Nhiều ý kiến cho rằng, dù có mở hàng trăm lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, nhưng nếu ba mẹ - người mà trẻ tin tưởng, kề cận ngày đêm - vẫn kiệm lời, ít thủ thỉ, ít chia sẻ và hướng dẫn con trẻ cách nhận biết những mối nguy hại và tự bảo vệ mình, thì công tác tuyên truyền vẫn chưa hiệu quả.
Sự gần gũi của thầy cô, bạn bè sẽ giúp trẻ có một môi trường sống lành mạnh, giàu yêu thương. (Ảnh chụp tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh) Ảnh: T.Y |
Khơi gợi ý thức tự bảo vệ mình
“Ai bảo vệ con khi con gặp người xấu?”, “Ba mẹ”, “Thế lỡ ba mẹ không có bên cạnh con lúc đó thì sao?”, “Con có số của ba mẹ, con sẽ nhờ ai đó gọi giúp”, “Nếu ba mẹ không nghe điện thoại, hoặc không thể đến kịp, thì con làm thế nào?”, “Con sẽ bỏ chạy rồi kêu to”… Cô con gái 8 tuổi của tôi đã trả lời những câu hỏi trên một cách háo hức và đầy tự tin rằng mình - sẽ - thoát - khỏi - người xấu bằng cách cắn, cào cấu, bỏ chạy và hoặc nhờ ai đó gọi điện cho ba mẹ đến đón.
Dù không bao giờ mong muốn tình huống xấu xảy đến với con mình, tuy nhiên, tôi luôn đặt ra những câu hỏi để xem cách trả lời (cũng có thể là cách ứng xử mà con sẽ thực hiện) và cố gắng hướng dẫn con cách thoát khỏi tình huống theo bản năng của một đứa trẻ. Không phải riêng tôi, mà còn khá nhiều bà mẹ chưa thật sự biết cách bảo vệ con mình trước những mối nguy về nạn xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bảo vệ đôi mắt, tâm hồn và cả những rủi ro về sức khỏe cho con.
Gần một tháng nay, trên mạng xã hội lan truyền bộ ảnh “Những đôi mắt đang chết dần” của nhiếp ảnh gia Phạm Minh Hòa (Kevin Phạm). Bộ ảnh lột tả cảnh những đứa trẻ “dán mắt” vào điện thoại trên bàn ăn, trong nhà vệ sinh, giường ngủ, đi chơi ngoài công viên…
Và xuyên suốt những hình ảnh là các câu nói quen thuộc của chúng ta với con trẻ: “Ăn cơm đi con rồi mẹ cho chơi điện thoại”; “Bố đang làm việc, con tự chơi đi nhé”, “Bố mẹ đi làm về muộn, con phải tự chơi một mình”… Qua bộ ảnh này, tác giả muốn nhắn nhủ rằng, chính điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính là thủ phạm khiến những đôi mắt sáng của trẻ em trở nên… tối dần.
Chị Nguyễn Thị Minh Hương, phường Thạch Thang, quận Hải Châu sau khi chia sẻ bộ ảnh về “tường facebook” nhà mình đã viết: “Tôi thật sự hoảng sợ khi nhìn vào bộ ảnh này. Đằng sau những đứa trẻ (nhân vật chính trong bức ảnh - PV) là hình ảnh của vợ chồng tôi và nhiều gia đình tôi quen biết. Chuyện “thẩy” cho con chiếc điện thoại để “mặc cả” con ăn ngoan hoặc im lặng không mè nheo, quấy khóc trở thành việc làm khá thường xuyên. Ở góc độ nào đó, nó sẽ giết chết tâm hồn, đôi mắt cũng như quyền được chơi đùa, được chia sẻ, yêu thương của trẻ”.
Tốt nghiệp khoa Tâm lý giáo dục, cô giáo Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho biết trẻ cần được quan tâm, chăm sóc, coi trọng cảm xúc và được người lớn uốn nắn qua cách xử lý các tình huống diễn ra hằng ngày. Qua những lớp dạy kỹ năng miễn phí cho trẻ, xoay quanh các chủ đề như giới tính, phòng chống đuối nước, bạo lực học đường, xâm hại tình dục…, cô giáo Thùy Loan đúc kết: “Chúng tôi thường lựa chọn những chủ đề mang tính thời sự và gợi mở cách xử lý tình huống cho trẻ. Tuy nhiên, mỗi tình huống có cách ứng phó khác nhau, tránh sự áp đặt dễ tạo khoảng cách với trẻ. Ngoài ra, muốn trẻ chơi cùng và sẵn sàng chia sẻ, trò chuyện, khi nói chuyện với trẻ người lớn cần sử dụng ngôn ngữ thường ngày của trẻ và xem chúng như những người bạn. Điều quan trọng hơn cả là phụ huynh cần khơi gợi ý thức tự bảo vệ bản thân ở mỗi đứa trẻ”.
Cùng hành động vì trẻ em
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội, giúp con trẻ có thêm cơ hội được bảo vệ, vui chơi và nuôi dưỡng cảm xúc của mình. Trong đó, việc nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân trước nạn xâm hại tình dục là điều vô cùng quan trọng, bởi đây được xem là nỗi ám ảnh khó quên trong cuộc đời mỗi con người nếu chẳng may gặp phải.
Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố dẫn lại một báo cáo của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) cho biết trên thế giới cứ 10 bé gái thì có 1 bé bị cưỡng bức hoặc xâm hại tình dục. Trong khi đó, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy mỗi năm ở Việt Nam có cả ngàn trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ bị hiếp dâm chiếm 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và nhiều vụ xâm hại, nạn nhân còn bị giết để bịt đầu mối.
Những hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể kể đến như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục; bắt trẻ đứng ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh (khiêu dâm); cho trẻ xem sách báo khiêu dâm; hôn hít, ôm, sờ mó vào ngực hay bộ phận sinh dục của trẻ; giao cấu với trẻ em; toan tính quan hệ tình dục…
Vài năm trở lại đây, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã tích cực phối hợp với UNICEF tuyên truyền dự án “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ”. Trong đó nêu rõ những khái niệm, thuật ngữ về xâm hại tình dục, những hành vi, đối tượng và đặc biệt là tác hại của xâm hại tình dục đối với trẻ em. “Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý.
Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài kể cả về mặt thể chất và tinh thần, không chỉ vào thời điểm xâm hại diễn ra mà có thể tiếp tục gây tổn thương nạn nhân trong suốt quãng đường đời còn lại. Điều này đặc biệt đúng đối với những trẻ không thể kể về sự xâm hại này hoặc không nhận được một sự giúp đỡ, hỗ trợ hay trị liệu nào”, bà Tám chia sẻ.
Từ năm 2017, Sở LĐ-TB&XH triển khai kế hoạch xây dựng “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” với mục đích giúp cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ nhận biết, loại bỏ các mối hiểm họa trong ngôi nhà và xung quanh nhà có thể gây tai nạn, thương tích cho trẻ.
Thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền tại cơ sở, ông Nguyễn Văn Tú, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cho biết một ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em phải đạt 23/33 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc như xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn; những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn; khu bếp có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình gas; không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm… Phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 30% ngôi nhà đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”.
Một buổi sinh hoạt ngoài trời của học sinh về vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em tại quận Cẩm Lệ. Ảnh: T.Y |
Thời gian qua, hàng trăm buổi tập huấn về các nguyên tắc “tự bảo vệ”, “nguyên tắc đồ lót”, “kêu thật to và chạy thật nhanh”, “nguyên tắc năm ngón tay”… đã được các cấp hội, nhà trường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho phụ huynh cũng như đội ngũ cộng tác viên. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều gia đình, nhiều bà mẹ vẫn còn mù mờ trong công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ.
Hành trình nuôi dưỡng con cái, với họ, chỉ đơn giản là lo cho con đủ cái ăn, cái mặc, đi học, tham gia các lớp năng khiếu theo sở thích của con, mà quên mất rằng luôn có những mối nguy hại khác đang rình rập con trẻ mỗi ngày. Trong một lần trò chuyện, chị Nguyễn Thị Thu H. (quận Thanh Khê) đã khóc trước mặt tôi khi nói rằng, chỉ vì một phút bất cẩn, mà chị đã để cậu con trai 4 tuổi ngã vào nồi nước sôi, phỏng cấp độ 3, diện tích phỏng hơn 40% cơ thể.
Chị bảo: “Khó mà quên được tôi đã cảm thấy day dứt, ân hận như thế nào trong những ngày ngược xuôi chăm sóc con trong bệnh viện. Cái mệt của tôi làm sao sánh được những cơn đau mà con phải chịu đựng trong mỗi lần dùng thuốc, sát trùng. Cứ nhìn vào thân hình nhỏ nhắn, đáng yêu của con chi chít sẹo, tim tôi như có ngàn mũi dao đâm, hối hận vô cùng”.
Có lẽ, những đứa trẻ chỉ có thể biết tự bảo vệ mình khi chúng đã lớn. Còn những em bé đang tuổi ăn, tuổi chơi, thì việc bảo vệ trước hết phải đến từ những người gần gũi với các con như ba mẹ, ông bà, thầy cô, kể cả những con người xa lạ nhưng giàu lòng trắc ẩn và yêu thương.
Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chọn chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” làm nội dung hoạt động xuyên suốt của các cấp Hội. Theo đó, Hội tiếp tục xây dựng và duy trì 722 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 82 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; 56 mô hình, 107 nhóm, tổ dịch vụ gia đình; 36 mô hình nhóm “Cha, mẹ nuôi dạy con tốt”, “Mẹ và con gái”, “Kiến thức mẹ, sức khỏe con”; 48 CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới”; 16 CLB “Cha mẹ học sinh phòng chống bạo lực gia đình”, “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” và 232 tổ phòng chống bạo lực, tổ phản ứng nhanh, tổ hòa giải; tổ chức 40 điểm truyền thông “Kiến thức chăm sóc trẻ từ 0-36 tháng tuổi và kỹ năng giám sát các nhóm trẻ độc lập tư thục” cho gần 1.550 ông bố, bà mẹ và người nuôi dạy trẻ tham dự. |
Tiểu Yến