Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tác động đến các doanh nghiệp ở Đông Nam Á tạm thời tăng lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Dự báo hàng dệt may từ Indonesia sẽ xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn. |
Xuất khẩu sang Mỹ tăng
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tác động đáng kể tới lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á. Ngược lại, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang tăng. Trước hết phải nói rằng các doanh nghiệp Đông Nam Á cần phải tránh việc nhập hàng Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ để hưởng mức thuế thấp. Suy nghĩ đó đã bị Mỹ “bóc tách” rất nhiều và tăng mức thuế lên trên 300%.
Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc kể từ 15-12 thay vì 1-9 như trước đây, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia là Ade Sudrajat thăm Washington. Ông Ade nhận định Indonesia sẽ gia tăng xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ và sẽ nhập khẩu bông từ Mỹ nhiều hơn. Người đứng đầu Văn phòng chính sách và chiến lược ở Bộ Thương mại Thái Lan là Pimchanok Vonkorcards cho biết xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ là Morgan Stanley đánh giá tác động của thuế quan Mỹ với các nền kinh tế ở châu Á. Theo đó, Việt Nam và Indonesia có những lợi ích đáng kể trong phân khúc xuất khẩu phi công nghệ sang Mỹ. Các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines được bảo vệ tốt hơn so với các nền kinh tế liên kết với Trung Quốc chặt chẽ hơn như Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan.
Thực tế, các quốc gia Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ kể từ mùa hè năm ngoái sau khi Washington áp 3 lần thuế cho sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Xuất khẩu Việt Nam tăng 27,4% so với một năm trước. Thái Lan tăng 17,4%. Singapore tăng 4,8%...
Suy giảm xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc cần ít nguyên liệu và phụ tùng từ Đông Nam Á hơn trước. Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2019. Có nguy cơ các công ty Trung Quốc sẽ đẩy lượng sản phẩm dự kiến xuất khẩu Mỹ sang thị trường Đông Nam Á khiến đảo lộn sự cân bằng cung – cầu ở khu vực này.
Làn sóng doanh nghiệp nước ngoài chuyển sang Đông Nam Á
Mỹ đánh thêm 10% thuế với 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc kể từ giữa tháng 12 tới có nguồn cơn từ việc không giữ lời hứa mua nông sản Mỹ. Hai năm trước, tức là trước khi hai nước tăng thuế lẫn nhau lên tổng cộng 360 tỷ USD cho cả hai chiều, một nửa trong tổng số 70 triệu tấn đậu nành, bột và dầu mỗi năm của Mỹ xuất qua Trung Quốc. Bây giờ, số lượng xuất khẩu đó chỉ còn lại 10 triệu tấn nên Mỹ tìm kiếm thị trường mới mà Đông Nam Á là cánh cửa mới mở ra để xả lượng hàng tồn lên tới 27 triệu tấn ở Mỹ.
Jim Sutter là giám đốc điều hành của Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) hy vọng Đông Nam Á sẽ giải quyết được khoảng 50% lượng hàng giảm nhập của Trung Quốc. Ông Sutter nhận định rằng dân số khu vực này đang tăng lên và tầng lớp trung lưu cũng nhiều hơn. Công ty tư vấn quản lý Bain & Company cho biết tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á dự kiến khoảng 350 triệu người vào năm 2022 cùng 300 triệu USD thu nhập khả dụng để chi tiêu là tiềm năng lớn để xuất khẩu đậu nành sang khu vực này.
Việc Mỹ gia tăng áp thuế lên hàng xuất khẩu Trung Quốc dẫn tới làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á làm ăn để tránh thuế. Tính tới tháng 7-2019 đã có hơn 50 công ty rời Trung Quốc. Các nhà sản xuất máy tính cá nhân HP và Dell chuyển 30% sản lượng máy tính của họ ở Trung Quốc sang Đông Nam Á. Khảo sát hồi tháng 5 vừa qua cho biết có tới 40% công ty Mỹ chuyển một số nguồn cung cấp ra khỏi Trung Quốc. Công ty sản xuất máy trò chơi video của Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Từ trước khi Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, Mỹ nhìn nhận Trung Quốc là thị trường sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ cho họ từ giày thể thao Nike tới đồ chơi Happy Meal. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang với mức thuế 10% cho thêm 300 tỷ USD bắt đầu từ tháng 12-2019 sẽ nhanh chóng đẩy lên 25% trong thời gian ngắn sau đó làm cho tình hình thay đổi lớn. Nhiều công ty nước ngoài, nhất là Mỹ tính chuyện rời Trung Quốc. Khoảng 50% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thực chất là hàng xuất khẩu của các công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với người Mỹ.
Không chỉ các công ty nước ngoài tính toán sự thiệt hơn trong việc rời Trung Quốc mà một số công ty Trung Quốc cũng rời khỏi nước mình để tránh thuế Mỹ. Công ty điện tử đa quốc gia Trung Quốc TCL đang chuyển sản xuất ti-vi sang Việt Nam, trong khi nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc sailun Tyre đang chuyển dây chuyền sản xuất sang Thái Lan.
ANH THƯ (Tổng hợp)