Chuẩn bị tốt nhất để chào đón "thiên thần nhỏ"

.

Trong thời điểm phải “sống chung” với Covid-19, khoa Sản tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn Đà Nẵng chủ động tăng cường sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm bên cạnh việc truyền thông nhằm ổn định tâm lý cho các sản phụ,bảo đảm công tác chuẩn bị tốt nhất để chào đón các “thiên thần nhỏ”.

Trong thời điểm phải “sống chung” với Covid-19, các bệnh viện đều tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn cho một sản phụ tại phòng khám Sản - Bệnh viện Tâm Trí. Ảnh: Q.T
Trong thời điểm phải “sống chung” với Covid-19, các bệnh viện đều tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn cho một sản phụ tại phòng khám Sản - Bệnh viện Tâm Trí. Ảnh: Q.T

Nâng cao công tác sàng lọc bệnh nhân

Ngay từ đầu mùa dịch, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã tiến hành lập chốt ở các cửa để đo thân nhiệt của tất cả những người ra vào BV, bao gồm bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế. Phía trong BV, một nhóm trực thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhắc nhở người bệnh và người nhà ngồi giãn cách nhau. Hệ thống loa phát thanh của BV thường xuyên thông báo các nội dung liên quan đến phòng, chống Covid-19. TS - bác sĩ Phạm Chí Kông, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, việc hạn chế người thăm nuôi bệnh giúp không gian BV thoáng đãng hơn.

Những người chăm bệnh nguy cơ phải được sàng lọc SARS-CoV-2 cho cả bệnh nhân lẫn người nhà. BV cũng đã tiến hành nhiều biện pháp, trong đó có lập khu dã chiến, phòng cách ly, điều trị riêng biệt với các khu điều trị khác nhằm bảo đảm an toàn cho sản phụ và em bé đến khám bệnh. Sau mỗi ngày làm việc, phòng khám được vệ sinh bề mặt và phun thuốc khử trùng để môi trường sạch, an toàn cho ngày khám tiếp theo. “Chúng tôi thực hiện phân luồng, sàng lọc ngay tại cổng vào. Bệnh nhân và người nhà được đo thân nhiệt, xác định yếu tố dịch tễ thông qua ứng dụng covidmaps.danang.gov.vn. Những người đi khám có yếu tố dịch tễ hoặc triệu chứng hô hấp được khám tại khu vực riêng với hệ thống khép kín từ khám bệnh, thực hiện xét nghiệm, siêu âm chẩn đoán. Sản phụ có nguy cơ nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 được sàng lọc lấy mẫu SARS-CoV-2  ngay”, bác sĩ Kông nói.

Trong khi đó, tại BV Gia Đình Đà Nẵng, khu vực khám sản thực hiện giãn cách tối đa, người thân đi cùng được khuyến cáo chờ tại khu vực bên ngoài BV, trừ trường hợp quá đặc biệt. Đồng thời, BV áp dụng phân chia khách hàng nguy cơ cao, có yếu tố dịch tễ và những khách hàng còn lại ngay từ đầu để phân luồng thăm khám. Đối với khu vực nội trú, tất cả khách hàng và người thân đều được khám sàng lọc SARS-CoV-2, đeo khẩu trang N95.

Mỗi sản phụ chỉ có một người thân chăm nuôi và không thay đổi trong suốt quá trình lưu trú tại BV. Người thân chăm nuôi phải bảo đảm các tiêu chuẩn: khỏe mạnh, không có bệnh lý mạn tính và dưới 65 tuổi. Đặc biệt, nếu không có yếu tố bất thường, bác sĩ thăm khám và cho sản phụ sinh thường xuất viện sau 48 giờ, đối với sản phụ sinh mổ là khoảng 96 giờ. Tất cả nhân viên y tế đều mặc trang phục phòng hộ theo quy định trong suốt quá trình làm việc.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan (Trưởng khoa Phụ sản, BV Gia Đình) cho biết, khoa Phụ sản nói riêng và BV Gia Đình nói chung đã xây dựng những kế hoạch và quy trình mới để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, khách hàng và thân nhân nhưng vẫn luôn giữ vững chất lượng chăm sóc và điều trị. “Chúng tôi khuyến khích sản phụ đăng ký lịch khám bệnh trên website BV hoặc qua điện thoại để được sắp xếp lịch khám, hạn chế thời gian chờ.

Sản phụ nên tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm online của BV để được bác sĩ, điều dưỡng giải đáp trực tiếp các thắc mắc. Bác sĩ của BV cũng chủ động tư vấn, trấn an tâm lý qua điện thoại cho sản phụ các nội dung bảo đảm sức khỏe thai nghén, khuyến khích duy trì khám thai định kỳ, hướng dẫn các biện pháp tăng cường miễn dịch cơ thể, tăng sức đề kháng như: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thức ăn có nhiều vitamin tự nhiên và khoáng chất hằng ngày, luyện tập vận động cơ thể nhẹ nhàng thường xuyên”, bác sĩ Loan nói.

Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng thực hiện phân luồng thăm khám ngay từ ngoài cổng. Ảnh: Q.T
Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng thực hiện phân luồng thăm khám ngay từ ngoài cổng. Ảnh: Q.T

Chỗ dựa cho thai phụ

Trước đây, khi đi sinh, sản phụ nhận được rất nhiều động viên, quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi từ người nhà. Song, hiện tại, quy định chỉ một người chăm sóc, không được thay đổi trong suốt quá trình lưu trú tại bệnh viện làm sản phụ cảm thấy lo lắng và nhiều gia đình cũng “luống cuống”.

Gia đình anh Quốc Nghị (trú đường Phạm Viết Chánh, quận Cẩm Lệ) vừa chào đón một “thiên thần” ngay trong lúc Covid-19 cao điểm ở Đà Nẵng. Anh Nghị kể, tâm lý vợ anh ổn định trong suốt thời kỳ mang thai nhưng khi đến giai đoạn chuyển dạ thì chị lo lắng, bất an. “Bà nội, bà ngoại đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ “nuôi đẻ” thì đến phút cuối phải “ngồi vòng ngoài”. Đứa bé là con đầu lòng nên chúng tôi không có kinh nghiệm, hai vợ chồng rất lóng ngóng. Cũng may các điều dưỡng, nữ hộ sinh hướng dẫn chúng tôi từng li từng tí nên cả nhà vượt qua trở ngại ban đầu. Tôi cũng tham gia nhóm chat online của BV để học tập kinh nghiệm của những người đi trước, có thắc mắc gì trong việc chăm sóc bé thì hỏi bác sĩ”, anh Nghị nói.

Điều dưỡng Hoàng Thị Thương (khoa Phụ sản, BV Gia Đình) chia sẻ: “Nhiều năm làm điều dưỡng khoa Phụ sản, tôi hiểu tâm lý nhạy cảm, mau nước mắt của phụ nữ ở giai đoạn có thai và sinh con. Trải qua 9 tháng biến đổi ở cả thể chất lẫn tinh thần nên lúc chuyển dạ, sản phụ cần có người nhà bên cạnh động viên. Hiểu được điều đó, nữ hộ sinh phải luôn cố gắng động viên sản phụ mạnh mẽ hơn, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ người nhà để giảm áp lực cho họ.

Trong giai đoạn phòng, chống Covid-19, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều nhưng chúng tôi động viên nhau cố gắng. Các sản phụ và người thân cũng mạnh mẽ hơn nhiều trong mùa dịch, họ phối hợp tốt với chúng tôi và hiểu những áp lực, vất vả của bác sĩ, nữ hộ sinh và điều dưỡng. Chúng tôi gặp nhiều tình huống rất dễ thương trong quá trình chăm sóc con của các ông bố, bà mẹ trẻ, từ chuyện không biết phân biệt đâu là tã, bỉm, đến cách bồng con, cho con bú... Đây như liều thuốc tinh thần trong những ngày dịch giã căng thẳng”.

Theo bác sĩ Võ Văn Thu (Giám đốc điều hành BV Tâm Trí), nhận thấy các sản phụ sinh con trong mùa dịch sẽ gặp những khó khăn nhất định nên BV đã có một số chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, khi sản phụ đi sinh hoặc ra viện thì BV có dịch vụ hỗ trợ những chuyến xe an toàn đưa đón, có nhân viên y tế đi cùng được trang bị trang phục phòng hộ trong suốt quá trình di chuyển. BV có đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng hằng ngày cập nhật và tư vấn, lên thực đơn đầy đủ cho sản phụ. Các bữa ăn đều được phục vụ tận phòng. “Chúng tôi cũng triển khai một số chương trình miễn phí như gội đầu/vệ sinh cho mẹ, massage cho bé.

Với chính sách hạn chế di chuyển giữa các khu vực trong bệnh viện, nhân viên thay mặt nhận và chuyển những đồ dùng thiết yếu, đồ dùng cá nhân lên tận phòng cho sản phụ. Nhìn các bà mẹ lo lắng nguy cơ dịch bệnh có thể lây cho con mình, chúng tôi thấy tăng thêm áp lực. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu và luôn chia sẻ những lo lắng đó với các bà mẹ cũng như người thân của họ bằng các biện pháp phòng ngừa an toàn trước, trong và sau sinh. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi một bà mẹ vượt cạn an toàn lúc này”, bác sĩ Thu nói.

Tâm lý sản phụ rất ngại đến bệnh viện (BV) thời điểm dịch bệnh nên hầu hết khoa Sản ở các BV đều triển khai chương trình tư vấn từ xa, tư vấn qua điện thoại, hoặc qua các ứng dụng để giải đáp những thắc mắc về sức khỏe của thai phụ trong suốt quá trình mang thai. Việc khám sàng lọc, tầm soát dị tật thai nhi theo từng quý cần được thực hiện đầy đủ nhằm bảo đảm thai kỳ an toàn. Sản phụ không nên vì tâm lý sợ hãi mà không đến BV khám bệnh; những bệnh lý từ sản phụ và thai nhi nếu được phát hiện sớm sẽ có hướng giải quyết, điều trị tốt hơn. Ít nhất phải thực hiện khám thai mỗi 3 tháng: siêu âm chẩn đoán, xét nghiệm đường máu của mẹ, xét nghiệm tầm soát dị tật ở thai nhi.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.