Người 'giải cứu' chợ Hà Thân

.

Chợ Hà Thân (còn gọi là chợ Bà Thân) nay tọa lạc trên đường Triệu Việt Vương, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Chợ vốn nằm gần bến đò Hà Thân, là nơi tụ họp chợ chung cho dân cư các xã hữu ngạn sông Hàn từ nửa đầu thế kỷ XIX. Vào thời đó, Chợ họp chưa bao lâu thì bị Chánh xã An Hải quấy rối, tranh chấp làm cho chợ phải tan.

Lăng mộ (ảnh trái) và tượng Thoại Ngọc Hầu trong khuôn viên đền thờ mang tên ông ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: V.T.L
Lăng mộ (ảnh trái) và tượng Thoại Ngọc Hầu trong khuôn viên đền thờ mang tên ông ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: V.T.L

Tờ trát “giải cứu” chợ

Chợ đóng tại xã An Hải nhưng là do dân 7 xã gồm: Mỹ Khê, Hóa Khê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An và An Hải đồng lòng mở ra.

Mùa đông năm 1826, có hai người của xã An Hải là Lê Văn Trực và Trần Văn Chiêu lặn lội từ Quảng Nam vào Châu Đốc trình bày sự vụ với một vị quan lớn (vốn là người của xã An Hải) và nhờ can thiệp. Tháng 4 năm sau, nhân chuyến về làng, vị quan lớn ấy đã gửi trát cho bảy xã có liên quan, yêu cầu mỗi xã cử một chức dịch tháp tùng ông đến trước chợ Hà Thân để xem xét, cùng nhau bàn định cho ổn thỏa. Nhờ đó mà chợ Hà Thân tồn tại gần 200 năm qua.

Tờ trát bằng chữ Hán ấy được dịch nghĩa như sau:

“Chức Khâm sai Thống chế án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên gồm quản biên vụ trấn Hà

Tiên, gia cấp nhất, kỷ lục lần thứ tư…

Nay gửi trát cho biết.

Mùa đông năm ngoái, trong xã có cho hai người: Lê Văn Trực, Trần Văn Chiêu, đến hầu tại đồn, trình rằng: Tứ cận của xã này là Mỹ Khê, Hóa Khê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An và An Hải gồm chung thành địa phận bảy xã, đều đồng lòng muốn họp chợ tại xã An Hải vừa rộng đường tài chánh, vừa thắt chặt nghĩa thân lân. Vì thế, từ hai năm trước xã đã họp chợ dần thành lệ. Nhưng sau, Chánh xã An Hải gây rối, dẫn đến tranh chấp, làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về xã thuật lại đều đủ đầu đuôi.

Vì như nay tất cả bảy xã đều đồng tình như vậy, thì mỗi xã phái một mục dịch tháp tùng bổn chức, thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ, rồi cho thi hành.

Nên biết thật rõ trát này.

Nay trát.

Các dịch mục, hương lão và xã trưởng An Hải phải hiểu rõ và làm theo.

Năm Minh Mạng thứ tám (1827), tháng 4, ngày 20”

Tờ trát “giải cứu” chợ Hà Thân được phát hiện khá tình cờ như là hữu duyên. Trong bài Chuyện Đà Nẵng chưa ai kể đăng trên cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975)” (NXB Nam Việt, San Jose, CA, 2007), nhà nghiên cứu Võ Văn Dật (bút danh Võ Hương An) cho hay: Khoảng năm 1974, trong một dịp tình cờ, ông được quen biết với hai bậc kỳ lão làng An Hải là cụ Nguyễn Văn Trách và cụ Võ Trọng Khai (tự Bút). Trong một lần đàm luận, cụ Bút đã giới thiệu với ông Dật tờ trát cứu chợ Hà Thân của “quan lớn Bảo hộ gửi cho làng, rồi làng giao cho ông tôi giữ”.

Ông Dật mang tờ trát này về cho cụ Nguyễn Văn Luận là người thâm Nho và cũng là chỗ quen biết, nhờ đọc và giải nghĩa giúp. Sau đó, ông Dật gặp lại cụ Bút trả lại tờ trát và kể lại sự tích về vị “quan lớn Bảo hộ”. 

Vị “quan lớn Bảo hộ” là ai?

Đó chính là vị danh tướng đa tài triều Nguyễn - Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829). Ông người làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Thoại Ngọc Hầu là nhân vật để lại nhiều dấu ấn lớn trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Ông là bậc “công thần Vọng Các”, từng theo phò Nguyễn Ánh từ những ngày còn bôn tẩu khắp nơi, giúp khôi phục Gia Định, lấy đất Nghệ An; từng trấn thủ và giữ yên vùng đất biên cương phía Bắc trong những năm đầu khi vua Gia Long mới làm chủ Bắc Hà.

Đặc biệt, ông 3 lần được triều đình giao giữ chức Bảo hộ Cao Miên (1813-1816, 1819, 1823-1829) xứng đáng với lời khen của vua Minh Mạng: “Nói lên một cách rộng rãi cái uy đức của triều đình, củng cố được biên cảnh”. Sinh thời, Thoại Ngọc Hầu là một nhà ngoại giao tài ba, chẳng những trong quan hệ với Cao Miên, Vạn Tượng, Xiêm La mà còn tham gia vào nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng giữa hai nước Việt - Trung giai đoạn 1802-1810.

Thoại Ngọc Hầu cũng là một nhà kinh tế lớn có tầm nhìn xa, trông rộng, góp công rất lớn trong sự nghiệp đào kênh Vĩnh Tế (mang tên vợ ông), kênh Thoại Hà (mang tên ông); chiêu dân lập ấp, biến Châu Đốc từ một vùng đất “cỏ hoang bát ngát” thành nơi dân cư tụ họp đông đúc “ruộng vườn bao quanh chân núi, hơi lam tuôn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót hương tỏa mây lồng, thật không kém gì phong cảnh trung châu”.

Huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã lập đền thờ Thoại Ngọc Hầu và vào ngày mùng 10-3 (âm lịch) hằng năm tại đây, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội rất lớn, là dịp để báo công những thành quả đã đạt được trong quá trình lao động sản xuất trên mảnh đất gắn liền với bước chân khai hoang, mở cõi của Thoại Ngọc Hầu.

Trên bước đường công vụ của mình, Thoại Ngọc Hầu nhiều lần quay về nơi chôn nhau cắt rốn để cùng các họ tộc chăm lo đời sống người dân quê hương. Không chỉ “giải cứu” chợ Hà Thân, ông còn có công tôn tạo chùa An Phước, đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền... Tương truyền, đình An Hải được xây dựng từ rất sớm, trước thời kỳ Nhà Nguyễn (1802).

Trải qua thời gian, ngôi đình đã xuống cấp. Trước khi mất 2 năm, Thoại Ngọc Hầu đã có chuyến về thăm quê hương An Hải. Thể theo mong muốn của dân làng, ông đã họp hương chức trong làng để bàn việc xây dựng, tôn tạo lại các cơ sở tín ngưỡng, trong đó có ngôi đình làng. Bia kỷ công của làng An Hải được lập vào năm Quý Sửu (1853) ghi rõ: “Nguyễn Văn Thoại đã phụng cúng cho làng, chùa, đình các miếu thờ: ngói, gạch, nhà kho các hạng, cùng cho bạc nhà binh 10 nén”.

Trân trọng ghi nhớ công đức của người con lỗi lạc của quê hương, đền Thoại Ngọc Hầu đã được xây dựng. Ông còn được tôn vinh là hậu hiền của làng An Hải.

Vân Trình

;
;
.
.
.
.
.