cái nữa trong 7 năm tới, trong đó 2 cái dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Các nước Đông Nam Á đánh thuế carbon
Mỗi năm các thành phố châu Á thu hút 44 triệu cư dân mới đi tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ xa xỉ mới, nhà mới, ô-tô mới… giúp cho cuộc sống tốt hơn nhưng lại không có được bầu không khí tốt hơn. Dự báo có khoảng 90 triệu người dân nông thôn sẽ di cư vào các thành phố ở Đông Nam Á vào năm 2030.
Chính vì thế, vấn đề năng lượng rất nhức nhối buộc các đô thị châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bổ sung khí đốt hóa lỏng, giảm phụ thuộc vào than. Khí đốt hóa lỏng chỉ tạo ra 1/10 lượng khí thải gây ô nhiễm không khí so với than. Tuy nhiên, than vẫn đang là nguồn nguyên liệu chủ lực của các nhà máy điện, ngành công nghiệp sản xuất xi-măng, thép, nhựa….
Hội nghị thượng đỉnh đổi mới vì biến đổi khí hậu do Ngân hàng Thế giới tổ chức ở Singapore tuần trước thu hút sự quan tâm của mọi người với đề nghị đánh thuế carbon ở Đông Nam Á. Cần phải đánh thuế vào yếu tố này thì mới thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, tức là hạn chế sử dụng than đồng thời khuyến khích phát triển đầu tư năng lượng tái tạo.
Singapore là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á áp dụng loại thuế này. Quốc đảo này bắt đầu mức thuế 5 đô-la Singapore cho một tấn khí thải trong giai đoạn đầu và sẽ tăng giá lên 10 đô-la/tấn vào năm 2023 và 15 đô-la/tấn vào năm 2030.
Naoki Torii, Giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng tại Viện Chiến lược môi trường toàn cầu ở Nhật Bản cho biết để giúp cho việc đánh thuế carbon hiệu quả hơn thì các chính phủ ở Đông Nam Á có thể dành một khoản thu thuế này cho các chương trình giảm phát thải, tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Cơ chế định giá carbon là một chiến lược hiệu quả có thể giúp các ngành công nghiệp tránh xa việc sản xuất nhiều khí thải theo hướng thay thế sạch hơn đồng thời thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Thực tế thời gian không còn nhiều với thế giới, nhất là Đông Nam Á. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới có nguồn phát thải khí nhà kính từ than lớn nhất thế giới. Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với bão lụt và hạn hán gay gắt.
Benedict Chia, Giám đốc các vấn đề chiến lược của ban thư ký biến đổi khí hậu Singapore nhận định rằng sự phát triển các chính sách giá carbon ở Đông Nam Á là rất quan trọng trong nỗ lực tránh tác động tồi tệ lên Trái đất. Lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2018 - năm mà các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng nhân loại còn 12 năm nữa để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.
ANH THƯ (Tổng hợp)