Một thời… thuốc lá Cẩm Lệ

.

Thuốc lá Cẩm Lệ từng nức tiếng một thời. Ông ngoại tôi ngày xưa từng hút thuốc điếu vấn, ai tặng cho vài lá thuốc là nhắc mãi. Lá thuốc có màu nâu đen, mùi thơm, sờ vào sẽ thấy rin rít, thường được cuộn chặt thành những khoanh tròn, dùng dao thật bén xắt ra thành từng sợi thật mỏng và khi vấn để hút, từng sợi thuốc mỏng manh ấy quyện vào nhau sẽ góp phần tăng thêm hương thơm đậm đà.

Bà Lệ Hằng đã từng trồng cây thuốc lá và làm nghề thuốc lá thủ công lâu năm, nay cũng bỏ nghề vì thu nhập từ trồng thuốc lá quá thấp. Ảnh: M.L
Bà Lệ Hằng đã từng trồng cây thuốc lá và làm nghề thuốc lá thủ công lâu năm, nay cũng bỏ nghề vì thu nhập từ trồng thuốc lá quá thấp. Ảnh: M.L

Ngày xưa đất Gò Mô, Cẩm Lệ nổi tiếng trồng thuốc lá ngon (nay nằm trong sân bay Đà Nẵng). Nhưng về sau này, không còn ai trồng nữa, chỉ còn vài nơi lẻ tẻ trồng ở ven xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, xa hơn thì tận Thanh Quýt - Quảng Nam hoặc ở Trường Xuân - Tam Kỳ. Dù được trồng ở nhiều nơi khác nhau, nhưng khi thu hoạch lại mang về Cẩm Lệ chế biến nên vẫn lấy tên là thuốc rê Cẩm Lệ.

“Thuốc ngon nửa điếu”

Khi thu hoạch lá thuốc về, người ta trải một lớp mỏng lên cái liếp tre và dùng chân giẫm lên cho nhựa trong lá thuốc tứa hết ra, rồi kết dính lại với nhau thành từng liếp và đem phơi khô. Khi đã phơi khô xong, lá thuốc được xắt thành sợi. Các cụ ngày xưa rất thích loại thuốc này. Có nhiều cách hút thuốc lá.

Cách thứ nhất là xé từng mảnh lá thuốc ra với kích cỡ 2-3 ngón tay, rồi vấn lại thành điếu to như ngón tay cái rồi châm lửa hút. Lá thuốc cháy đượm, lại được quấn chặt nên rất lâu tàn. Hoặc bên ngoài là một lá thuốc, bên trong là những sợi thuốc xắt nhỏ được vấn chặt. Hút được hơn nửa điếu, nhiều cụ có thói quen để dành lại phần thuốc đó bằng cách dán lên thành ghế, vách tường, cột nhà hoặc trên đầu giường. Mỗi khi hết thuốc lá, mà thèm thì lại vách tường gỡ ra hai ba miếng vấn lại với nhau, vừa hút vừa gật gù, cười tủm tỉm: “Nhất gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu”.

Còn có cách hút khác, đó là người ta dùng loại thuốc rê đã được xắt mỏng, mịn và có màu nâu đen, khi cầm trên tay sẽ thấy rin rít. Người ta thường dùng giấy quyến - loại giấy mỏng hơn giấy lịch, có màu trắng, vấn lại thành một điếu thuốc hoàn chỉnh có đầu to đầu nhỏ, đầu nhỏ dùng để ngậm ở miệng và châm lửa ở đầu to.

Khi không có giấy quyến thì dùng giấy lịch, nhưng giấy lịch khi đốt sẽ nhanh cháy và có mùi khét, mất đi vị thơm của thuốc. Nếu để nguyên lá và vấn với ít thuốc rê, khi hút có mùi thơm đặc trưng hơn là quấn với giấy quyến. Ông ngoại tôi thường đem lá thuốc vấn với ít thuốc rê và không quên cho thêm một ít râu bắp đã phơi khô, ông nói như vậy sẽ dễ hút, vị thơm nhạt nhạt của râu bắp hòa quyện với vị thơm nồng của thuốc lá tạo ra hương vị hài hòa, dễ chịu, khiến cho người hút nhớ mãi không thôi.

Thuốc rê Cẩm Lệ không chỉ dùng để hút, các bà cụ ngày xưa khi ăn trầu thường dùng một ít thuốc rê để chà răng. Thói quen này được gọi nôm na là xỉa thuốc. Lấy một ít thuốc rê vo lại thành một nhúm thuốc nhỏ và ngậm bằng môi trên ở một phía của miệng để xỉa thường xuyên trong lúc nhai trầu, đến khi nhả bỏ bã trầu thì sẽ bỏ luôn nhúm thuốc xỉa này. Hoặc khi bị đứt tay, té trầy da tươm máu ra, người ta lấy ít thuốc rê đắp lên máu sẽ cầm.

Chỉ còn trong ký ức

Dọc theo Quốc lộ 1A về thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, đứng trên chiếc cầu nhỏ nhìn về khu ruộng trồng cây thuốc lá rộng mênh mông trước kia, giờ đây chỉ còn là bãi đất cát trống trải, cái nắng vàng ươm của buổi chiều trải dài trên bãi đất cát trông có vẻ khô khan, thiếu sức sống.

Tại thôn Nam Sơn, trước đây có hơn 20 hộ dân làm nghề trồng cây thuốc lá và chế biến tại nhà. Nhưng bây giờ, chỉ còn 2-3 nhà vẫn kiên trì trồng thuốc lá. Chẳng mấy ai còn mặn mà với loài cây này vì thị trường thuốc lá thủ công bị thu hẹp so với trước đây, một phần do thương lái ép giá, nông dân trồng không đủ bù công chăm sóc.

Bà Đinh Thị Lệ Hằng, tổ 2 Nam Sơn, xã Hòa Tiến, một trong những hộ dân từng làm nghề trồng và chế biến thuốc lá thủ công bảo: “Nghề ni độc lắm, ngày mô cũng bơm thuốc diệt sâu bọ hết. Nên rày họ nghỉ hết rồi, nhà cô cũng vừa nghỉ năm ngoái. Lái buôn họ ép giá lắm, trước đây là 100.000 đồng/kg thuốc nguyên lá phơi khô, bây giờ họ trả 50.000 đồng/kg cũng phải bán. Hồi xưa khổ lắm dân mới làm thôi”.

Người dân ở khu vực này hầu hết đã bỏ nghề làm thuốc lá thủ công, ruộng trồng thuốc lá bị bỏ trống vì đất cát mùa nắng nóng rất khô không trồng trọt được, phải đợi đến mùa mưa, từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2 năm sau, đất cát ẩm mới trồng được những loại cây lương thực ngắn ngày như đậu phộng, khoai lang, sắn…

Ông Phạm Xình, ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ kể rằng, ngày xưa trong túi ông lúc nào cũng có một bị đựng thuốc rê Cẩm Lệ và vài lá thuốc phơi khô, khi thèm đem ra vấn lại hút. “Mùi thuốc nồng nhưng đã, hút mặn mà lắm. Hồi xưa còn làm ruộng, trưa về chân tay còn lấm bùn nhưng cứ châm điếu thuốc hút trước đã, cơm nước tính sau”, ông cười hà hà, dường như đang nhớ lại mùi hương nồng đượm của thuốc lá Cẩm Lệ ngày trước.

Tuy ngồi vấn thuốc hút tốn khá nhiều thời gian, nhưng đó cũng là thói quen tao nhã, niềm vui của người xưa, là khoảng thời gian để họ thả lỏng cơ thể, nghỉ ngơi sau khi làm việc đồng áng mệt nhọc. Là thú vui khi vào mỗi buổi chiều trước giờ cơm, những cụ ông và chú bác vừa vấn thuốc hút vừa nói những câu chuyện phiếm rồi bật cười rộn rã.

Cẩm Lệ giờ đây hầu như không còn nơi nào bán thuốc lá Cẩm Lệ nữa. Giới trẻ ở đây khi được hỏi về thuốc lá Cẩm Lệ đều nhầm tưởng là hỏi đến nhà máy thuốc lá Cẩm Lệ, hỏi về cái tên thuốc rê Cẩm Lệ thì họ lắc đầu xa lạ, chưa từng nghe qua bao giờ. Thuốc lá Cẩm Lệ còn chăng là trong ký ức của những người già mà thôi.

Mai Lệ

;
;
.
.
.
.
.