Những thanh tà vẹt này vừa được thay ra, kết thúc sứ mệnh cõng những chuyến tàu. Từ hôm nay, chúng tạm biệt cây cầu.
Những thanh tà vẹt vừa được thay ra trên cầu Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Đ.L |
Cầu Long Biên, từng là “Một trong những chiếc cầu lớn nhất thế giới và là một công trình đáng chú ý nhất từ trước đến giờ tại Viễn Đông. Đó là công trình của những kỹ sư, nhà thầu, thợ cả Pháp cũng như đông đảo nhân công An Nam” (Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương).
Thân cầu dài 1.680m làm bằng kim loại, được đặt trên hai bệ và 18 trụ bằng bê-tông có chiều cao tổng cộng là 43,5m (khi thủy triều xuống, phần chìm là 30m), và chia làm 19 nhịp được lắp ráp từ những thanh thép “Cantilever”. Phần lối đi giữa được dành cho xe lửa. Hai bên đầu cầu được nối dài thêm một đoạn 800m, khiến cho chiều dài tổng cộng của công trình là gần 2.500m. Tổng chi phí công trình tốn khoảng 6.200.000 đồng vàng.
Hầu như toàn bộ nguyên vật liệu dùng để xây dựng cây cầu đều được mang từ Pháp sang, trừ những thanh tà vẹt là được những công nhân An Nam khai thác từ các cánh rừng bản địa. Hơn 100 năm qua, cây cầu này đã gánh trên mình nó một sứ mệnh vĩ đại có lẽ vào bậc nhất trong lịch sử những cây cầu ở Việt Nam. Xoá sổ bến phà qua sông Hồng vốn tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm, mở ra một tuyến đường giao thương buôn bán từ Hà Nội tới hàng loạt các tỉnh phía Bắc.
Và hơn 100 năm sau, chính xác là 121 năm, cho tới tận những ngày mùa thu của năm 2019 này, nó vẫn bền bỉ bắc qua hai bờ sông, như một nốt nhạc, như một chứng tích, như một bảo tàng. Cầu Long Biên do người Pháp xây, và cũng là cây cầu tiễn chân những lính viễn chinh Pháp cuối cùng buộc phải rút lui khỏi Hà Nội vào năm 1954. Như vậy, chẳng phải chính người Pháp đã xây một cây cầu để lấy lối rút khỏi Việt Nam trong sự thất bại tuyệt đối sao?
Ngày nào tôi cũng đi qua cây cầu này.
Hôm nay tôi dừng ở trước những thanh tà vẹt mới được thay ra, và người ta còn chưa kịp khuân đi. Những người thợ nói rằng, tuổi thọ của tà vẹt gỗ phụ thuộc nhiều vào chất lượng gỗ đã đành, nhưng còn phụ thuộc nhiều hơn vào điều kiện thời tiết, khí hậu.
Thường thì chúng có khoảng 2 năm ở trên cầu. Với độ dài gần 2.500m thì số tà vẹt được lắp trên cầu Long Biên phải vào hàng nghìn, vài nghìn cái. Chủ yếu người ta dùng gỗ pơ mu và keo. Hai đầu tà vẹt được buộc bằng dây thép để giảm thiểu sự vỡ nứt, và mỗi thanh tà vẹt đều được đánh số.
Việc đánh số ấy sẽ cho người thợ biết chắc rằng tuổi thọ của nó đang ở ngày thứ bao nhiêu. Không ai có thể thống kê hết số tà vẹt đã được dùng kể từ khi xây dựng cầu, năm 1898. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu không có chúng, thì cây cầu… Long Biên này không bao giờ hoàn thành.
Tôi nhìn những thanh tà vẹt đã mục và nghĩ, nếu như theo quan niệm vạn vật hữu linh của nhiều tộc người trên đất nước này, thì chúng cũng sẽ có linh hồn. Vì vậy, mặc dù đã rời khỏi cây cầu vươn qua dòng sông mẹ chở nặng phù sa và bốn mùa ngầu đỏ kia, mặc dù đã chấm hết phận sự, chúng sẽ còn ngẩn ngơ đâu đó quanh đây.
Ngày ngày nhìn dòng người từ bên kia sông, bỏ mặt trời ở phía sau, đi vào thành phố từ lúc bình minh; và tạm biệt thành phố trở về với những làn khói thôn dã hiếm hoi bên kia bờ, vào lúc chiều muộn. Tôi luôn có cảm giác ấy, mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều.
Cầu Long Biên có những lúc hư hỏng nặng tới mức báo động. Người ta từng có lần phải thay cùng lúc hai trăm thanh tà vẹt vì chúng đồng loạt lung lay, lỏng lẻo, đe dọa nghiêm trọng tới độ an toàn của cây cầu. Từng có ý kiến đề đạt việc biến cầu Long Biên trở thành một bảo tàng sống ngoài trời, với những can thiệp mới về mặt mỹ thuật… nhưng rồi nó không thành hiện thực.
Tôi thì nghĩ rằng, bản thân nó, như hiện tại, đã là một bảo tàng sống đẹp đẽ, hoàn hảo, với tất cả những dấu vết mà thời gian, lịch sử để lại, ghi dấu trên từng centimet cầu. Không cần phải làm gì thêm cả, hãy để yên nó như hiện tại, như một sợi dây níu Hà Nội với những giá trị xưa cũ, nề nếp, sâu sắc, trầm tĩnh, quý phái, kiêu sa, giản dị, mực thước… Điều cần làm là chống chọi với thời gian, với thiên nhiên để giữ nó lại thật lâu, thật lâu.
Chiều chiều, những người nông dân lại mang rau củ quả trồng dưới bãi, vài con cá, ít tôm tép đánh bắt được dưới sông lên cầu để bán. Cầu Long Biên được thiết kế ở mỗi bên có hai khoảng rộng ra, như một quãng nghỉ cho những người đi bộ, đủ để dăm ba người phụ nữ đội nón, dựng xe đạp sau lưng, và bày vài món ra chiếc mẹt con con. Chợ chiều, những gương mặt mỏi mệt, những niềm hy vọng đang dần dần chìm đi khi dòng người lũ lượt qua cầu mà rau cỏ vẫn còn đầy, héo dần trong cái ngột ngạt của mùa hè.
Mỗi khi tôi rời nhà, tức là rời Hà Nội để đi đâu đó, thường đều phải đi qua cầu, có khi là lúc mờ sáng. Hình như cả đêm không lúc nào không có người đi qua cầu. Chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Những bóng đèn vàng, không hiểu sao chúng chưa bao giờ sáng rực rỡ, mà chúng chỉ vàng vàng, làm cho cây cầu đã cũ càng cũ hơn, soi xuống mặt đường dành cho xe máy.
Sông rì rào chảy dưới sâu kia, tối, thẫm. Một đoàn tàu vừa hú còi chào thành phố ở phía sau lưng tôi. Bao giờ khi sắp vào thành phố tàu cũng cất những hồi còi rất dài để chào thành phố, và vào lúc ấy thì có lẽ là chào cả bình minh nữa.
Tôi lặng lẽ qua cầu một mình, nghe gió thổi bên tai, rồi sẽ còn phải xuyên qua trung tâm thành phố, để bắt đầu những chuyến đi. Trong buổi bình minh, những thanh tà vẹt như cựa quậy dưới sức nặng của những thanh ray, và rì rầm kể những câu chuyện bất tận về cây cầu trăm năm, thành phố nghìn năm và dòng sông triệu năm này.
Đức Lâm