1. Tôi đặc biệt thích những ngày thứ bảy trong tuần, chỉ đơn giản đó là ngày mấy đứa em gái tôi thường í ới gọi điện, hẹn hò dẫn bọn nhỏ về quê chơi và thăm ông bà ngoại. Ba mẹ tôi già rồi, không đi đâu xa ngoài khu vườn nhỏ lúp xúp mấy cây ăn trái như mãng cầu, bưởi, xoài… và một bờ rào hoa mướp vàng rực trong nắng hạ. Cứ mỗi sáng thứ bảy, mẹ ngồi trước cửa nói bâng quơ với con mèo tam thể đang nằm khoanh tròn trên ghế: Không biết bữa ni mấy đứa nhỏ có về không? Còn ba thì đi ra đi vô ra vẻ trông ngóng lắm!
Trong mắt cha mẹ, con cái dù đã chạm ngõ 50, 60 tuổi nhưng các bậc phụ huynh luôn phải lo lắng. Mấy bận em gái bận công tác, hơn tháng không về quê, thế là mẹ ngày nào cũng ngồi đợi chẳng dám đi đâu. Ngộ nhỡ con gái về không gặp. Riết một hồi, bực quá, tôi cáu lên: Nó đã 50 tuổi rồi, bé dại chi nữa mà mẹ phải chăm bẵm… Chỉ có vậy thôi mà mẹ tủi thân ngồi khóc rồi tưởng tượng ra bao nhiêu là chuyện rủi ro đổ ập lên đầu con mình.
Sáng nào cũng vậy, mẹ dậy sớm tưới cây và quét hoa rụng cả khoảng sân gạch. Tiếng chổi tàu cau loẹt xoẹt quanh vườn như một giai điệu mộc mạc đượm hồn quê. Trong vườn có quả mãng cầu, ổi, xoài nào chín mẹ đều hái để dành cho ngày thứ bảy con cháu về ăn. Gà đẻ được quả trứng nào đều gom cho đủ chục, bỏ bao để dành cho mỗi nhà một bịch. Nên mỗi lần về quê ra, mấy chị em đều tay xách, nách mang đủ thứ. Từ mớ rau dền, vài ba quả mướp hương, đến chục trứng gà, túm gạo nếp mới… Cứ như mang hết cả quê nhà ra thành phố vậy.
2. Mấy năm gần đây, các cháu nội, ngoại đã lớn. Có đứa đi làm, lập gia đình hay chí ít nhất cũng học THPT hay sinh viên đại học. Cuộc sống quá bận rộn nên chúng ít theo cha mẹ về quê. Mà có về đi nữa cũng chỉ thoáng qua như cơn gió. Không có thời gian tỉ tê chuyện trò cùng ngoại như trước. Những món quà quê ngày nào đã không còn hấp dẫn bọn trẻ nữa. Đã quá quen với táo Mỹ, lê Úc, ổi Thái… nên những quả mãng cầu, xoài, bưởi ở vườn ngoại trong mắt chúng trở nên quê mùa tội nghiệp.
Cuộc sống ở thành phố với những phương tiện hiện đại, với những đua chen một cách thực tế đã làm cho những đứa trẻ quên rằng: Những thứ quê mùa kia là do chính tay ngoại trồng, ngoại hái, không dám ăn mà chắt chiu dành cho các cháu. Dẫu mãng cầu có nhiều hạt, xoài có chua, ổi có chát đi chăng nữa cũng là tất cả yêu thương của người bà tảo tần một đời chỉ biết cho đi mà không hề mong nhận lại…
3. Nhận được điện thoại từ đứa học trò cũ, thấy lòng bất an ghê gớm. Em ấy bảo, vì bố mẹ không đồng ý cuộc hôn nhân của mình nên em giận và lâu lắm rồi không về nhà. Bây giờ cuộc sống của em chỉ gói gọn với chồng và đứa con nhỏ. Tôi tự hỏi: Em có hạnh phúc không khi mỗi sáng thức dậy không biết giờ này bố mẹ mình đang làm gì, khỏe mạnh hay ốm đau vì nhớ con, nhớ cháu. Em có chạnh lòng không khi thứ bảy, chủ nhật người ta về nhà ăn cùng bố mẹ một bữa cơm, được mẹ nấu cho nồi bồ kết gội đầu hay mắng mỏ vài câu như hồi bé dại.
Cuộc sống vốn bộn bề trăm chiều nhưng mỗi chúng ta chỉ có một gia đình để học cách yêu thương. Theo chuyên gia tâm lý Gary Chapman, yêu thương có đến 5 ngôn ngữ - hay nói cách khác là 5 cách thể hiện hoặc đón nhận tình yêu và mỗi người sẽ có từ 2 đến 3 ngôn ngữ yêu thương nổi trội. Khi được yêu thương bằng ngôn ngữ của chính mình, người đó mới cảm nhận tình yêu trọn vẹn.
Đôi khi con người ta chỉ cần một lời đơn giản như “Ba rất thương con” hay “Con thương mẹ nhiều lắm”. Hãy nhớ rằng, một cái ôm, một nụ hôn… có thể gửi hàng ngàn tín hiệu yêu thương xoa dịu một bộ não căng thẳng, một trái tim mệt nhoài vì cuộc sống. Việc dành nhiều thời gian cho nhau cũng là cách thể hiện yêu thương đặc biệt cho người thân. Một ngày cuối tuần dành cho con cái. Những dịp lễ, Tết, giỗ chạp về quê thăm bố mẹ, họ hàng. Được ăn một bữa cơm mẹ nấu, được cùng bố trút lá mai già, chuẩn bị bàn thờ cúng giao thừa là đã cảm thấy đầy yêu thương, hạnh phúc.
Mấy hôm nay, cả nước vừa bước qua kỳ thi THPT quốc gia. Dù trời nóng kinh hồn, nhưng trước mỗi cổng trường thi, vẫn thấy các bậc cha mẹ đội nắng ngồi chờ, nét mặt đầy hồi hộp, lo lắng. Bỗng dưng lại nhớ đến câu chuyện của đứa học trò cũ. Rút điện thoại, tôi gọi liền cho em một cuộc: Về nhà đi em…
Như Hạnh