An ninh du lịch cho bán đảo Sơn Trà

.

Bán đảo Sơn Trà có một vẻ đẹp kỳ bí, hoang sơ, được xem là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng và cũng là nơi cư trú của loài voọc chà vá chân nâu. Thế nhưng, việc người dân và du khách tự do lên xuống Sơn Trà đang làm ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng như nguy cơ mất an ninh, an toàn cho du khách. 

Một góc bán đảo Sơn Trà. Ảnh: V.L
Một góc bán đảo Sơn Trà. Ảnh: V.L

Chúng tôi lên bán đảo Sơn Trà vào một ngày trung tuần tháng 8-2019. Nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng vẫn đang rình rập từng ngày. Anh Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, chỉ trong hai tháng 6 và 7-2019, bán đảo Sơn Trà đã xảy ra 3 vụ cháy.

May mà những điểm cháy gần đường giao thông, cháy trên đất dự án đã quy hoạch và chỉ cháy cỏ, dây leo bìm bìm, nên lực lượng chữa cháy đã kịp thời phối hợp dập tắt. Nếu lửa cháy lan vào rừng đặc dụng thì hậu quả khôn lường.  

Theo lời anh Trần Thắng, từ trụ sở của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn, khi tuần tra đi vòng theo đường nhựa đã mở quanh bán đảo Sơn Trà phải hơn 40 cây số. Nếu đi sâu vào rừng thì sáng đi chiều mới quay ra.

Được giao quản lý một bán đảo diện tích rộng lớn như thế, nhưng hạt chỉ có 9 người. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, trong khi người dân lên xuống tự do trên bán đảo Sơn Trà nên khó có thể ngăn chặn triệt để những vụ xâm hại rừng.

“Có rất nhiều người đi phượt ban đêm lên núi Sơn Trà, xe máy phân khối lớn chạy từng đoàn. Khi lên núi, các “phượt thủ” còn tổ chức nấu nướng, nhậu nhẹt trên đất không có rừng (đất dự án) nên Kiểm lâm, Công an, Biên phòng… tuần tra phát hiện cũng chỉ nhắc nhở họ chú ý không được để lửa cháy lan, không xả rác bừa bãi, chứ không thể cấm đoán”, anh Thắng nói.

Nhìn vẻ mặt khắc khổ, với mái tóc đã bạc trắng của anh, tôi cũng hiểu được phần nào lo lắng của một người được giao chức vụ chỉ huy lực lượng quản lý, trông coi khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà trong giai đoạn mà mỗi ngày có hàng trăm người, chủ yếu là khách du lịch, được ra vào bán đảo Sơn Trà tùy thích.

Anh Trần Thắng chia sẻ: “Ngay cả du khách đi xe máy lên chơi núi Sơn Trà bị hư xe họ cũng gọi đến để xin cứu hộ. Họ thấy số điện thoại công khai trên các bảng cắm tuyên truyền cấm lửa, gọi thì mình phải giúp đỡ. Mà họ gọi thì mình phải điều phương tiện đi cứu hộ...”.

Anh Thắng nói tiếp rằng, việc nhiều người đi xe máy và cả những phượt thủ chạy mô-tô phân khối lớn trên những cung đường có độ dốc lớn bao quanh bán đảo Sơn Trà dễ gây tai nạn giao thông. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trừ những vụ va chạm, xây xát nhẹ, đã có 14 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có 4 người chết.

Trước khi lên bán đảo Sơn Trà, chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với anh Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Anh Hải cho hay, đối với bán đảo Sơn Trà, rừng là do Kiểm lâm quản lý, đơn vị của anh được giao trách nhiệm theo dõi các dự án đã quy hoạch về du lịch tại đây, như điểm Vọng Cảnh, đỉnh Bàn Cờ, Cây đa nghìn năm…

Tại các điểm này, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ mát, nhà vệ sinh, lối đi… trị giá hàng trăm triệu đồng để khách du lịch được dùng miễn phí. Trong khi đó, đơn vị của anh Hải chỉ làm công tác tuyên truyền cho du khách giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi.

Anh Phan Minh Hải cũng bày tỏ lo ngại về việc các nhóm thanh niên ban đêm lên núi Sơn Trà dựng trại ở lại tụ tập nấu nướng, vui chơi, ngắm cảnh, lực lượng liên ngành khó thể ngăn chặn, vì không có chế tài xử lý. Cũng vì thế, có không ít khách du lịch nước ngoài tự do lội vào rừng Sơn Trà rồi đi lạc, lực lượng chức năng phải tổ chức tìm kiếm, mất nhiều công sức mới đưa họ ra khỏi rừng an toàn.

Cần có một quy chế nghiêm ngặt bảo vệ Sơn Trà    

Luật Lâm nghiệp quy định có 3 loại rừng, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhưng ở bán đảo Sơn Trà, lại có một loại rừng rất đặc biệt, gọi là rừng nằm trên đất khác. Loại rừng này chiếm đến 1.258ha, là đất đã giao cho các doanh nghiệp làm cơ sở lưu trú.

Cũng vì thế, toàn bán đảo Sơn Trà diện tích có rừng là 3.778ha, trừ đi diện tích rừng nằm trên đất khác thì rừng đặc dụng chỉ còn 2.520ha. Trên bán đảo Sơn Trà, có một loài linh trưởng quý hiếm trong sách đỏ là  voọc chà vá chân nâu sinh sống. Bất giác tôi rùng mình khi chợt nghĩ, nếu không có lực lượng chức năng kịp thời dập lửa, đám cháy lan vào rừng đặc dụng thì số phận đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm ở nơi này sẽ ra sao?

Bãi xe máy của khách du lịch trên đỉnh Sơn Trà. Ảnh: V.L
Bãi xe máy của khách du lịch trên đỉnh Sơn Trà. Ảnh: V.L

Nhiều người đồn đại rằng, than đốt từ cây rừng Sơn Trà dùng xông hơ cho sản phụ sau khi sinh nở sẽ trừ được tà ma. Vì mê tín dị đoan nên có không ít người tìm mua than củi lấy từ núi Sơn Trà. Có cung ắt có cầu, một số người vì lợi nhuận đã lên rừng Sơn Trà đào hầm đốt củi lấy than đem đi bán.

Lực lượng Kiểm lâm tuần tra phá hủy nhiều hầm đốt than, rồi phải mò mẫm sưu tầm tài liệu phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Sơn Trà tuyên truyền để người dân hiểu rõ không vì mê tín mù quáng mà lên núi đốt than gây nguy cơ cháy rừng.

Lực lượng Kiểm lâm đã mỏng, còn tổ “cắm chốt” du lịch trên bán đảo Sơn Trà, theo lời anh Phan Minh Hải cũng chỉ 10 người, nhưng làm việc theo giờ hành chính. Trong khi đó, du khách chưa bị quản lý khi lên xuống bán đảo, nên khó thể ngăn chặn triệt để những vụ xâm hại rừng, săn bắt động vật hoang dã.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, qua tuần tra, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện tháo và phá hủy 405 bẫy thú rừng bằng dây cáp, dây phanh xe đạp; 15 bẫy rào (bẫy chuồng). Số bẫy thú rừng thu được hầu hết là bẫy chồn, nhím, sóc… Đáng lo ngại là tình trạng du khách tự ý cho khỉ và voọc thức ăn.

Ở bán đảo Sơn Trà hiện nay không chỉ có voọc chà vá chân nâu mà còn có rất nhiều khỉ. Khỉ tự do sinh sôi, phát triển khá đông. Chúng kéo nhau xuống tận các khu nghỉ dưỡng ở bán đảo này, và dù đã khuyến cáo nhưng khách du lịch vẫn cho chúng thức ăn.

Việc làm đó nhiều người cho là nhân văn, song nó tạo cho những con khỉ tính thụ động, không tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên mà chúng chỉ chờ du khách cho. Và, khi không có đồ ăn, bọn khỉ theo bản năng tấn công du khách để giật thức ăn, phá phách các khu nghỉ dưỡng. Đã có không ít trường hợp du khách bị khỉ cắn, cào cấu gây thương tích.

Nhìn từ góc độ an ninh du lịch, với những gì đã và đang diễn ra, rõ ràng bán đảo Sơn Trà đang đối mặt nhiều nguy cơ. Và điều đó càng thúc bách, đòi hỏi chính quyền Đà Nẵng cần xây dựng ngay quy chế nghiêm ngặt để bảo vệ Sơn Trà, giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm nơi đây, nhất là loài voọc chà vá chân nâu.

Mà để giảm thiểu tác động đến bán đảo Sơn Trà, cũng cần xây dựng các trạm canh ở đầu các tuyến đường lên núi để kiểm tra, kiểm soát lượng người ra vào. Khách du lịch muốn vào Sơn Trà ngắm vẻ đẹp hoang sơ của bán đảo, tham quan các điểm du lịch phải được bố trí đi theo tour và có hướng dẫn.

Đã có không ít cuộc hội nghị, hội thảo để phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà, nhưng vẫn chưa có một giải pháp khả thi để bảo vệ Sơn Trà cùng những tài nguyên quý hiếm của nó. Vậy thử làm được một số giải pháp như đã nêu trên, ắt cũng đã bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo nguồn thu nhập để tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà.

Văn Long
 

;
;
.
.
.
.
.