Lạ lùng và ấm áp

.

Lần đầu tiên đọc Bắt trẻ đồng xanh, tác phẩm đầu tay của nhà văn Mỹ Jerome David Salinger, tôi nhìn thấy rất nhiều điểm trừ: Chiếc bìa độc nhất màu xanh đơn điệu; dòng tựa đề in với kiểu chữ bay bướm ỡm ờ; và nhiều những động từ, tính từ phách lối, thiếu chuẩn mực. Nhưng rồi, tôi nhắm mắt lại để cảm nhận về nó thêm một lần nữa, Bắt trẻ đồng xanh đã thực sự khiến tôi nao lòng, câu chuyện đã lột tả chân thực về vẻ đẹp tâm hồn của một cậu bé vị thành niên đang trưởng thành.

Bạn sẽ nhớ điều gì nhất khi nghĩ về những năm tháng tuổi trẻ? Là hoài bão, khát vọng hay những ngày miệt mài đèn sách để lập thân lập nghiệp. “Sự cố gắng” có lẽ là đáp án chung cho hầu hết mọi người. Thế nhưng như hai mặt của một bàn tay, có giai đoạn những cô bé cậu bé vị thành niên sẽ rơi vào hố đen của sự hoang mang và trống rỗng. Họ không biết mình là ai, đời sẽ đi về đâu. Y như cậu bé Holden Caulfield - nhân vật chính trong Bắt trẻ đồng xanh vậy.

Trong suy nghĩ của Holden, nước Mỹ vào những năm giữa thế kỷ 20 là một xã hội hổ lốn, bịp bợm và phân biệt giàu nghèo. Đa số những ông thầy sẽ cúi rạp người để bắt tay và niềm nở với những phụ huynh giàu có và tỏ vẻ không quan tâm tới những phụ huynh nghèo khó. Hầu như tất cả mọi người xung quanh cậu đều chuẩn bị sẵn những chiếc mặt nạ để “làm bộ làm tịch” với nhau. Holden trở nên bối rối, mâu thuẫn, chán ghét mọi người và cuộc đời. Cậu liên tục chửi thề, phát ngôn kỳ quái. Nào là “dở hơi”, “điên khùng”, rồi còn “mắc dịch” nữa. Vậy, rốt cuộc Holden có thực sự là một thiếu niên hư hỏng, thích gia nhập vào lối sống lang bang, bất cần và tiêu cực như nội dung mạch truyện mà tác giả đang dùng ngôi thứ nhất để dẫn dắt độc giả?

Để đánh giá đạo đức của một người, đôi khi ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người đó. Có thể Holden còn nhiều sai sót trong việc lựa chọn cách đối diện với sự an toàn nhưng rõ ràng cậu chỉ mới 16 tuổi. Ai ở tuổi đó mà chẳng loay hoay và nổi loạn. Chưa kể, đằng sau sự nổi loạn đó còn là một trái tim vô cùng bao dung. Nếu những bạn đồng trang lứa chọn cách sống vội và ơ hờ, thì Holden lại dành hết tâm sức và sự trân trọng để đến gần những con người cô đơn.

Trong lúc ai cũng mải mê với trận đấu bóng chung kết tưng bừng ở trường, Holden lại đến thăm ông giáo già dạy môn lịch sử không may bị bệnh, đang rất buồn bã. Trong cư xá cậu bạn Ackley luôn bị xa lánh vì khuôn mặt đầy mụn, hàm răng xấu xí, những cái móng tay ghét bẩn nhưng Holden đã chọn làm bạn với cậu. Holden sắp xếp thời gian để rủ cậu đi xem phim, để rồi phát hiện ra cái mong muốn đáng thương xiết bao của người bạn đồng trang lứa, đó chính là được trò chuyện. Còn nữa, chính tâm hồn tuổi 16 ấy đã thổn thức không ngừng khi chứng kiến một cậu bạn nhỏ con cùng lớp bị 6 gã cao lớn trong ký túc xá đồng loạt tấn công,…

Bằng lối kể chuyện lạ lùng, Jerome David Salinger đã thành công khi dựng nên hình ảnh một thiếu niên nhiều khiếm khuyết nhưng rất gần gũi. Holden đã bước từ đời vào sách, cũng từ sách nhiều người đã soi chiếu và nhận thấy xung quanh mình còn có hàng trăm cậu thiếu niên đang ngập ngừng khác. Họ vừa đáng trách vừa đáng thương, mỗi ngày đều đang tìm cách để trải nghiệm và trưởng thành hơn. Tôi nhớ mãi một chi tiết - đoạn mà Holden đặt câu hỏi:  “Khi mặt hồ đóng băng thì những con vịt sẽ đi về đâu?” Với tôi, những con vịt là hình ảnh biểu tượng cho sự ngây thơ, trong trắng, như những đứa trẻ cần được bảo vệ. Holden cũng thế, cậu đã nói mãi về một ước mơ duy nhất của đời mình. Cậu muốn được làm một người canh giữ lũ trẻ trên cánh đồng lúa mạch. Cậu đã tưởng tượng thấy một cánh đồng mênh mông với hàng ngàn đứa trẻ con chơi đùa, xung quanh không có một mống người lớn nào, ngoại trừ cậu. Cậu đứng ở rìa vách đá dựng đứng để canh giữ những đứa trẻ mải mê nô đùa và không để chúng rơi xuống vực.

Bắt trẻ đồng xanh đích thực là một cuốn sách gối đầu giường cho những ai đã và đang trải qua một thời tuổi trẻ xáo động. Đằng sau những ngôn từ nổi loạn là những bài học đạo đức sáng giá. Nó khiến những ai vô cảm nhất cũng dễ dàng bắt nhịp, và rồi nhìn thấy một thời tuổi trẻ sôi nổi của chính mình. Một cái tôi rối bời, nhiều mâu thuẫn và yếu đuối, nhưng sâu thẳm bên trong là khát khao được chạm vào những điều tử tế trong veo.

Sự trải nghiệm và vấp ngã sẽ giúp mỗi người trưởng thành. Nhưng tôi nghĩ rằng, mọi hành động đều có chung điểm khởi đầu là suy nghĩ. Bạn sẽ chẳng thể trở thành người tử tế nếu bạn không hề biết rung cảm trước những điều đẹp đẽ hoặc đau thương. Bạn chỉ có thể chăm sóc lũ vịt, khi bạn nhận ra vẻ đẹp của chúng chính là sự ngây thơ. Sự bao bọc đó, lạ lùng và rất ấm áp.

Minh Thi
* Đọc Bắt trẻ đồng xanh của Jerome David Salinger, Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam ấn hành.
 

;
;
.
.
.
.
.