* Một số từ, tiếng địa phương đang được sử dụng rộng rãi, nhưng tra trong từ điển thì không thấy. Xin cho hỏi, các từ này có được cập nhật vào từ điển không? (Hoàng Văn Hà, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Phương ngữ (hay phương ngôn) là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội, thường là phân chia theo lãnh thổ. Các từ, tiếng địa phương nằm trong trường hợp này.
Phương ngữ Quảng Nam có nhiều từ còn nằm trong từ điển phương ngữ mà chưa đi vào từ điển phổ thông. Ví dụ một số từ trích theo cuốn “Từ điển Phương ngữ Quảng Nam” (PGS.TS. Phạm Văn Hảo chủ biên, do Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam kết hợp với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam xuất bản năm 2017):
Đĩ miệng: nói năng đưa đẩy, lấy lòng, khoác lác, không thực lòng; Hưa: thành thói quen (đi chơi hưa chân); Sượng trân: sượng, chưa chín - nghĩa bóng: trơ trẽn; Thả thất: phối giống;…
Ở Việt Nam, phương ngữ được tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu và đưa vào từ điển phương ngữ như Từ điển Phương ngữ Quảng Nam là không hiếm (phía bắc đèo Hải Vân có Từ điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức).
Trong phương ngữ, cũng nên cẩn trọng với cách nói cái sai, nói không chuẩn của một số người làm “méo mó” ngôn ngữ.
Gần đây, không ít người nói chệch từ tham quan (động từ, nghĩa là đi xem tận nơi, tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm; khác với danh từ, nghĩa là quan lại tham nhũng) thành thăm quan. Cách nói này sẽ khó có “giấy thông hành” để được vào từ điển.
GS.TS Nguyễn Đức Dân trong bài Để lâu câu sai hóa… đúng đăng trên báo Sài Gòn tiếp thị ngày 18-10-2010 đã dẫn lời nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thụy Sĩ Charles Bally rằng: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này, theo tác giả, có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai!
Tác giả ví dụ: cách nói “chiếc đồng hồ mới cứng” hiện nay được coi là đúng. Ấy thế nhưng cách đây 40 năm nó bị coi là sai, vì lúc đó “mới cứng” chỉ dùng cho tiền giấy bạc mới in, còn cứng. Một ví dụ khác: cách nói “Hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn” hiện nay được coi là bình thường. Trước đây, đó là cách nói sai. Vì hỗ là lẫn nhau, là từ hai phía, hỗ trợ là sự giúp đỡ nhau từ hai phía. Lẽ ra phải nói “trợ giúp/giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn”.
Ngay từ đầu những cách nói sai mới cứng, hỗ trợ không bị phê phán, uốn nắn nên dần dần được nhiều người dùng, kết cục thành cách nói được xã hội chấp nhận.
Một ví dụ khác, cũng theo tác giả, câu dư để lâu cũng thành đúng. Từ Hán – Việt, thụ là cây. Thế nên cách nói “Ông là một cây đại thụ trong giới sử học” là dư, nhưng cách nói này hiện nay được coi là đúng. Và đúng tới mức không thể bỏ từ cây. Còn câu “Ông là một đại thụ trong giới sử học” lại bị coi là không bình thường (!). Từ Hán – Việt nông dân là “người lao động sống bằng nghề làm ruộng” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Vậy thì “người nông dân” cũng là dư. Những cách nói dư này đã trở thành bình thường đến nỗi đã đi vào cả thơ văn. Trong bài Viếng bạn, Hoàng Lộc viết: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”.
Tác giả khẳng định: “Những từ ngữ sai nào dễ được chấp nhận? Đó là những từ ngữ sai có điểm tựa là “cơ sở lôgic về nghĩa”, là “từ nguyên dân gian” có vẻ hợp lý”.
Theo chúng tôi, thời hội nhập phát sinh một số từ rất hiện đại, như “cận đát”. Đây là một từ gồm 2 yếu tố Hán Việt (cận: gần) và Pháp (đát: phiên âm từ date, có nghĩa là ngày tháng), có nghĩa là gần hết hạn sử dụng. “Cận đát” không hẳn là một phương ngữ mà được dùng rộng rãi trong xã hội. Các nhà làm từ điển sẽ cập nhật những từ hiện đại như thế để kịp đưa từ điển song hành cùng đời sống văn hóa con người.
ĐNCT