1. Đất và người (NXB Hội nhà văn) là tập truyện ký của tác giả, đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh (SN 1940). Tập sách như một mảng hồi ức những năm tháng ngược xuôi làm phim tài liệu của tác giả. Bằng kinh nghiệm của một nhà làm phim tài liệu có đẳng cấp, ông viết Đất và người với nhiều chi tiết ly kỳ và hấp dẫn. Ông suy tư về cuộc đời theo kiểu riêng biệt: “Thượng đế cho chúng ta xuống trần gian để biểu hiện chính mình.
Vũ trụ là một sân khấu lớn mà nơi chúng ta đang sống là một sân khấu nhỏ. Tất cả chúng ta từ vị bé nhất đến vị lớn nhất đều là vai diễn, hết vai diễn “người về cởi áo lau son phấn, rũ sạch công danh với bụi trần”. Hơn 500 trang trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chảy trong ông cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự nhìn - thấy để đến nhìn - không nhìn, nhìn - không. Nhìn - không chính là thi ca, là con mắt của thơ.
2. Nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất Chu Văn An (1370-2020), NXB Kim Đồng gửi tới các em nhỏ tập sách Chu Văn An (lời: Hiếu Minh, tranh: Lê Minh Hải). Cuốn sách này ghi lại nét đẹp nhân cách người thầy mẫu mực - nhà giáo Chu Văn An (1292-1370). Ông là một vị quan cuối đời Trần, cũng là một nhà giáo lỗi lạc, một thầy thuốc hết lòng vì nhân dân. Khi đỗ Thái học sinh, Chu Văn An trở về quê nhà mở trường dạy học và có nhiều học trò đỗ đạt.
Trong số môn đệ ông có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát… Cuộc đời thanh bạch, cương trực, không cầu danh lợi của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Khi ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
H.Â