Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng tăng lên 1.490.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1-1-2019 tăng từ 160.000-200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên với mức tăng có phần hạn chế này, khá nhiều người lao động cho biết họ không nhận ra sự thay đổi về thu nhập, cũng như việc tăng lương thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu chi tiêu, mua sắm hằng ngày…
“Thắt lưng buộc bụng”
Có mặt tại chợ Thanh Vinh, nằm ở đường số 4 Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, dù đã tối muộn nhưng đây lại là thời điểm khu chợ này đông đúc kẻ mua, người bán, chủ yếu là công nhân tan ca, tranh thủ vào chợ mua thực phẩm về làm bữa cơm chiều.
Cầm bó rau muống và bịch cá nục, anh Nguyễn Văn Vinh (27 tuổi, quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) làm công việc bốc xếp tại Công ty Tân Á cho hay mức lương hiện tại của anh hơn 6 triệu đồng nhưng luôn trong tình trạng “đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng móp meo”.
Nói xong, anh chỉ vào bịch thức ăn trên tay, tiếp: “Bữa ni mới giữa tháng mà trong ví chỉ còn hơn triệu đồng nên đi chợ cũng phải dè xẻn. Có dám mua chi nhiều đâu, bó rau về luộc lấy nước làm canh, chấm với nước cá nục kho, vậy cũng ngon rồi. Mấy hôm rồi đau, đi khám, uống thuốc cả triệu bạc, xót lắm nhưng tình thế vậy thì chịu thôi”.
Ngồi trước rổ tôm đất còn tươi, một nữ công nhân lựa vài con bỏ lên bàn cân nhưng khi người bán hô “30 ngàn!” thì mặt chị nhăn lại, miệng líu ríu: “Mấy một lạng mà đắt thế cô”. “Tôm sông, 20 ngàn một lạng”. “Thôi con không mua nữa đâu, bán cho con lạng này đi”. Nói đoạn, chị chỉ tay vào rổ tôm bạc nuôi, loại nhỏ, không còn tươi được người bán hô giá 8.000 đồng/lạng.
Chị Nguyễn Thị Một, bán hoa quả tại chợ Thanh Vinh cho biết khu chợ này đông từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối. Bán cho công nhân nên mặt hàng của chị cũng chỉ ổi, cóc, xoài, chôm chôm, táo xanh với giá chừng 15.000-20.000 đồng/kg.
“Bán giá đó mà còn bị trả lên trả xuống chứ bán mấy loại cây trái khác thì chắc ế luôn. Nhiều khi mình bán cực mà thấy mấy đứa công nhân cũng tội, mua trái cây có khi chọn trái héo, loại 2 để được giá rẻ hơn. Ai ở đâu giàu thì tôi không biết, chứ mấy đứa nhỏ đi chợ này tụi nó tằn tiện thấy thương lắm”, bà Một chia sẻ.
Thống kê chưa đầy đủ từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện có trên 65.000 công nhân sống và làm việc tại 6 khu công nghiệp ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh, với mức thu nhập trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/tháng (tính luôn tiền phụ cấp). Sống xa nhà, mọi chi phí, sinh hoạt như tiền thuê trọ, điện, nước, xăng xe, card điện thoại, ăn uống… đều phải dựa vào khoản thu nhập này khiến đời sống của họ khá chật vật.
Dù kết quả khảo sát này không đi sâu phân tích cuộc sống, chi tiêu trung bình/tháng cho nhu cầu tối thiểu của công nhân, tuy nhiên nó cũng phần nào chỉ ra được, với mức thu nhập này, công nhân rất khó có nguồn tiền dư giả để dự phòng cho những tình huống bất trắc trong cuộc sống.
Không chỉ công nhân mới có đời sống chật vật, nhiều cặp vợ chồng công chức cũng lao đao với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, cán bộ chuyên trách tại một phường trên địa bàn thành phố cho biết:
“Ở thành phố, mọi chi phí đều dựa vào đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng. Nhà có 2 đứa con nhỏ phải đi gửi trẻ, đi học mỗi tháng đóng cho trường gần 5 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền sữa, thực phẩm cho con…
Lâu rồi nhà tôi không dám tiêu pha tiền mua đồ chơi cho con, hạn chế đi siêu thị, trái cây cũng chỉ mua hàng chợ, cũng sợ bẩn, không bảo đảm chất lượng nhưng không còn cách nào khác”.
Cũng theo chị Hương, từ ngày có đứa thứ 2, chị bỏ luôn thói quen “nuôi heo đất”, mọi khoản tiết kiệm trước đây đều bị rút dần đều, đến giờ thì làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. “Lương vợ chồng mình tháng chỉ tầm 10 triệu đồng, sau giờ làm việc chồng mình còn làm người giao hàng cho các cửa hàng ăn uống, kiếm thêm mỗi tháng 3 triệu đồng nữa nhưng chẳng đâu vào đâu.
Đừng nói chỉ có công nhân mới khổ, công chức trẻ như vợ chồng mình cũng khổ không kém. Thấy thông báo lương tăng nhưng cộng dồn thì cũng chỉ tăng vài trăm ngàn thôi, không bỏ bèn gì cả”, chị chia sẻ.
Nỗ lực cải thiện đời sống từ lương
Trong vòng 15 năm, mức lương cơ sở được Chính phủ điều chỉnh tăng 13 lần nhằm giúp công chức, viên chức, người lao động giải quyết bảo đảm ổn định chi tiêu trong cuộc sống. Cụ thể, năm 2004, mức lương cơ sở 290.000 đồng/tháng thì từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở tăng lên 1.490.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở là mức lương áp dụng riêng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, được ngân sách Nhà nước chi trả.
Nhiều ý kiến cho rằng, với mức tăng như hiện nay, thì một cán bộ, công chức, viên chức đi làm 10 năm, cũng chỉ nhận được mức thu nhập (sau khi trừ các khoản bảo hiểm và một số nghĩa vụ liên quan) tương đương chưa tới 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức thu nhập không cao, nếu không muốn nói là khá thấp so với khoảng thời gian họ cống hiến trong ngành, nghề, lĩnh vực mình phụ trách.
Ở lĩnh vực doanh nghiệp (DN), mức thu nhập cho công nhân được áp dụng theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở DN từ ngày 1-1-2019 như sau: vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức trước khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng. Đây là các mức thấp nhất làm cơ sở để DN và người lao động tự thỏa thuận và trả lương, bảo đảm các điều kiện như không thấp hơn mức tối thiểu vùng đối với những người làm công việc đơn giản nhất và cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng đối với người đã qua đào tạo ngành, nghề theo quy định.
Bên cạnh đó, cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về cải cách chính sách tiền lương, quy định lộ trình tăng lương từ nay đến 2030 cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Tuy nhiên, các mục tiêu về lộ trình tăng lương đến năm 2030 tại Nghị quyết số 107/NQ-CP vẫn chưa đưa ra những con số cụ thể, hoặc chưa lý giải rõ ràng mức thu nhập như thế nào sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Có thể nói, đời sống khó khăn khiến không ít công nhân, công chức trẻ không mặn mà với công việc trong các cơ quan, DN. Điều này thể hiện qua con số lao động có xu hướng giảm trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số sử dụng lao động của DN công nghiệp từ đầu năm đến nay giảm 14,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lao động khu vực DN Nhà nước giảm 4,07%; lao động DN ngoài Nhà nước giảm 8,24%; DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 27,04%.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, giải quyết tình trạng thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, trong tháng 7-2019, thành phố đã tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, thu hút 501 lượt DN với 18.806 lượt lao động có nhu cầu tuyển dụng, chắp nối giới thiệu 1.496 lao động có việc làm.
Những năm gần đây, trước mức chi tiêu trung bình của người dân ngày một tăng, LĐLĐ thành phố cũng thường xuyên đổi mới hoạt động, quan tâm đến đời sống văn hóa, giải trí, nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động như xây dựng mái ấm công đoàn; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khám sức khỏe, đám cưới tập thể; phối hợp tổ chức điểm bán hàng giá ưu đãi luân phiên tại các khu công nghiệp.
Ông Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố cho biết sau một năm triển khai, đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp (DN) cung cấp hàng hóa bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã và đặc biệt có giá ưu đãi (giảm ít nhất 5% so với giá trên thị trường) hỗ trợ công nhân.
Đối với doanh nghiệp cũng có nhiều động thái tích cực để góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Chủ tịch Dinco Group cho biết, mức lương của công nhân, người lao động hiện nay không có con số chung, nó phụ thuộc vào từng ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau.
Đối với mỗi DN, việc tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo tăng chi phí đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, do đó DN cần phải có sự tính toán hợp lý để vừa bảo đảm lợi ích cho DN, vừa bảo đảm lợi ích lao động.
Việc điều chỉnh tăng lương phải đi kèm với những chính sách khác của công ty, tránh tăng nguồn này nhưng lại “bóp” nguồn khác dẫn đến thu nhập của người lao động không thật sự tăng. Với nhân viên giỏi, DN đừng nên tiếc tiền vì họ chính là “nguồn thu” của DN thông qua thái độ làm việc tích cực và luôn đặt ra mục tiêu trong công việc.
Huỳnh Lê