Năm 2019, bộ phim Ròm của Trần Thanh Huy đoạt giải thưởng New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan (Hàn Quốc). Để được xướng tên tại một trong những “đại hội điện ảnh” quan trọng nhất châu Á, người đạo diễn sinh năm 1990 đã dành 8 năm kiên trì thai nghén đứa con tinh thần. Ròm sẽ được công chiếu tại Việt Nam từ ngày 31-7.
Đạo diễn Trần Thanh Huy. Ảnh: K.M |
Bộ phim Ròm được phát triển từ 16:30 - phim ngắn từng đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu ở hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Phim truyền tải một thế giới quen thuộc nhưng cũng khác lạ về những người lao động nghèo, đặc biệt là các thiếu niên đường phố sống ở khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
* Chào đạo diễn Trần Thanh Huy, câu chuyện này được anh lấy ý tưởng từ đâu?
- Một hôm, đang chạy xe trên cầu Thị Nghè, tôi bắt gặp mấy các thiếu niên chạy bán vé dò. Tôi nhớ về tuổi thơ của mình, từng gắn bó với trẻ em đường phố khu chợ Thị Nghè (Thành phố Hồ Chí Minh). Hồi đó, các bạn bán vé dò kiếm sống, còn tôi bán vé dò lấy tiền mua quà vặt. Tôi quyết định chọn đề tài này làm phim tốt nghiệp.
Tôi sinh ra trong một gia đình lao động, ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán, nên phần nào hiểu đời sống của những người lao động nghèo. Nhưng để chuyển tải câu chuyện thành phim, tôi mất nhiều tháng thâm nhập thế giới ấy. Thật ra, Ròm có trước 16:30, nhưng do điều kiện khi đó chưa cho phép, tôi chọn làm phim ngắn trước.
* Anh đã phát triển Ròm như thế nào?
- Hơn 3 năm, tôi tập trung suy nghĩ, nghiên cứu nhân vật. Tôi dựa vào nhân vật từ cuộc sống, cộng dồn và hòa quyện nhiều nhân vật có thật thành nhân vật trong phim. Trong phim của tôi, không có diễn viên chính hay phụ, bởi mỗi nhân vật đều có số phận riêng và đóng góp tầng lớp ý nghĩa. Để làm được điều này, tôi được sự giúp đỡ từ những người bạn đạo diễn.
Tôi nhờ họ sống ở các chung cư và ghi chép, tìm những ngóc ngách thú vị tại đó. Cứ vài ngày, tôi đến gặp, nói chuyện và thâm nhập cuộc sống nơi ấy. Bản thân tôi cũng thuê một phòng nhỏ trong chung cư cũ khoảng 6 tháng để sinh sống, làm quen và chuyện trò cùng mọi người. Ban đầu, họ rất khó chịu. Lâu dần, mọi người yêu thương tôi như con cháu trong nhà và chia sẻ nhiều câu chuyện.
Tôi vốn thích khám phá, nói chuyện với nhiều những tầng lớp khác nhau. Tôi cũng thích chạy xe ngoài đường, thấy gì hay thì ghi chép lại và sau đó liên kết các mảng rời rạc với nhau. Và lúc nào kịch bản cũng thường trực trong đầu tôi. Tôi viết tới mấy ngàn trang cho Ròm, từ kịch bản đến dàn ý chia từng phân đoạn, ngân sách dự kiến… Có dạo tôi hết ăn rồi ngủ ở quán cà phê đêm để viết đi viết lại kịch bản.
* Điều gì khiến anh có niềm tin mãnh liệt vào “đứa con” của mình?
- Sau khi thành công với phim ngắn 16:30, tôi nhận được nhiều lời mời làm phim từ các nhà phát hành lớn ở Việt Nam. Mọi người tin tưởng tôi có thể làm phim thương mại đạt doanh thu cao. Có nhiều con đường để lựa chọn nhưng tôi chọn kể câu chuyện riêng theo cách mình thích. Tôi quay trở lại câu hỏi mình làm phim để làm gì. Nếu làm phim phục vụ cho nhà đầu tư hay thị hiếu khán giả, tôi có thể không phải là tôi. Tôi muốn làm bộ phim vì tuổi trẻ, đam mê và niềm tin rằng phim của mình sẽ tốt.
Niềm tin mạnh mẽ này xuất phát từ bản thân. Tôi tin vào những gì mình học được: Phim là cuộc sống và cuộc sống là phim, điện ảnh phản ánh con người và vấn đề xã hội. Niềm tin càng trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi lần tôi gặp gỡ nhân vật. Tôi chắc chắn rằng đây là bộ phim mình phải kể.
Một cảnh quay trong phim “Ròm”.Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong 5 năm tìm kiếm tài trợ từ các nhà sản xuất, quỹ đầu tư, chúng tôi nhiều lần bị từ chối. Nhưng sau mỗi lần thất bại, tôi lại đứng lên và tin mình sẽ tìm được điều gì mới. Nếu bỏ cuộc khi thất bại, chúng tôi đã không thể có thành quả như hôm nay. Làm phim không chỉ cần sáng tạo, mà còn phải kiên trì.
* Anh kỳ vọng gì khi Ròm được công chiếu tại Việt Nam vào ngày 31-7?
- Ròm đi ngược dòng với phim độc lập và phim thương mại. Đa số nghĩ làm phim thương mại phải có công thức, kết cấu. Phim độc lập thường kể câu chuyện theo hướng nội tâm của nhân vật. Tôi muốn làm bộ phim gần gũi với khán giả hơn và kể chuyện theo cách riêng - dựa hoàn toàn vào những câu chuyện có thật. Khi mọi chuyện trở nên quá thật, nhiều người trong nghề nhận xét giống phim tài liệu nhưng tôi tin vào phong cách này để kể.
Tôi hy vọng Ròm sẽ là bước ngoặt cho điện ảnh Việt Nam, tạo làn gió mới, giúp các nhà sản xuất, đầu tư tin người trẻ có thể làm phim. Thị trường điện ảnh sẽ đa dạng phong cách, không gò bó trong những câu chuyện tình yêu, hài hước hay hành động…, mà có những đề tài, chủ đề mới hơn. Muốn được như vậy, cần sự ủng hộ của khán giả - những người quyết định muốn xem gì. Nếu Ròm không được đón nhận, việc làm phim của những người trẻ có thể khó khăn trong tương lai.
* Dự định của anh sau hành trình với Ròm?
- Tôi đã trải qua một chặng đường dài cảm xúc với Ròm, từ điểm đáy đến đỉnh cao châu Á. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc được nhận giải thưởng ở LHP lớn nhất châu Á, được các nhà sản xuất bỏ tiền để phát hành phim. Đây là vinh dự nhưng cũng là thử thách, áp lực buộc tôi phải nỗ lực hơn nữa. Sau đợt chiếu phim này, có lẽ tôi lại tiếp tục biến mất (cười), và chắc chắn tôi sẽ quay trở lại với bộ phim điện ảnh khác, từ những kinh nghiệm với Ròm. Không chỉ tôi, mà cả ê-kíp đều có nhiều bài học quý giá cũng như trưởng thành hơn sau khi thực hiện Ròm.
KIM EM thực hiện