Tìm lại ánh sáng cho người mù

.

Nhà khoa học 50 tuổi sinh tại Budapest (Hungary) Botond Roska (ảnh) vừa được Quỹ Kober (Đức) trao tặng giải thưởng Khoa học châu Âu Korber 2020, trị giá 1 triệu euro (1,18 triệu USD) để vinh danh ông và công trình nghiên cứu giúp tìm lại ánh sáng cho người mù.

"Giải thưởng sẽ giúp chúng tôi tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng cũng như phát triển các liệu pháp mới trong điều trị những chứng bệnh dẫn tới mù lòa để khôi phục thị lực cho người bệnh”

TS. Botond Roska

TS. Botond Roska hiện là giáo sư tại Đại học Basel (Thụy Sĩ), đồng thời là Giám đốc Viện phân tử và Nhãn khoa lâm sàng Basel (IOB). Ông nói rằng giải thưởng Khoa học châu Âu Korber là sự động viên rất lớn với ông và các đồng nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu phân tử và lâm sàng tại IOB.

TS. Roska và nhóm cộng sự đã nghiên cứu về các chức năng hoạt động của võng mạc ở cấp độ tế bào. Với liệu pháp tái lập trình cho một loại tế bào trong võng mạc, nhóm nghiên cứu vận dụng các phát hiện khoa học của họ trong việc phát triển các phương pháp tiếp cận khác nhau để điều trị tình trạng giảm/mất thị lực do các bệnh ở võng mạc gây ra.

Ông Roska và các cộng sự đã nghiên cứu cách thức các kiểu loại tế bào khác nhau trích xuất thông tin thị giác từ môi trường xung quanh. Dựa trên các cơ chế hoạt động của phân tử, họ xây dựng được các liệu pháp điều trị gene mới để khôi phục thị lực cho người bệnh. Bằng cách tương tác với các kiểu tế bào võng mạc quan trọng trong võng mạc của người mù, nhóm của ông Roska có thể khôi phục được chức năng truyền tải thông tin thị giác tới hệ thần kinh trung ương của người bệnh.

Theo ông Roska, mặc dù “gần như mọi chứng mù đều có thể được can thiệp” nhờ vào cấu trúc của hệ thống thị giác, nhưng vấn đề mức độ hiệu quả đạt được tới đâu sau khi dùng liệu pháp gene can thiệp thì còn tùy thuộc vào chính người bệnh. Điều này xuất phát từ thực tế, khi thị lực trở lại, trung tâm não bộ sẽ phải học lại cách nhìn sự vật và mỗi người sẽ có khả năng “học lại” này ở tốc độ nhanh, chậm khác nhau, với mức độ hiệu quả không giống nhau.

Dù vậy, điều quan trọng nhất mà ông muốn khẳng định là y học không còn bó tay trước chứng mù lòa của con người nữa. Và theo ông Botond Roska, ở giai đoạn này, liệu pháp của ông đã có thể tạo ra được thị lực tương tự như khi xem tivi đen trắng.

Năm ngoái, ông Roska được trao giải thưởng y học Louis-Jeantet vì đã có những khám phá khoa học về các nguyên tắc cơ bản trong quá trình xử lý thông tin thị giác và việc phát triển các chiến lược trị liệu, cụ thể là liệu pháp gene, để phục hồi thị lực ở những người bệnh gặp các chứng rối loạn võng mạc.

Với công trình nghiên cứu của mình, TS. Roska đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành nhãn khoa. Ông cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị lực và võng mạc.

Tổng thống Hungary János Áder từng ca ngợi ông Roska là “bác sĩ không chỉ điều trị cho các bệnh nhân mà còn giúp những người khác được chữa lành thông qua nghiên cứu của ông ấy”. Tại lễ trao giải thưởng ngày 7-9 vừa qua, Thị trưởng thành phố Hamburg (Đức), ông Peter Tschentscher, ca ngợi công trình nghiên cứu có tính đột phá của TS. Roska, cho rằng “nghiên cứu của ông Roska đã đánh thức hy vọng về các liệu pháp điều trị mới có thể giúp khôi phục thị lực ở người mù”.

Giải thưởng Khoa học châu Âu Korber tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc, nổi bật đang làm việc tại châu Âu. Giải thưởng được trao cho những công trình nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng lớn và có tác động ở quy mô quốc tế.
Trong những năm gần đây, Giải thưởng Khoa học châu Âu Korber trở thành một trong những giải thưởng nghiên cứu có tiếng nhất thế giới. Theo báo Hungary Today, trong 10 năm qua, trong số các nhà khoa học được trao giải Korber, có 6 người sau đó được trao giải thưởng Nobel.
 

TRẦN ĐẮC LUÂN theo Korber, Hungary Today, Reuters



 

;
;
.
.
.
.
.