1. Hôm nay là buổi học đầu tiên của H.V (21 tuổi) tại Lớp học đặc biệt thuộc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng. Nắm tay ba thật chặt, H.V lén đưa mắt nhìn khắp nơi. Không gian lớp học với những bức tranh ngộ nghĩnh, đủ sắc màu khiến cô thích thú. V. giằng khỏi tay ba, nhảy chân sáo quanh lớp, hết ngắm nghía chỗ này đến tò mò chỗ kia. Lâu lâu, cô lại đưa mắt tìm ba, chạy lại bên ông, áp đôi bàn tay ông vào má của mình, thì thầm: “Thương ba nhất”. Ông Thu (62 tuổi, ba H.V) kể, V. mắc hội chứng down từ khi mới lọt lòng.
Lớp học đặc biệt nơi trẻ tự nhảy múa với nhau. Ảnh: Q.T |
Em chỉ nói được 2 - 3 từ một lần và từ được em nói nhiều nhất trong ngày là: “Thương ba”. Khi hỏi “Vậy V. thương ba hơn hay mẹ hơn?”, cô nghiêng đầu suy nghĩ một lúc, ra chiều đắn đo lắm, rồi thở hắt ra, ngọng nghịu nói: “Thương hai đứa luôn!”. Chạm nhẹ vào những vết vảy nến trên tay con, ông Thu xót xa: “Nó tình cảm lắm, nói gì cũng hiểu. Đôi khi nhìn con tôi như quên đi down không phải một căn bệnh. Nó thậm chí cũng không phải là một khuyết tật.
Nếu chỉ mắc down thôi thì V. sẽ còn học hỏi được nhiều hơn nữa. Căn bệnh tim quái ác và tiếp sau đó là bệnh vảy nến hành hạ đã khiến việc học, tiếp thu cái mới của em bị ngắt quãng. Nhiều lúc thấy con cắn răng chịu đau đớn để cầm bút viết chữ mà tôi thương đứt ruột”.
Từ nhỏ, H.V đã mơ ước trở thành người mẫu. Mỗi khi nghe nhạc là em nhún nhảy, lắc lư, xoay người theo điệu nhạc. Trong điện thoại của ông Thu lưu hàng chục clip em hát, múa, diễn người mẫu như vậy. 21 năm con có mặt trên cuộc đời này là 21 năm ông đồng hành với con như một người bạn. Để tiện chăm sóc con, mẹ em phải xin nghỉ hưu non. Mỗi đêm trước khi V. ngủ, mẹ đều dành ra một khoảng thời gian nhất định để kể chuyện cổ tích cho con nghe.
Ông Thu thì luôn sát cánh bên con trong việc học hành. Từ ngày ông nghỉ hưu, lịch sinh hoạt quen thuộc của hai cha con mỗi ngày là cùng đi ăn sáng, cà-phê rồi về nhà cùng con xem những chương trình con yêu thích. Nghe ba nhắc đến ti-vi, đứng bên cạnh, H.V hớn hở nói: “Thích Hoài Linh”, “Chí Tài”, “Nhạc Bolero”…
Tình yêu thương và công phu dạy dỗ của ông đã giúp cho H.V có thể tự phục vụ bản thân, hiểu biết những vấn đề cơ bản trong cuộc sống. V. bắt đầu bước đi từ lúc 3 tuổi, bây giờ em có thể hiểu được những gì mọi người nói, có thể hiểu những gì đang diễn ra trên ti-vi. Em thậm chí còn biết đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng Anh.
Ông Thu tâm sự: “Trong suốt khoảng thời gian vừa phải đi làm vừa chăm con bệnh tật, không tránh khỏi những lúc gia đình rơi vào mệt mỏi, bế tắc. Nhưng nụ cười hồn nhiên, trong sáng của H.V lại vực dậy tinh thần của gia đình. Hội chứng down theo đúng nghĩa đen là một trong những điều tuyệt vời nhất diễn ra trong đời tôi. Con vui vẻ, thông minh, gây ngạc nhiên, tử tế, đáng yêu. Những người mắc hội chứng down là những người thầy tuyệt vời. H.V đã gắn kết cả gia đình với nhau, dạy cho chúng tôi biết thế nào là tình yêu thương”.
2. Lớp học sáng hôm ấy đón thêm một em học sinh đặc biệt: T.U 9 tuổi. U. bị bại não từ khi mới sinh. 5 tuổi mới chỉ biết lết, 6 tuổi bập bẹ nói và phải đến 7 tuổi mới đi những bước tập tễnh đầu tiên. Phụ huynh của em cũng thật đặc biệt. Không phải cha mẹ mà là ông bà nội (hơn 70 tuổi) - những người đã nuôi nấng và chăm sóc cho em từ khi lọt lòng đến nay.
Ông Quang, ông nội em bảo, ông không thể nào quên ngày đón đứa cháu nội bé bỏng về nhà, đứa bé mắt lồi, con ngươi chạy qua chạy lại không ngừng, đầu mềm như trái chuối chín. Đứa bé èo uột khóc suốt ngày đêm không ngừng.
Tưởng chừng cuộc sống của U. sẽ xám xịt đến hết cuộc đời, nhưng người ông đã luôn nuôi dưỡng niềm tin, rằng chỉ cần không ngừng nỗ lực, sự kiên trì, phép màu sẽ đến. Thương cháu, hai ông bà già bồng cháu đi chạy chữa khắp nơi. Cứ nghe ai nói ở đâu có thầy hay thuốc tốt là họ lại đưa cháu đến trị bệnh. Và, phép màu đã đến thật khi có thầy thuốc Đông y ở ngoài Hà Nội nhận chữa cho cháu. Chỉ trong phút chốc đắn đo, ông bà quyết định khăn gói ra Hà Nội thuê nhà ở. Hành trình dặm dài đến 3 năm ròng.
“Hai ông bà già ra đất Bắc “lạ nước lạ cái” với hành trang vỏn vẹn mấy đồng lương hưu ít ỏi. Chúng tôi dặn nhau “ăn mắm mút giòi” cũng được, miễn sao cháu có thể đi được, đứng được, tự xúc ăn, tự vệ sinh được là chúng tôi mãn nguyện rồi”, ông Quang nói. Nói đến đây trên gương mặt phúc hậu của ông thoáng vẻ lo âu, bởi ở tuổi gần đất xa trời không thể theo cạnh cháu suốt đời được.
Để U. có thể hòa đồng và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, nước mắt của ông bà nội đã chảy hàng trăm lần. Bà nội nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cháu qua những bữa ăn bổ sung nhiều rau củ quả, những thực phẩm có lợi cho sự phát triển của não bộ. Ông bỏ hết mọi công việc, ngày đêm miệt mài đọc sách báo, tạp chí về căn bệnh của cháu. Dù tuổi đã lớn, trí nhớ không còn tốt nhưng ngày ngày ông vẫn lên mạng tìm tòi học thêm nhiều phương pháp dạy cháu. Nghe ở đâu có hội thảo về chăm sóc trẻ khuyết tật là ông tìm đến. Nghe ông bà kể lại lịch chăm sóc, sinh hoạt hằng ngày của U., không ai không ngưỡng mộ.
V. rất quấn quýt với ba Thu và thường nói: “Thương ba”. Ảnh:Q.T |
Từ 8 giờ sáng, ông bà chở U. đến Bệnh viện Đà Nẵng tập vật lý trị liệu, đến 10 giờ lại vòng ngược qua Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng tập luyện. Xen kẽ giữa lịch tập luyện là lịch học tại Trường Chuyên biệt Tương Lai.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu trong cuộc sống của mình là giúp cháu nội độc lập, để bạn bè con và các thành viên trong gia đình không coi con như một gánh nặng trong tương lai. Con bắt đầu đi từ lúc 7 tuổi, bây giờ con có thể hiểu được những hướng dẫn của chúng tôi và những gì mọi người nói, có thể hiểu những gì đang diễn ra trên ti-vi. Con nói còn khó nghe nhưng đã có thể diễn đạt để mọi người hiểu. Đây là kỳ tích với một đứa trẻ mà tưởng chừng cuộc đời đã đi vào ngõ cụt. Gia đình mừng lắm”, ông chia sẻ.
3. Lớp học đặc biệt tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng mở được 3 năm nay. Ở đó, không có phấn trắng bảng đen, chẳng thấy tiếng cô giáo dịu dàng giảng bài, chỉ có tiếng nhạc thiếu nhi vui nhộn và khoảng 5-7 trẻ mắc hội chứng down, chậm phát triển trí tuệ cùng nhảy múa với nhau. Cô giáo đứng gần đó thi thoảng vỗ tay theo điệu nhạc, phát âm to tiếng hơn bình thường để các em nghe và tập trung theo. Sau bài tập vận động, các em lại ngồi xếp thành vòng tròn cùng làm những chiếc vòng đeo tay xinh xắn, xé giấy dán tranh, làm thiệp, làm hoa giấy…
Nhìn các em say mê dán dán, vẽ vẽ, thi thoảng liếc nhìn sản phẩm của nhau rồi cùng phá lên cười, phụ huynh ở ngoài cũng rơm rớm nước mắt. Đến trưa, các bạn lại tập trung tại căn bếp của Trung tâm cùng nhau lặt rau, nấu cơm, nấu đồ ăn. Bà Bay (bà nội của U.) xúc động: “Có đứa cháu gái, tôi cũng từng mong nó bu sau lưng mình phụ lặt rau, rửa chén. Nhưng hồi cháu đau tới giờ, cả nhà nào mong chuyện đó. Chỉ mong cháu đi đứng được, vệ sinh được. Vậy mà từ khi theo lớp học này, cháu hoạt bát, dạn dĩ hơn hẳn. Về nhà còn đòi xuống bếp với bà nội. Tôi mừng rơi nước mắt”.
Cô Phạm Thị Thanh Tuyền, giáo viên tại trung tâm, chia sẻ: “Giáo viên tại trung tâm không chỉ cần kiến thức và kinh nghiệm mà còn cần có tình yêu trẻ sâu sắc. Dạy các em tuy vất vả hơn nhưng chính các em cũng là những người giúp cho giáo viên kiên nhẫn hơn. Các em khuyết tật nhận thức kém hơn so với các em nhỏ bình thường nên người dạy cần bình tĩnh, không nóng vội. Giáo viên phải vừa là người chị, vừa là bạn để dần đưa các em thoát khỏi mặc cảm, giúp các em tự tin chia sẻ, sống cởi mở và hòa nhập. Em rất mong đến thứ bảy để gặp lại các bạn. Nhìn thấy các bạn có thể tự phục vụ được bản thân, hiểu biết hơn mỗi ngày, em rất hạnh phúc”.
Hải Âu