Nút F5 trên bàn phím

.

1. Nếu máy tính chạy ì ạch, nàng nhấn ngay nút F5.

Và nếu một sáng mai thức dậy, cảm thấy các sợi nơ-ron thần kinh trong đầu lờ đờ trì trệ, nàng nghĩ ngay đến những chuyến đi…

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Mà cũng chẳng đi đâu xa, có khi chỉ cần chạy xe tành tành lên đỉnh Hải Vân, chui vào chỗ ngồi quen thuộc trong quán nhỏ lưng chừng núi, kêu ly cà phê ngồi uống ngắm mây bay qua đèo về phía cố đô... Cà phê ở đây rất rẻ. Mười ngàn đồng cho ly đen đá. Và tất nhiên ở độ cao và độ cách xa thành phố thì dù cà phê chưa đủ ngon nhưng cũng đủ để nghiền ngẫm nhiều thứ trong đời.

Nếu thật rảnh rỗi, nàng làm một chuyến vượt đèo ra Huế ghé quán “Mệ Chảnh”. Đó là tên gọi mà mấy cô gái công sở ở xứ này đặt cho mệ chủ quán rặt chất Huế. Quán không nhạc, không tên, không bàn, không đèn màu. Chỉ có mấy chiếc ghế nhựa và mùi cà phê sệt lại bết trên trần nhà lợp tôn cũ kỹ. Trong cái quán bé xíu, toen hoẻn nguyên là phòng bảo vệ của một cơ quan không dùng, được một nhân viên cơi nới thành cái quán cóc ngó ra đường lớn.

Mệ chủ quán vốn là nhân viên về hưu của cơ quan, thảnh thơi ngồi trên chiếc giường nhỏ, pha pha chế chế. Còn khách tùy tiện tìm ghế ngồi. Nếu hết ghế, các cô gái có thế co chân ngồi ghé bên giường, nhâm nhi cà phê, tám chuyện trên trời dưới đất mà không sợ ai thấy mặt, biết tên. Không biết cà phê của mệ ngon cách răng mà quán đông khách dữ lắm. Người đến uống, kẻ mua về cơ quan, ôi chao là nhiều vô kể. Đến chừng 8 giờ sáng, mệ phủi tay tuyến bố: “Hết cà phê rồi, mai tới uống nghe…”. Chảnh tới rứa là cùng.

Nàng có cô bạn nhỏ người gốc Bắc nhưng lại rất yêu Huế. Mỗi lần thấy bức bối trong lòng lại phóng xe vượt đèo. Chỉ mỗi việc để ăn tô cơm hến của của mệ quen dưới Đập Đá. Rồi lý giải rằng, ăn cơm hến phải ăn tại Huế, hàng “chính chủ” do mấy mệ Huế nấu, rồi nghe cái kiểu nói rất chi là Huế mới cảm nhận vị ngọt của dòng Hương chảy róc rách trong vòm miệng. Ăn một lần đến hai tô... để đủ thời gian cà kê với mệ bán cơm tới trưa và đủ năng lượng leo lên xe quay về Đà Nẵng. Đến Lăng Cô, cả người lẫn xe tạt vào quán nước ven đường, kêu trái dừa tươi ngồi uống mà nghe trái tim phơi trên mặt nước mênh mông của đầm Lập An. Mọi ưu tư muộn phiền của những ngày tất bật như chìm sâu xuống đáy nước.

Thật lòng mà nói, tất cả món ăn của Huế đều có mặt khắp nơi trên mọi miền của đất nước chứ không riêng gì Đà Nẵng. Nhưng người ta không chỉ ăn để đã cơn thèm mà còn vì nhiều thứ khác nữa… Ví như nàng mỗi lần về Kim Long, dù bận cách mấy cũng qua nhà Mệ Lé mua bánh lọc về làm quà và ghé quán bún Mụ Mai ăn một “đọi” cho đã cơn nhung nhớ.

2. Nếu nàng bảo, nhắm mắt cũng đi về đúng ngõ nhà nội ở bên tê đèo Hải Vân, thì đích thị là như thế. Và nàng gọi đó là con đường thơm. Đó là mùi của cỏ cây, lá mục và mây trời khi đi qua đèo Hải Vân. Là mùi biển tanh nồng và mằn mặn, mùi dầu tràm và khói than củi bay lên từ những lò lửa ven đường khi chuyến xe đò cuối ngày lăn bánh qua Lăng Cô, băng qua hoàng hôn nhuộm tím mặt đầm Cầu Hai, Nước Ngọt. Trong giấc ngủ chập chờn trên chuyến xe chiều, nàng vẫn nhận ra mùi bánh lọc, bánh canh nấu với tôm cua, cá lóc bán dọc ga Truồi đến tận Phú Bài, Hương Thủy...

Ngày trước, nàng có thói quen đi xích lô từ bến xe An Cựu về Kim Long. Là bởi được tha hồ nhắm mắt lại, hít một hơi thật dài cái mùi trong trẻo, mát lành của dòng Hương vào lồng ngực. Xe cứ đi chầm chậm ven sông, qua cầu Giả Viên, quẹo về cầu Bạch Hổ. Nước sông Hương bíu ríu dưới chân cầu...
Ngõ nhà nội nồng nàn hương hoa hồng dại. Sắc hoa đỏ thẫm dọc hàng rào, còn hương hoa thì bay tận sang nhà hàng xóm. Mỗi lần về, nàng không vội vào nhà ngay mà thường đứng hồi lâu trước cổng chờ cho đến khi nghe giọng mệ từ trong nhà nói với ra: Đứa mô về rứa bây?...

Đã vậy, mỗi lần về quê nội nàng đều cố tình đi qua những con đường khác nhau để nhìn Huế rõ hơn. Như kiểu tình nhân muốn nhìn thấy nhau mọi lúc sớm trưa chiều tối… Thay vì đi trên quốc lộ 1A quen thuộc, nàng lại rẽ vào con đường nhỏ dưới chân đèo Phước Tượng, vòng qua cửa Tư Hiền về Thuận An rồi mới ngược lên Vĩ Dạ, Đập Đá, Kim Long... Lúc về, lại chọn ngả Phú Bài, chạy một vòng hết cái đầm Cầu Hai, Nước Ngọt qua Vinh An, Vinh Hiền vừa đi vừa ngắm hoàng hôn đậu trên mấy con thuyền bạc phếch màu thời gian.

Tháng Bảy rồi đó! Đối với nàng, Huế như cái nút F5 trên bàn phím máy tính. Mỗi lần giận dỗi cuộc đời, nàng lại về Huế để vung vãi nỗi buồn trên từng con phố bao dung. Đó là lý do để một ngày nào đó thấy mình trở nên cũ kỹ, nàng sẽ nhấn ngay nút Refresh...

Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.